Xã hội

Bộ đội mất ăn mất ngủ đưa... ếch lên núi

Vận chuyển ếch giống vượt cả trăm cây số phải cẩn trọng như... chở phụ nữ mang thai. Để con ếch thực sự thích nghi với điều kiện khí hậu ở vùng biên và sinh trưởng tốt cũng là cả một quá trình mày mò đến mất ngủ của những chiến sỹ áo xanh màu lá ở nơi đây.

Chăm ếch hơn… chăm con mọn!

Bữa cơm không báo trước tại Đội sản xuất số 2, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An (đóng chân tại bản Xốp Lau, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) chúng tôi được thiết đãi toàn những sản phẩm “nhà làm được” với thịt gà, cá suối, rau sạch và cả một đĩa thịt ếch đầy ú ụ cay xè đúng vị xứ Nghệ.

“Ếch của đội nuôi đấy!”, dường như biết chúng tôi chưa tin, Đại úy Vi Tiến Hùng – Phó đội trưởng Đội 2 khẳng định lại một lần nữa. Nuôi gà, nuôi lợn thì chúng tôi đã nghe nhiều, nhưng chuyện đưa ếch lên vùng biên khiến những vị khách từ dưới xuôi lên không khỏi tò mò.

Mô hình nuôi ếch thương phẩm ở Đội 2, Đoàn kinh tế quốc phòng 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tại xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn.

“Thực ra thì ếch “thượng sơn” cũng được 5 năm rồi. Cũng phải qua 2 năm gần như mất trắng, chỉ còn vài con sống sót cho đến kỳ thu hoạch thì ếch mới thích nghi và sinh trưởng tốt ở đây”, Đại úy Tiến Hùng cho hay.

Người nảy ra ý tưởng đưa ếch lên núi là Trung tá Lê Minh Hùng – nguyên Đội trưởng Đội 2 (hiện là Phó phòng tham mưu, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4). Nói về ý tưởng độc đáo này, Trung tá Hùng cho hay, ngoài nhiệm vụ chính trị, Đội còn sản xuất đảm bảo một phần thực phẩm và tìm các mô hình giúp bà con vùng biên phát triển kinh tế.

“Tôi thấy nguồn cung cấp thực phẩm ở đây khá khan hiếm trong khi đó thời tiết khá ổn định, nguồn nước dồi dào, nuôi ếch kinh phí không quá lớn nên manh nha ý định đưa con ếch lên đây. Cũng phải mất khá nhiều thời gian mò mẫm mới có thu hoạch và xuất bán 1 phần cho người dân quanh vùng”, Trung tá Lê Minh Hùng nói.

Sau 5 năm triển khai thí điểm, con ếch đã thích nghi với điều kiện khí hậu ở vùng biên giới này.

Ở Nghệ An có nhiều cơ sở cung cấp giống ếch nhưng thời tiết ở huyện Tân Kỳ và Kỳ Sơn có nét tương đồng nên Trung tá Hùng quyết định mua ếch giống ở Tân Kỳ mang lên. Ếch giống được đóng thùng, vận chuyển lên thị trấn Mường Xén rồi “tăng bo” bằng xe máy vào Mường Ải.

Từ Mường Xén vào đến Mường Ải mất hơn 20 cây số đường đất đá lổn nhổn, dốc đứng. Lứa đầu tiên chưa có kinh nghiệm, xe chạy nhanh, đường dằn xóc, vào đến nơi thì ếch đã mệt lử, nhiều con chết. Những lần sau, chở ếch giống về đội, anh em phải chạy từ từ, cẩn thận như chở… bà bầu để đảm bảo vào đến nơi ếch vẫn còn khỏe mạnh.

“Lứa thứ nhất, 100 con ếch giống, chết hết. Lứa thứ 2, 500 con giống, tỉ lệ sống sót và có thu hoạch chỉ còn gần 20%. Sau khi nghiên cứu, ngẫm nghĩ tôi quyết định dỡ hết số đá đã làm hang cho ếch trước kia, thiết kế lại bể nuôi, có chỗ cho ếch ngồi, ăn, nghỉ, điều chỉnh mực nước, thay nước định kỳ để tránh nấm… Nói chung chăm còn hơn chăm con mọn. Đến năm thứ 3, đàn ếch hơn 1.000 con đã phát triển bình thường, đạt trọng lượng 2-3 lượng/con vào thời điểm xuất bán”, Trung tá Lê Minh Hùng kể.

Mở hướng phát triển kinh tế cho đồng bào vùng biên

Số ếch được nuôi ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm tươi cho đơn vị còn được xuất bán cho người dân 2 xã Mường Ải, Mường Típ với giá 100 nghìn đồng/kg. So với thịt lợn và các loại thực phẩm khác thì mức giá này không phải quá cao. Người dân vùng biên hai xã này đã dần quen với món thịt ếch nuôi bể cạn trước kia chưa từng xuất hiện trong bữa ăn của họ.

Sau 2,5-3 tháng, mỗi con ếch xuất bán đạt trọng lượng 2-3 lượng/con với giá 100 nghìn đồng/kg.

Là đơn vị kinh tế quốc phòng, ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn, 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 là giúp người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu ở vùng biên giới này. Bởi vậy, việc đưa ếch lên vùng biên từ ban đầu cũng nằm trong kế hoạch giúp dân xóa đói giảm nghèo của Đội 2.

Con ếch khi đã bén duyên với đất và trời Mường Ải, với kinh nghiệm chăm sóc được đúc rút qua mấy năm trời, các cán bộ Đội 2 bắt tay vào chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch cho đồng bào.

“Hiện Đội đang triển khai thí điểm nuôi ếch thương phẩm bằng bể cạn cho 2 hộ dân tại xã Mường Típ và Mường Ải. Các hộ tham gia thí điểm ngoài việc được chuyển giao kỹ thuật, giúp làm bể, còn được hỗ trợ con giống, một số loài thuốc chữa bệnh tiêu chảy và nấm trên da ếch – hai loại bệnh mà ếch hay mắc phải”, Đại úy Vi Tiến Hùng cho hay.

Được Đội 2 hỗ trợ, ông Lương Xuân Phóng (bản Ta Đoong, xã Mường Típ) nuôi 500 con ếch giống, hiện giờ lứa ếch thứ 2 cũng đã xuất bán. “Bộ đội đến giúp nhà ta làm bể, hướng dẫn cách cho ăn, cách phòng trừ bệnh, khi bị bệnh cũng được hướng dẫn cụ thể cách chữa trị. Nuôi con ếch cũng khó chứ không giống nuôi con lợn, cứ thả ra rừng ăn cây rau, cây cỏ đâu. Ta phải cố mà học để nuôi chứ, nhưng cái đầu ta khó học quá, bộ đội không cầm tay mà chỉ thì không làm được đâu”, ông Lương Xuân Phóng thật thà.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế được cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 4 chuyển giao cho đồng bào và đạt được kết quả khả quan.

Đại úy Hùng trầm ngâm, thực ra kết quả nuôi ếch trong 5 năm qua ở đơn vị đủ để chứng minh con ếch có thể thích nghi, phát triển tốt tại vùng biên giới này. Tuy nhiên, để ếch trở thành một hướng phát triển kinh tế cho đồng bào thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là với tư tưởng trông chờ ỉ lại đã ăn sâu, bén rễ quá lâu trong ý thức của người dân. Dù đã được hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ nhưng người dân vẫn chưa biết phát hiện dấu hiệu bệnh để kịp thời xử lý, dẫn đến tỉ lệ con giống chết còn khá cao. Cán bộ của Đội phải thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn lại kỹ thuật chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho các hộ dân.

“Cả hai hộ dân thí điểm đều có sản phẩm xuất bán nhưng số tiền bán ếch họ không dùng để tái đầu tư sản xuất mà chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Mất vốn nên nếu không được hỗ trợ tiếp, rất khó để triển khai. Chúng tôi đang đề nghị chính quyền các xã có phương án hỗ trợ về vốn cho các hộ dân. Hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm cũng là 1 trong những trở ngại cho các hộ chăn nuôi. Hiện nuôi ếch thương phẩm cũng mới chỉ phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ trong dân”, Đại úy Hùng trăn trở.

Xem ra, để con ếch trở thành một hướng phát triển kinh tế ở vùng biên này vẫn là một quá trình khá gian nan.

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP