Trong nước

‘Biệt phủ’ xây không phép ở Huế: ‘Pháp luật không có vùng cấm’

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, tùy vào mức độ vi phạm để cơ quan chức năng đưa ra các hình thức xử lý, phạt hành chính chưa đủ, hoàn toàn có thể xử lý ở mức nặng hơn, sao cho đúng bản chất.

Ảnh: Cận cảnh 'biệt phủ' không phép trên khu đất của mẹ vợ giám đốc Sở Tài chính Huế
'Biệt phủ' không phép trên khu đất của mẹ vợ giám đốc Sở Tài chính Huế

Căn “biệt phủ” không phép ở Cố đô (tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) xây trên diện tích hàng ngàn m2, thuộc sở hữu của bà Trương Thị Kim (mẹ của ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn đang được dư luận xã hội rất quan tâm.

ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, phải mạnh tay xử phạt xây dựng "biệt phủ" không phép. (Ảnh: Dương Thu)

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, xung quanh sự việc này.

- Ông có bình luận thế nào về hiện tượng gia tăng các “biệt phủ” xây dựng khi chưa có sự cho phép của cơ quan Nhà nước thời gian gần đây?

ĐB Phạm Văn Hòa: Hiện tượng này không phải là mới. Tôi được biết, có một số cán bộ lợi dụng chức quyền của mình để xây nhà, mua đất nhưng lại đứng tên người thân trong gia đình hoặc là họ hàng.

Cá nhân tôi thấy, với những trường hợp xây nhà không phép, dù bất cứ người đó là ai cũng phải xử lý nghiêm minh theo luật pháp hiện hành, không ngoài trừ là người thân của quan chức tỉnh. Bởi, pháp luật là không có vùng cấm.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người dân bình thường xây nhà sai phép dù chỉ một tầng tum, một cái lan can cũng đã bị chính quyền địa phương tới lập biên bản xử phạt, đình chỉ xây dựng. Vậy có lý do gì để “biệt phủ” của người nhà quan chức xây dựng không phép lại bỏ qua? Đó là điều không thể chấp nhận được.

Tôi thấy trường hợp “biệt phủ” đứng tên mẹ vị Giám đốc sở Tài chính ở Huế, nếu thực sự đúng thông tin như báo Người Đưa Tin phản ánh, cần xử nghiêm. Đình chỉ xây dựng là đúng, nhưng nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng, tùy theo mức độ, cơ quan chức năng có thể có những hình thức mạnh hơn.

- Trên thực tế, nhiều quan chức về hưu, “hạ cánh an toàn” mới lộ ra tài sản lớn đứng tên người thân, họ hàng. Làm thế nào để minh bạch rõ ràng những tài sản như thế này, thưa ông?

ĐB Phạm Văn Hòa: Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, tất cả các cán bộ đảng viên đều phải kê khai tài sản và phải kê khai một cách trung thực tất cả những gì mình có. Điều này được giao cho các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, kiểm tra lại các tài sản đó. Nếu là tài sản bất minh, phải có xử lý nghiêm.

- Trở lại trường hợp căn “biệt phủ” xây dựng trái phép hàng năm trời vừa bị xử phạt 2.000.000 đồng, ông có ý kiến như thế nào?

ĐB Phạm Văn Hòa: Tôi thấy, xây dựng trên một diện tích lớn như thế mà chính quyền địa phương không phát hiện, dư luận người dân và báo chí phanh phui thì thật khó hiểu.

Hơn nữa, chủ căn “biệt phủ” đó lại là mẹ của cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Cán bộ cần phải làm gương tốt cho nhân dân noi theo chứ không thể để người nhà xây dựng một “biệt phủ” khi chưa có giấy phép như vậy được.

Thậm chí, người dân có thể sẽ bức xúc và thiếu tin tưởng, cho rằng, chính quyền đã bao che cho việc xây dựng trái phép này hoặc ngại chức quyền mà không dám lên tiếng. Như vậy tạo thêm sự bất công trong xã hội. Sự nể nang sẽ dẫn đến nhiều việc bất cập.

Bởi vậy theo tôi, những trường hợp này phải xử lý nghiêm, không nể nang, không né tránh dù người nhà của căn “biệt phủ” đó là bất cứ ai. Luật pháp đã quy định, mọi công dân Việt Nam đều phải sống và làm việc theo quy định của pháp luật. Nếu đã vi phạm thì việc xử lý là không có vùng cấm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Dương Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP