Pháp luật

Bi hài chuyện trinh sát giăng bẫy bắt nữ quái trốn nã mê trai ngoại - Kỳ 1

Công an Đắk Lắk đã mất rất nhiều công truy nã đối tượng này, nhưng vì thị là một kẻ láu cá, nên việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa

Một tên tội phạm trốn truy nã sẽ luôn nghĩ cách làm thế nào để che giấu hành tung của mình kỹ càng nhất, thế nhưng có tên tội phạm đã luôn công khai đường đi nước bước của mình với các trinh sát truy nã, chỉ bởi hắn quá ngạo mạn và quá tự tin vào sự tài giỏi, thông minh của hắn.

Chuyện thật mà như đùa đó đã xảy ra với các trinh sát của C52 – Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an). Câu chuyện về những vụ truy bắt tội phạm trốn nã với nhiều tình huống hài hước nhưng vẫn chứng tỏ được bản lĩnh và sự nhạy bén của các trinh sát khi đối mặt với những tên tội phạm nguy hiểm và láu cá.

Mồi nhử dành cho một nữ tội phạm mê lấy chồng Việt kiều

Truy nã tội phạm luôn là một công việc đầy căng thẳng và mệt mỏi, khi mà áp lực phải bắt bằng được những tên tội phạm đang lẩn trốn lúc nào cũng đè nặng lên vai trinh sát truy nã tội phạm. Tuy nhiên giữa những lúc căng thẳng và mệt mỏi đó, chuyện truy nã của những người lính trinh sát đôi khi vẫn có những câu chuyện khó tin và hài hước.

Ở Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ CA), Thượng tá Đào Trọng Sơn là người có bề dày kinh nghiệm bắt truy nã, cũng là người có nhiều cách ứng xử linh hoạt với đủ các đối tượng này, lúc thì mềm mỏng, nhẹ nhàng, khi thì cứng rắn, cương quyết, đôi khi, để đối phó với những đối tượng trốn nã láu cá, Đào Trọng Sơn cũng phải sử dụng chiêu "láu cá" của riêng mình, để có thể đưa bằng được những đối tượng trốn nã về trình diện.

Khi truy nã tội phạm, Thượng tá Đào Trọng Sơn "ngại" nhất là truy nã các đối tượng tội phạm nữ, bởi thường các đối tượng nữ bao giờ hành tung cũng kín đáo hơn các đối tượng nam. Thế nên việc truy bắt các nữ tội phạm bao giờ cũng khiến các trinh sát truy nã mất nhiều thời gian, công sức và cả "mưu mẹo" hơn. Để bắt được một đối tượng, đôi khi mấu chốt chỉ là một điểm rất nhỏ trong sở thích, tính cách của đối tượng đó.

Thượng tá Đào Trọng Sơn đã từng truy bắt thành công một đối tượng tên là Nguyễn Thị Hiệp (trú tại Đắc Lắc) – bị truy nã về tội lừa đảo. Khi còn ở Đắk Lắk, Nguyễn Thị Hiệp đã phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người xung quanh. Khi vụ việc bị đổ bể, Nguyễn Thị Hiệp nhanh chân chạy trốn khỏi địa bàn Đắc Lắc. Công an Đắc Lắc đã mất rất nhiều công truy nã đối tượng này, nhưng vì thị là một kẻ láu cá, nên việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.

Theo những nguồn tin của công an thu được, thì Nguyễn Thị Hiệp sau khi bỏ trốn khỏi Đắc Lắc đã xuống ẩn náu tại Tp.HCM. Tuy nhiên Hiệp rất khôn ngoan, không hề liên lạc với gia đình, nên sau một thời gian dài bỏ trốn, việc truy bắt người đàn bà này vẫn bế tắc. Khi Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm vào cuộc, Thượng tá Đào Trọng Sơn và đồng đội đã bỏ ra cả tháng trời xác minh về nhân thân, sở thích, tính cách của Nguyễn Thị Hiệp.

Các trinh sát đã phát hiện trong thời gian trốn nã ở Tp.HCM, Nguyễn Thị Hiệp sử dụng một cái tên khác và thường xuyên thay đổi chỗ trọ. Tuy nhiên thị cũng là người rất vui vẻ và hay chuyện, nên tuy đang trốn truy nã, thị không chọn cuộc sống khép kín, tránh giao lưu mà ngược lại, thị trò chuyện rất nhiều với những người khác trong xóm trọ.

Nghĩ mình đã dùng tên khác, dùng số điện thoại khác, không ai phát hiện ra được, nên trước khi rời 1 xóm trọ đã từng ở, Nguyễn Thị Hiệp đã cho một người ở cùng xóm số điện thoại liên lạc của thị. Từ số điện thoại của Hiệp, các trinh sát truy nã bắt đầu lên kế hoạch vây bắt Hiệp.

Trong hồ sơ về Nguyễn Thị Hiệp mà Thượng tá Sơn có được, có 1 chi tiết nhỏ nhưng lại khiến anh vô cùng chú ý và thích thú: Nguyễn Thị Hiệp là người rất sính ngoại và mê Việt kiều. Thị luôn dùng hàng ngoại, từ quần áo, mỹ phẩm, giầy dép. Khi còn ở Đắc Lắc, thị cũng không hề giấu diếm ao ước được lấy một người chồng ngoại quốc hay một Việt kiều.

Nắm được chi tiết này, Đào Trọng Sơn đã quyết định tương kế tựu kế để đưa Nguyễn Thị Hiệp vào bẫy một cách nhẹ nhàng. Anh lấy một chiếc sim điện thoại và tìm cách "biến" nó thành một số điện thoại nước ngoài rồi chủ động nhắn tin vào máy của Hiệp xin làm quen. Qua tin nhắn, Đào Trọng Sơn "giới thiệu" anh là "Việt kiều Úc", đang cần tìm vợ ở Việt Nam.

Ban đầu khi nhận được tin nhắn từ số máy lạ xin làm quen, vốn là một kẻ đang "có tật", Nguyễn Thị Hiệp đương nhiên phải "giật mình". Thị tìm cách hỏi tổng đài viễn thông để xác minh. Khi biết số điện thoại đó đúng là số điện thoại nước ngoài, Nguyễn Thị Hiệp đã vô cùng "hí hửng". Thị lập tức nhắn tin đáp trả lại những tin nhắn làm quen một cách nhiệt tình, hào hứng và bắt đầu mơ ước về việc đổi đời.

Qua tin nhắn đi lại, Hiệp càng lóa mắt hơn khi biết chàng "Việt kiều Úc" mà mình mới làm quen là một người đàn ông độc thân, rất thành đạt và giàu có. Chỉ sau vài ngày nhắn tin đi lại, Nguyễn Thị Hiệp nhanh chóng đồng ý tiến xa hơn trong tình cảm với người đàn ông mới quen.

Thượng tá Đào Trọng Sơn kể, để làm cho Nguyễn Thị Hiệp tin tưởng, anh đã phải lên mạng đọc rất nhiều thông tin về các loại nước hoa, mỹ phẩm nổi tiếng ở nước ngoài, dùng nó làm "kẹo ngọt" để dẫn dụ Hiệp. Có lần nhắn tin với Hiệp, "Việt kiều Úc" Đào Trọng Sơn nói: "Anh muốn mua tặng em vài món quà, em muốn quà gì"? Nguyễn Thị Hiệp đã không ngại ngần liệt kê ra một loạt các loại mỹ phẩm hàng hiệu đắt tiền.

Thấy chàng "Việt kiều Úc" này rất hào phóng, Nguyễn Thị Hiệp càng trở nên tin tưởng, mất dần đi sự cảnh giác ban đầu. Khi cảm thấy "cá đã cắn câu", "Việt kiều Úc" Đào Trọng Sơn đã tung một đòn quyết định bằng một tin nhắn đầy hứa hẹn: "Anh sẽ về Việt Nam thăm em, để hi vọng tình cảm của chúng ta sẽ có một cái kết tốt đẹp. Em hãy ra sân bay Tân Sơn Nhất đón anh".

Sa lưới

Trước ngày hẹn, Nguyễn Thị Hiệp còn báo chi tiết cho Đào Trọng Sơn cả màu quần, màu áo mà thị mặc, để có thể dễ nhận nhau. Đúng ngày, khi Nguyễn Thị Hiệp đang háo hức đứng ở sân bay Tân Sơn Nhất để chờ "Việt kiều" trong mộng của mình, thì bất ngờ các trinh sát truy nã của Cục Cảnh sát truy nã ập tới.

Không có hoa, không có mỹ phẩm, nước hoa đắt tiền như đã hứa, thay vào đó là một chiếc còng số 8 lạnh lùng khóa tay nữ tội phạm truy nã này. Bộ quần áo mà Hiệp mặc để cho người tình Việt kiều dễ nhận ra, trở thành cái giúp các trinh sát nhanh chóng nhận diện ra Hiệp giữa rất nhiều người đón người thân ở sân bay.

Đến tận lúc đó Nguyễn Thị Hiệp mới ngỡ ngàng biết rằng mình đã rơi vào cái bẫy ngọt ngào của các trinh sát truy nã tội phạm. Khi đó, Nguyễn Thị Hiệp chỉ còn biết mếu máo và cúi đầu ngoan ngoãn đi theo các trinh sát về trụ sở cơ quan điều tra. Người đàn bà phạm tội lừa đảo đã bị sa bẫy một cách ngọt ngào chỉ vì thói ham "đồ ngoại" của chính mình.

(Cỏn tiếp)

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP