Giáo dục

Bí quyết dạy con học tập ngày tết

“Ngày tết nên học cũng “tết”, không giống như ngày thường. Mình cho con được chọn một câu chuyện liên quan đến mùa xuân và giúp con tóm tắt về câu chuyện đó bằng các dạng sơ đồ. Và đương nhiên, không thể thiếu được trong thời gian biểu là dọn nhà giúp mẹ, đi chợ tết, tự mua sắm một số vật dụng mình thích.

Trên đây là một trong những bí quyết dạy con học tập trong những ngày tết của một số chuyên gia ở Trường ĐHSP Hà Nội.

Chị Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: “Không ép con học gì ngày tết".

Âm nhạc: Những ngày này, âm nhạc ưu tiên cho các bài hát về mùa xuân. Nhưng do Nam tự chọn. Mình thường hay đề xuất các bài hát cũ, như “Em ơi mùa xuân đến rồi đó; Mùa xuân đầu tiên”... Nhưng vẫn ưu tiên cho sự lựa chọn của Nam hơn. Mình chỉ không thích xem các thể loại hài của Việt Nam. Có nhiều từ ngữ và lời lẽ mình thấy không được tốt lắm với con trẻ. Thực sự như vậy!

Với bản thân mình, Nam ráo riết chuẩn bị cho một buổi biểu diễn vào “Bữa tiệc cuối năm”. Trong đó, Nam làm đạo diễn toàn bộ, từ khâu chọn trang phục, lên chương trình, biểu diễn. Đúng ngày hôm đó, sau bữa cơm tất niên sẽ là phần “phát biểu tổng kết” và biểu diễn. Tất nhiên là có quà rồi, cảm ơn Nam một năm qua đã cố gắng.

Ngày tết, mình không ép Nam gì ngoài việc nhắc nhở học đàn. Mình luôn muốn mở đầu mùa xuân bằng âm nhạc và “để âm nhạc bay lên”.



Mỹ thuật: Nam không có sở trường về vẽ. Những gì Nam vẽ đều mất thời gian giải thích lâu hơn thời gian vẽ. Nhưng không sao, miễn là được “chơi” với màu nước thôi.

Mình hay ra các chủ đề cho Nam tự chọn, ví dụ như vẽ chợ tết, hoa đào, pháo hoa... Rồi gắn các bức vẽ ấy đầy xung quanh nhà, đặt tên là “Triển lãm mùa xuân”. Những bức vẽ này đánh dấu mỗi năm lớn lên của Nam. Do đó, bao giờ tác phẩm cũng có hình bàn tay của Nam ấn vào màu nước. Mình cất riêng bức vẽ đó đi để dành, năm sau nhìn lại để thấy bàn tay của Nam đã “lớn” lên như thế nào. Trong rất nhiều bộn bề của công việc, mình thực sự cần những thứ nhỏ bé như thế làm động lực cho mình đi tiếp những chặng đường xa.

Đồ thủ công: Nam chắc chắn năm nào cũng phụ trách phần làm bưu thiếp và làm bao lì xì. Cũng cắt cắt dán dán, tô tô vẽ vẽ. Sản phẩm thì méo mó xẹo xọ nhưng mà rất đáng yêu. Mình muốn Nam rèn luyện thêm kĩ năng vận động nhưng qua đó lại giúp Nam hiểu về ý nghĩa của tục lì xì và biết trân trọng những tình cảm của mọi người thông qua tấm bưu thiếp tự thiết kế để viết lời cảm ơn.

hoc tap ngay tet 1485150719574
Ngày tết nên việc dạy con cũng được nhiều gia đình chọn các chủ đề liên quan đến mùa xuân (ảnh: minh họa)

Và các môn học: Ngày tết nên học cũng “tết”, không giống như ngày thường. Mình cho Nam được chọn một câu chuyện gì đó, có liên quan đến mùa xuân, thật là đặc biệt và sẽ giúp Nam tóm tắt về câu chuyện đó bằng các dạng sơ đồ. Ví như sơ đồ hình xương cá, sơ đồ hình cây, sơ đồ hình người tuyết. Cái này để mình sẽ tìm lại những cái Nam đã làm và chụp cho các bạn tham khảo nhé.

Và đương nhiên không thể thiếu được trong thời gian biểu là dọn nhà giúp mẹ, đi chợ tết, tự mua sắm một số vật dụng mình thích và vào bếp cùng mẹ nữa.

TS Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội: “Nên sắp đặt để các con cùng chuẩn bị tết”.

Có thể nói, ngày Tết ai cũng bận rộn. Những thủ tục trước Tết, những nơi cần đi, những việc cần giải quyết trước Tết và những món đồ cần mua trước Tết. Tất cả những điều đó đã khiến cho các cha mẹ bận rộn hơn rất nhiều ngày thường. Trong khi đó, nếu con cái phá phách, nghịch ngợm, chắc chắn nhiều bậc phụ huynh sẽ không giữ nổi bình tĩnh.

2anh hoc sinh 1484735120424
Các cha mẹ nên sắp đặt để các con cùng tham gia chuẩn bị Tết. (ảnh: minh họa)

Vì thế, một thời gian biểu hợp lý, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình là biện pháp cứu cánh cho cả gia đình. Các cha mẹ nên sắp đặt để các con cùng tham gia chuẩn bị Tết. Đơn giản như một buổi tối sau giờ học trước dịp Tết, con sẽ cần phải làm vệ sinh tủ lạnh cùng mẹ chẳng hạn. Hoặc khi mẹ đang nấu bếp, con sẽ ngồi nhặt củ kiệu, hành lá cho mẹ. Những bạn lớn có thể đảm nhận được các công việc khó hơn như đi mua sắm những thứ lặt vặt, giặt đồ, ủi đồ.

Tết đến, nếu gia đình không có kế hoạch từ trước, việc đi đón Tết sẽ tẻ nhạt gây cảm giác nhàm chán. Nhưng nếu bố mẹ chuẩn bị trước lịch đón Tết rõ ràng như mùng 1 đi lễ chùa, mùng 2 đi chúc Tết… thì chắc chắn cả nhà sẽ hào hứng và vui vẻ thực hiện.

Nhiều cha mẹ lo lắng nghỉ tết con sẽ lơ là việc học nên phải giao rất nhiều bài tập nhưng theo mình, bài tập chỉ là thứ để bọn trẻ không quên bài và không bị cảm giác Tết rong chơi nhàn rỗi, không muốn quay trở lại trường học sau Tết. Trẻ cần học rất nhiều điều trong cuộc sống. Việc học của trẻ không chỉ bó hẹp trong bài tập. Nếu thiên quá nhiều về bài tập, con sẽ không có cơ hội học hỏi những thứ khác như cách xưng hô, cư xử với họ hàng, cách giúp đỡ cha mẹ trong dịp tết, ….

Do vậy, gia đình nên tạo cho con những điều gì thật ý nghĩa trong những ngày nghỉ tết. Điều ý nghĩa nhất trong dịp Tết là những phong tục tập quán từ xa xưa để lại cho chúng ta. Các con rất cần học hỏi điều đó. Vì thế, từng chi tiết nhỏ một trong phong tục tập quán của chúng ta cần được dạy lại cho các bạn kèm theo các lý giải hợp lý.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà (ghi)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP