Giáo dục

Bộ GD&ĐT cần công bố danh sách trường đại học 'ma'

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Bộ GD&ĐT nên công bố danh sách các trường kém chất lượng ở nước ngoài để giúp người học đỡ mất sức, tốn kém.

Liên quan việc bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - không được Bộ GD&ĐT công nhận, câu hỏi khiến dư luận quan tâm là tại sao Bộ GD&ĐT không cố bố danh sách những trường đủ điều kiện công nhận văn bằng và các trường không uy tín để người học biết?

Cần thiết công bố trường nước ngoài không đạt chất lượng

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho hay: Luật pháp Mỹ không cấm việc các trường Mỹ vẫn đào tạo khi chưa được kiểm định. Đây được coi như một loại dịch vụ, người sử dụng có quyền lựa chọn. Nhưng, người học sử dụng văn bằng không được kiểm định thì có thể hoặc không được tuyển dụng vào cơ quan dân sự tuỳ theo luật pháp quy định.

Qua việc bằng của ông Nguyễn Xuân Anh, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, Bộ GD&ĐT nên công bố danh sách các trường không uy tín để giúp người học có thông tin tham khảo và lựa chọn.

Việc công bố danh sách các trường kém chất lượng ở nước ngoài hay trong nước khi không đủ thông tin tin cậy là việc làm nhạy cảm và phức tạp, nếu không cập nhật kịp thời rất gay go, có thể bị kiện nếu thông tin sai lệch. Nhưng đây là điều cần thiết, Bộ GD&ĐT nên làm thông qua hợp tác quốc tế và ký kết các thoả thuận quốc gia... Những thông tin tin cậy này sẽ làm cho người học đỡ mất công sức tiền bạc, đất nước đỡ mất ngoại tệ khi học những văn bằng nước ngoài ít giá trị.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp đề xuất Bộ GD&ĐT nên thông qua các tổ chức quốc tế uy tín công bố danh sách các trường không được kiểm định để công bố lại (nếu được phép).

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT.

Với các trường đủ điều kiện, Bộ GD&ĐT cũng chỉ dừng lại ở mức công nhận để người học chuyển tiếp trong hệ thống của Việt Nam. Còn việc tuyển dụng hay sử dụng mục đích khác không thuộc thẩm quyền và Bộ GD&ĐT cũng không thể làm được.

Về phía người học, TS Hoàng Ngọc Vinh khuyên: Trước khi tham gia các chương trình nước ngoài, học viên cần đến các trung tâm tư vấn du học uy tín trong nước tìm hiểu thông tin về cơ sở đào tạo đã được các tổ chức kiểm định hợp pháp và đã được chính phủ nước đó thừa nhận hay không?

Người học có thể truy cập vào website của trường hoặc qua người thân đã và đang học ở trường đó. Học viên không nên tin vào quảng cáo trên Internet.

Vi phạm không oan ức nhưng rủi ro

Ông Nguyễn Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - thông tin, với vai trò là quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT cũng nên cung cấp danh sách các trường đã được công nhận để trước khi làm hồ sơ du học, người học có thể tham khảo và yên tâm.

“Nếu giữ suy nghĩ ‘Anh đi học ở đâu tôi không biết, học xong về Bộ GD&ĐT để phê duyệt’ là không hay”, ông Khuyến nói.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần công khai minh bạch nguyên tắc công nhận văn bằng.

“Với các trường hợp người học văn bằng nhưng về Việt Nam không được công nhận, họ vi phạm khi kê khai thiếu trung thực là không oan ức. Nhưng họ cũng gặp rủi ro về nghề nghiệp, bởi thực chất có học chứ không phải làm giả văn bằng”, ông Khuyến nói.

Ông Lê Viết Khuyến khẳng định không thể từ trường hợp cá nhân mà khái quát rằng hình thức trực tuyến là kém chất lượng. Cách học này phù hợp và được ca ngợi vào thời đại cách mạng 4.0, là tương lai của giáo dục thể kỷ 21. Tuy nhiên, cách tổ chức như thế nào để có chất lượng tốt mới là điều đáng nói.

Theo ông Khuyến, một trong những lý do khiến tấm bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh không được đánh giá về chất lượng, đó chính là thời gian đào tạo tiến sĩ chỉ trong 21 tháng, nếu tính cả các kỳ nghỉ lễ theo quy định của các trường đại học tại Mỹ.

Tuy nhiên, theo phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục của UNESCO, thời gian đào tạo tiến sĩ ít nhất phải kéo dài 3 năm, toàn thời gian. Việc quy định thời gian đào tạo tối thiểu này nhằm đảm bảo được cường độ làm việc dành cho người học trình độ tiến sĩ.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP