Giáo dục

Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020 do ảnh hưởng của dịch Corona

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, hiện nay quy định 31/5 là kết thúc năm học, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng vì dịch nCoV, có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6.

Ảnh minh họa.

Theo ghi nhận của Dân Trí, tính đến 16h ngày 7/2 đã có 40 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần đến 16/2 để phòng, chống dịch bệnh virus Corona (nCoV).

Các tỉnh/thành phố bao gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Lai Châu, Vĩnh Phúc, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hải Dương, Hà Giang, Vĩnh Long, Yên Bái, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Long An, Bình Định, Bình Phước, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hòa Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Nam, Nam Định, Tây Ninh, Bạc Liêu.

Ngoài ra, trước đó đã có 4 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo tiếp theo là Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên và Nghệ An.

Trước đó, chiều 6/2, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV Bộ GD&ĐT đã họp và thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố căn cứ tình hình thực tế kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần nữa, trong đó có thể xem xét nghỉ toàn diện hoặc nghỉ học cục bộ, đảm bảo mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn của học sinh và của cộng đồng.

Về vấn đề đảm bảo khung thời gian chương trình cho học sinh, trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông thuộc Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các địa phương về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành.

Theo ông Thành, trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này để bố trí học bù.

"Chúng ta không mong, nhưng nếu bất khả kháng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì UBND các tỉnh theo thẩm quyền phải chủ động theo dõi tình hình, thực hiện chỉ đạo của Trung ương để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học lại.

Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến cả tình huống học sinh tiếp tục phải nghỉ học. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết" - ông Thành nói.

Giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học online khi học sinh được nghỉ học (ảnh: GD&TĐ).

Hiện nay quy định 31/5 là kết thúc năm học, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6. Trong tình huống bất khả kháng khác nữa thì Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để bảo đảm thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cho các em học sinh.

Nếu thời gian nghỉ vẫn đủ trong khung kế hoạch năm học của Bộ GD&ĐT, thì các địa phương chủ động bố trí thời gian học bù cho học sinh, hoặc vào các tuần đệm hoặc có thể vào những khung thời gian phù hợp với điều kiện, cơ sở vật chất của nhà trường.

Giải thích chi tiết hơn về phương án lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020, theo báo Người lao động, ông Thành cho biết trong quyết định số 2071, Bộ GD&ĐT quy định rõ rằng việc tổ chức thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Việc hướng dẫn sẽ phù hợp với tình hình thực tế chứ không ấn định thời gian cụ thể, nên các nhà trường, phụ huynh, học sinh có thể yên tâm, không nên quá hoang mang, lo lắng.

Tác giả: Bá Di (T/h)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP