Kinh tế

Black Friday: Cẩn trọng chiêu trò giảm giá ảo và đánh cắp thông tin ngân hàng

Black Friday – ngày siêu giảm giá đang được cả thế giới chào đón, tuy nhiên người tiêu dùng nên cẩn trọng với những chiêu trò giảm giá ảo cũng như nguy cơ bị đánh cắp thông tin ngân hàng.

Ma trận hàng giảm giá

Đúng ngày “chính hội”, các doanh nghiệp, cửa hàng đồng loạt kích cầu mua sắm trên mọi mặt hàng ở hầu hết các lĩnh vực. Và đây cũng là dịp để người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm tìm kiếm các mặt hàng mình quan tâm với mức giá rẻ hơn thông thường.

Nhiều cửa hàng giảm giá sâu tất cả các mặt hàng nhằm kích cầu mua sắm.

Giảm giá sốc từ 30% - 50%, thậm chí có mặt hàng siêu sốc đến 70% hoặc hơn thế, đây là chiêu kích cầu quen thuộc. Khắp các cửa hàng, siêu thị dân dụng, siêu thị điện máy đến chợ online, đâu đâu cũng tung ra ma trận giảm giá hòng thu hút người tiêu dùng. Mặc dù vậy, mức độ giảm giá thật sự có như những chiêu trò quảng cáo?

Nâng giá rồi giả vờ hạ giá, hạ giá rồi lại nâng giá - đây là chiêu trò thường gặp nhất ở hầu hết các cửa hàng. Họ sẽ nâng giá niêm yết của sản phẩm lên cao rồi đưa ra mức giảm giá vô cùng hấp dẫn đôi khi đến 50 - 60%. Thực tế, mức giá sau khi giảm “sâu” mới bằng giá bán ra của nhiều nhà bán lẻ khác. Đây là cách đánh vào tâm lý thích giảm giá của người dùng.

Anh Minh Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc về chiêu trò quảng cáo của một thương hiệu thời trang ngay trên con đường Cầu Giấy. Thương hiệu này quảng cáo giảm giá 30-50% cho tất cả mặt hàng và giảm 70% vào khung giờ vàng 11 - 12h và 17 - 20h trong các ngày 21, 22 và 23/11. Song thực tế, phần lớn hàng hóa chỉ giảm 20 - 30%. Chỉ 2-3 dòng sản phẩm giảm 50 - 70% nhưng đều là mẫu mã cũ chậm tiêu thụ.

Nhưng đánh tráo hàng, bán hàng tồn kho hoặc thậm chí trà trộn hàng giả, chất lượng kém mới là chiêu trò cần lưu ý. Phương thức chung là đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ đưa ra một sản phẩm mà họ cho rằng ngon bổ rẻ hơn nhưng thực tế không phải vậy. Do đó, hãy cẩn thận khảo giá và kiểm tra sản phẩm kĩ càng trước khi đặt mua, đặc biệt là khi được mời mua một sản phẩm “tốt” bất ngờ.

Thực tế ở Việt Nam, nguy cơ mua phải hàng tồn ngày giảm giá rất cao. Anh Tuấn Hải (Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện mình mua chiếc TV được giảm giá tới 25% ở một siêu thị điện máy gần nhà vào đúng dịp Black Friday năm 2017. Thế nhưng dùng được một thời gian ngắn chiếc TV gặp trục trặc, sau khi kiểm tra mã và yêu cầu siêu thị bảo hành anh Hải mới biết đây là mã cũ, siêu thị tranh thủ đợt Black Friday để đẩy hàng tồn.

Thận trọng mắc bẫy hacker

Bên cạnh khả năng mua phải hàng kém chất lượng hoặc mua sản phẩm giá khuyến mại ảo, nguy cơ người tiêu dùng bị đánh cắp thông tin cá nhân còn đáng ngại hơn nữa. Theo The Street, tại Mỹ và châu Âu, có rất nhiều cách để hacker tiếp cận người dùng, nhưng đơn giản nhất là qua email với các thông điệp dụ dỗ mua sắm giá rẻ. Chỉ cần nhấn thử vào các liên kết, người dùng sẽ được đưa tới các website giả mạo hoặc bị âm thầm cài mã độc.

Người tiêu dùng nên thận trọng với những đường link quảng cáo chưa được kiểm chứng nhằm tránh những đường link giả mạo chữa mã độc chiếm dụng tài khoản thanh toán.

Thói quen mua sắm online của người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng thông dụng hơn. Vì thế, đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho hacker đánh cắp các thông tin cá nhân quan trọng. Thẻ tín dụng giờ bị xem là có liên kết bảo mật yếu nhất hiện nay bởi nhiều người dùng rất thiếu thông tin về các biện pháp bảo mật cũng như không thực hiện chúng khi sử dụng để bảo vệ cho chính tài khoản của mình. Một khi các hacker có dữ liệu của thẻ tín dụng, mã PIN hoặc mật khẩu, tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm.

2 năm sau ngày xảy ra vụ lừa đảo bị mất tới 5,8 triệu đồng trong tài khoản, chị Hải Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa hết ái ngại khi nhắc về ngày Black Friday năm 2016. Chị Hải Anh đặt hàng trên 2 chợ online, cùng lưu một mật khẩu. Nhưng hàng thì không thấy đâu, toàn bộ số tiền trong thẻ bỗng nhiên “bốc hơi”. Chỉ đến khi kiểm tra tài khoản, chị Hải Anh mới thở phào vì may mà còn sử dụng thẻ phụ để mua sắm trực tuyến, nếu dùng thẻ chính thì hậu quả khôn lường.

Không chỉ lừa đảo, lấy cắp thông tin cá nhân thông qua mua bán trực tuyến trên các chợ online, kẻ gian còn sử dụng nhiều hình thức lừa đảo khác. Nhắn tin và gọi điện trực tiếp qua điện thoại tới người mua hàng là một phương thức phổ biến. Kẻ gian thường lấy tên của các thương hiệu lớn và đưa ra các giao dịch quá tốt, khiến đối tượng khó có thể từ chối. Nhiều người sẵn sàng bấm vào các đường link mua sắm ngay lập tức khi thấy mức các quảng cáo giảm giá mà không chú ý tới việc kiểm tra lại tính xác thực của nguồn tin.

Tác giả: Thảo Quyên

Nguồn tin: vietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP