Trong tỉnh

Bí quyết gia truyền ở làng nghề làm trống da vang danh xứ Nghệ

Cận Tết, những người làm trống da ở Nghệ An lại hối hả vào vụ chính, khẩn trương làm ngày, làm đêm để kịp hoàn thành các đơn hàng giao cho khách trong dịp Tết và Rằm tháng giêng sắp tới.

Còn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, những ngày này, các cơ sở làm trống da ở xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) lại trở nên náo nhiệt bởi âm vang của những tiếng trống được chủ và khách thử trước lúc mua bán vang vọng từ xa.

Ông Phan Văn Cư (SN 1962) cho biết, nghề này ông được cha ông mình truyền lại. Gia đình ông Cư hiện có 3 người con, trừ cô con gái thì cả 2 người con trai đều kế nghiệp của bố, nay các con của ông đã là đời thứ 11 làm nghề trống gia truyền này.

Dù cuộc sống trải qua bao thăng trầm, khách hàng sử dụng trống da cũng ngày một ít nhưng ông Cư vẫn trung thành giữ gìn những kỹ thuật làm trống độc đáo của cha ông để lại. Hiện gia đình ông có 3 xưởng làm trống, mỗi năm cho xuất xưởng gần 500 chiếc trống đủ kích thước, chủng loại.

“Giá từ vài trăm ngàn đến cả trăm triệu đồng mỗi chiếc trống tùy theo kích cỡ. Phần lớn trống đều được làm theo đơn đặt hàng phục vụ ngày rằm, dịp lễ tết”, ông Cư nói và cho biết từ đầu tháng 11, cha con ông đã bắt đầu làm ngày, làm đêm để kịp hoàn thiện các đơn đặt hàng.

Ông Phan Văn Ngụ (SN 1971) cho biết, trống chủ yếu được làm từ da bò, bởi da bò có âm thanh tốt hơn. Chỉ những loại trống đại cỡ lớn mới phải sử dụng đến da trâu.

Da bò sau khi phơi khô sẽ được đem đi ngâm nước rồi chuyển qua công đoạn bào da. Đây là công đoạn khó nhất của nghề trống mà không phải ai cũng làm được, chỉ những đôi tay nghệ nhân kinh nghiệm mới cảm nhận được độ mỏng, dày. Chính độ mỏng, dày này quyết định âm thanh phù hợp cho từng loại trống.

Mùa này mưa nhiều, hiếm khi có mặt trời xuất hiện nên da bò được các cơ sở làm trống hong khô bằng than.

“Gỗ mít đánh ít kêu nhiều”, anh Phan Tuấn Văn (SN 1990) nói cho hay, gia đình anh chủ yếu chọn gỗ mít để làm trống. Bởi gỗ mít dẻo, mềm ít bị cong vênh, nứt vỡ.

Ông Cư cho biết, mỗi chiếc trống thường có tuổi thọ hàng chục năm. Tuy nhiên, do cách bảo quản chưa tốt nên phần lớn chừng gần chục năm nhiều người đã phải thay trống mới, hoặc đi sửa, thay mặt trống.

Theo anh Văn, muốn trở thành thợ làm trống giỏi, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ còn đòi hỏi trình độ thẩm âm tốt để xác định độ vang, vọng của trống. Với mỗi loại trống phục vụ vào mục đích khác nhau thì nó sẽ có một độ vang, âm thanh khác nhau. Do đó, họ phải học hỏi rất nhiều.

“Năm nay tôi chỉ dám nhận gần 100 chiếc trống dịp Tết này”, ông Ngụ nói. Theo ông Ngụ, càng giáp Tết, họ càng ít dám nhận thêm đơn đặt hàng bởi sợ làm không kịp. Việc nhiều nhưng lại khó để thuê người làm. Nghề làm trống khác với các nghề khác, người làm đòi hỏi phải có kỹ thuật nhất định, không thể thuê lao động thời vụ được.

Tác giả: Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP