Trong nước

'Biệt phủ' không phép trên khu đất của mẹ vợ giám đốc Sở Tài chính Huế

Một "biệt phủ" không phép mọc lên giữa làng quê Huế với nhiều công trình nguy nga chẳng khác một vương phủ của vua chúa thời phong kiến.

Đó là căn "biệt phủ" nằm trên đường Dạ Lê (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đây là con đường nối liền giữa Quốc lộ 1A và quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Huế.

“Biệt phủ” giữa làng quê

Cổng chính của khu “biệt phủ” nằm trên con đường bê tông cách đường Dạ Lê khoảng 200 mét. Trước cổng là hai cây gỗ sưa quý hiếm cỡ lớn được trồng án ngữ ngay hai bên cổng vào.

Bước qua bên kia cánh cổng đi vào bên trong khu "biệt phủ" này mới thấy được hết sự rộng lớn và nguy nga tráng lệ của nó. Kiến trúc của những công trình trong "biệt phủ" này được xây dựng theo lối nhà rường ở Huế xưa. Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhưng cảnh quan bên trong “biệt phủ” khiến người đến thăm có cảm giác như đang lạc vào một vương phủ nào đó.

"Biệt phủ" trên khu đất của mẹ vợ Giám đốc Sở Tài chính Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, hệ thống cây cảnh cũng khiến nhiều người được mở mang tầm mắt, hàng loạt những cây cổ thụ quý hiếm và đắt tiền như cây sưa, lộc vừng (mưng), mai vàng, tùng, sanh... được trồng xung quanh khu nhà.

Đặc biệt trong đó có 3 cây sứ thuộc hàng cổ thụ mới được trồng, mà theo một chuyên gia về thực vật thì dạng cây này chỉ có trong Đại nội Huế.

Một số công nhân đang xây dựng kè ao cá tại đây cho biết, chủ nhân của “biệt phủ” này là ông Huỳnh Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Tài chính Thừa Thiên – Huế.

“Khoảng 3 – 4 ngày ông Sơn lại về thăm và chỉ đạo việc thi công”, một công nhân cho hay.

"Biệt phủ" giống như phủ của các bậc quý tộc thời phong kiến ở Huế.

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Quốc Hữu – cán bộ Địa chính – Xây dựng phường Thủy Phương cho biết, theo hồ sơ lưu trữ tại phường thì diện tích của lô đất có căn “biệt phủ” rộng hơn 6.782 m2.

Dù khu "biệt phủ" gần như đã được hoàn thiện nhưng theo ông Hữu, việc thi công các công trình quy mô lớn và rầm rộ tại khu đất này chưa hề được xin phép và chủ nhân khu đất cũng không báo cáo với phường.

Ông Võ Thanh Bình – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Hương Thủy cho biết, khu đất nói trên đứng tên bà Trương Thị Kim.

Theo ông Bình, bà Kim là mẹ của ông Huỳnh Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Tài chính Huế, còn là mẹ ruột hay mẹ vợ thì ông này không rõ. Theo xác minh của PV VTC News, bà Kim là mẹ vợ của ông Sơn.

Cây Sứ trắng thuộc loại cổ thụ trong "biệt phủ" không phép.

Theo thông tin mà ông Ngô Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND phương Thủy Phương cung cấp thì bà Trương Thị Kim đã nhiều tuổi, già yếu. Bà Kim quê gốc ở Quảng Nam và ra Huế sống từ những năm 2007. Sau khi nhận được thông tin về một số công trình trái phép được xây dựng trên khu đất của bà Kim, phường Thủy Phương đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra và lập biên bản.

Tuy nhiên, khi đoàn công tác đến không gặp được chủ nhân của khu đất mà chỉ có nhóm công nhân đang thi công nên chưa thể lập biên bản.

Đi tìm cây sứ trăm tuổi “mất tích” trong Đại nội Huế

Trước đó, nguồn tin của PV VTC News cho biết, vào cuối tháng 1/2016, chiếc xe tải mang BKS 75K - 2176 đã chở một cây sứ từ Đại nội Huế ra khỏi kinh thành Huế, đưa đến khu vườn nhà ông Huỳnh Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, vào khoảng 16h ngày 21/1/2016, rất nhiều công nhân cùng máy cẩu, máy múc, xe tải... tập trung ở khu vực Đại nội Huế để đào bới một trong các cây sứ cổ thụ. Chiếc xe sau đó đã chở cây sứ này rời Đại nội trong đêm.

Một người dân cho hay: “Để chuyển được cây sứ này ra khỏi khu vực Đại nội là rất khó khăn. Trong quá trình vận chuyển, vì kích thước cây sứ quá lớn nên thường xuyên bị vướng mắc vào các băng-rôn, đường điện và cây xanh dọc đường. Vì vậy, dù việc di chuyển vào đêm khuya, chúng tôi vẫn nhớ rất rõ việc di chuyển cây cổ thụ khá bất thường này”.

Cây Sứ trăm tuổi được vận chuyển khỏi Đại nội Huế ngày 21/1/2016

Trả lời báo chí về thông tin này, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, hệ thống cây xanh trong khu vực Đại nội Huế được quản lý rất chặt chẽ. Việc cắt tỉa cành hay di dời cây đều phải dựa trên các kế hoạch được lập ra một cách khoa học.

Ông Hải cũng thừa nhận việc di dời cây sứ nói trên khỏi Đại nội Huế vào đêm ngày 21/1/2016 Huế. Theo ông Hải, việc di dời này là nhằm mục đích phục vụ cho việc khảo sát trùng tu lại điện Kiến Trung và lý lo phải di dời vào thời điểm ban đêm là để tránh gây phiền hà cho khách tham quan và người đi đường.

Tuy nhiên, ông Hải phủ nhận thông tin cho rằng cây sứ này được vận chuyển để đi tặng “sếp”. Ông này thông tin, cây sứ nêu trên được vận chuyển đến một vườn ươm. Ông Hải cũng thừa nhận, cách đây khoảng một năm ông có tặng cho ông Huỳnh Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Tài chính Huế một cây Mộc.

Tuy nhiên, theo ông Hải, cây Mộc này không được lấy trong Đại nội Huế và cũng không phải cây di sản.

Để làm sáng rõ hơn một số thông tin, ông Phan Thanh Hải tiếp tục giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Lê Công Sơn – Trưởng phòng Cảnh quan Môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Tại buổi làm việc chúng tôi bày tỏ nguyên vọng được cung cấp hình ảnh, tư liệu di dời cây sứ kể trên khỏi Đại nội nhưng ông này từ chối và rời khỏi nơi làm việc.

Để đám bảo tính khách quan, chúng tôi cũng đã lên Sở Tài chính Thừa Thiên – Huế để gặp ông Huỳnh Ngọc Sơn nhưng một cán bộ văn phòng của Sở này cho biết, ông Sơn đi du lịch Hà Nội đã nhiều ngày qua và điện thoại di động tắt máy không liên lạc được.




VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vương

Nguồn tin:

  Từ khóa: nguy nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP