Giáo dục

Bộ Giáo dục trả lời về chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên người nước ngoài

Việt Nam chưa có đơn vị nào được cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài và cũng chưa có quy định về việc công nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh...

Ngày 21/12, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ.

Việt Nam chưa có đơn vị nào được cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài.

Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nhận được công văn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị hướng dẫn về các chứng chỉ điều kiện cấp phép lao động cho giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trung tâm dạy ngoại ngữ.

Đồng thời, cùng nhiều ý kiến của Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH ILA Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax phản ánh về việc giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ có kết quả điểm thi tiếng Anh (IELTS), chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế (TESOL, TEFL, CELTA) nhưng Sở LĐ-TB-XH Hà Nội không chấp nhận để cấp phép lao động, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh trả lời:

Trước hết, về khái niệm "giáo viên là người bản ngữ", trong Thông tư 21 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được hiểu giáo viên bản ngữ là người nước ngoài dạy ngoại ngữ mà ngôn ngữ đó là ngôn ngữ thứ nhất của giáo viên đó.

IELTS là kỳ thi nhằm đánh giá khả năng tiếng Anh. Kết quả cuối cùng của người tham gia kỳ thi này là test report (thường được gọi là chứng chỉ IELTS hoặc bài thi IELTS), ghi điểm cụ thể của 4 kỹ năng kiểm tra (nghe, nói, đọc, viết) xác định trình độ tiếng Anh của thí sinh với khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, hiện chưa có quy định về việc quy đổi tương đương giữa chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức nước ngoài cấp với chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01 ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước.

Mức độ tương thích giữa CEFR và khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam như sau: Cấp độ A1, A2, B1,B2,C1,C2 theo khung CEFR lần lượt tương thích với bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4, bậc 5, bậc 6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

Vì vậy, điểm bài thi IELTS được công nhận tham chiếu tương đương với khung CEFR thì có thể quy đổi tương đương sang khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

Liên quan đến chứng chỉ đào tạo GV dạy ngoại ngữ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tại, Việt Nam chưa có đơn vị nào được cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài và cũng chưa có quy định về việc công nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh do tổ chức nước ngoài cấp.

Lãnh đạo Bộ cho biết, trên thế giới, có một số chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đã được kiểm định, công nhận và sử dụng khá phổ biến như: chứng chỉ TESOL được kiểm định bởi Tổ chức ALAP, chứng chỉ TEFL của Gatehouse Awards và chứng chỉ CELTA của Cambridge Assessment English được kiểm định bởi Văn phòng Quản lý quy chế thi và trình độ Vương quốc Anh.

Vì vậy, Cục Quản lý chất lượng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội xem xét và có thể chấp nhận các chứng chỉ này là điều kiện để cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP