Pháp luật

Bị cáo Phạm Công Danh: 'Ngân hàng NN ép tăng vốn nên mới làm sai'

"Nếu như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thúc ép thì chúng tôi sẽ không thực hiện hành vi sai trái này. Nếu nói về lý thì chúng tôi sai, kính mong HĐXX xem lại trong bối cảnh bấy giờ", bị cáo Danh bức xúc nói.

Sáng ngày 12/1, HĐXX tiếp tục phiên thẩm vấn đối với các bị cáo xung quanh khoản vay BIDV 4.700 tỷ đồng của Phạm Công Danh và đồng phạm.

Không đủ căn cứ để thu hồi hơn 6 tỷ đồng của VNCB

Trước khi tiến hành thẩm vấn các bị cáo, chủ tọa hỏi lại VKS trả lời về nội dung VKS đề nghị tòa làm rõ tại trang 118 của bản cáo trạng.

Theo đó, kết luận giám định thiệt hại thuộc về ngân hàng VNCB nên trong quá trình điều tra, VKS tối cao đã có yêu cầu về việc thu hồi số tiền hơn 6.126 tỉ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả. Nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện.

Bị cáo Phạm Công Danh

Do đó, VKS đề nghị HĐXX và Đại diện VKS tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi làm trái của các bị can và người có liên quan gây ra, cùng trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Có mặt tại tòa, bà Phan Thị Nga cán bộ PC46, Bộ Công an cho hay, CQĐT đã trưng cầu giám định và thấy việc gửi tiền và thu tiền vay của 3 ngân hàng là không sai, đúng quy định nên không có căn cứ thu hồi.

Chủ tọa cũng cho hay, có nhận được đơn của vợ bị cáo Vũ Viết Minh Quân (nguyên Giám đốc Công ty CPDV Đầu tư & TM Minh Quang) về việc mong Tòa xem xét cho giám định tình trạng có khả năng bị tâm thần của bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo Quân cho biết hiện sức khỏe bình thường, bị cáo không nhận thức được việc mình có bị rối loạn tâm thần không. Quân cho hay, trước khi bị bắt giam, bị cáo đã đi điều trị nội trú vì bị rối loạn tâm thần.

Được mời lên làm việc, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Long An thừa nhận sai sót trong việc cấp đổi cấp Giấy phép kinh doanh. Theo đó, năm 2003, VNCB có đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 27, cơ quan đã nhận hồ sơ và chấp nhận. Tuy nhiên khi NHNN đề nghị sửa đổi giấy phép từ 7.500 tỷ xuống 3.000 tỷ, sở đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh lần 27.

Khi chủ tọa hỏi đại diện sở căn cứ vào đâu để cấp giấy phép khi mà NHNN chưa chấp nhận tăng vốn điều lệ, đại diện cơ quan này cho biết căn cứ vào nghị định 43. Tuy nhiên, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Long An thừa nhận do ngân hàng là đặc thù chuyên ngành nên bên sở cũng sơ sót về điều này.

Dùng 12 công ty “ma” đi vay vốn vì bị Ngân hàng Nhà nước 'ép'

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Mai Hữu Khương (thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB) cho biết bản thân đã nộp hồ sơ vay vốn của 6 công ty cho BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn. Bị cáo đã soạn thảo và ký các biên bản họp HĐQT VNCB và các nghị quyết HĐQT về việc đồng ý dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV để cầm cố bảo lãnh cho 12 công ty.

Bị cáo Phạm Công Danh trả lời thẩm vấn

Bị cáo Khương khai trong việc lập hồ sơ vay, Khương cùng Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) Phan Minh Tùng (phụ trách kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh) lập hồ sơ vay vốn của 12 công ty gồm: phương án vay, đề nghị vay, hợp đồng mua bán (đầu vào - đầu ra), lập hồ sơ tài chính của 12 công ty vay (báo cáo tài chính, cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ)

Số tiền 4.700 tỷ đồng

Về việc sử dụng 4.700 tỷ đồng vay tại BIDV, Khương cho biết 4.000 tỷ đồng được chuyển tăng vốn VNCB; 623,528 tỷ đồng chuyển trả nợ công ty CP Đầu tư phát triển Hải Tiến; còn lại 76,472 tỷ đồng sử dụng trả lãi các khoản vay tại BIDV.

Được yêu cầu lên đối chất, Phạm Công Danh thừa nhận lời khai của các bị cáo là đúng, tuy nhiên bị cáo muốn nêu thêm lý do tăng vốn điều lệ của VNCB. Bị cáo Danh nhận sai trong hành vi nhưng do có nguyên nhân, bối cảnh mới làm vậy. Bị cáo cho biết, VNCB không có nguyện vọng tăng vốn mà đây là yêu cầu của NHNN. Do vướng hạn mức tín dụng, tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu không được giảm mà phải tăng vốn...

"Nếu như NHNN không thúc ép thì chúng tôi thực hiện hành vi sai trái này. Nếu nói về lý thì chúng tôi sai, kính mong HĐXX xem lại bối cảnh, hoàn cảnh", bị cáo Danh bức xúc nói.

Theo bị cáo Phan Thành Mai: “Trong cuộc họp, anh Danh xin NHNN chia nhỏ 4.500 tỷ đồng thành nhiều giai đoạn. Nhưng NHNN vẫn bắt buộc tăng vốn, việc tăng vốn nằm trong kế hoạch tái cơ cấu VNCB. Sau cuộc họp đó, không có văn bản triển khai”.

Trả lời thẩm vấn của tòa, ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV- phụ trách khối trách hàng doanh nghiệp) cho biết thời điểm đó, ông và Phạm Công Danh đến BIDV Hà Nội gặp lãnh đạo BIDV Hội sở chính đặt vấn đề về việc Danh giới thiệu BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).

Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình đế cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.

Ông Sáng cho biết, chỉ gặp ông Danh và ông Mai trong các cuộc họp về gói 4 nhà chứ không hề có nhận đề nghị vay vốn. "Chúng tôi không cấp gói tín dụng 4.700 tỷ đồng cho ông Danh hay ông Mai" - ông Sáng nói.

Khi chủ tọa hỏi quy trình cho vay có phải là quy trình ngược theo quyết định 1627 hay không. Ông Sáng cho biết, đây không phải quy trình ngược do khoản vay lớn nên phải gặp cán bộ lãnh đạo cấp trên. Trách nhiệm của ông là chưa kiểm soát được cấp dưới trong việc quản lý khoản vay.

BIDV giải ngân cho vay chuyển khoản vào tài khoản 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD). Bị cáo khẳng định chủ trương cho vay mua VLXD theo mô hình 4 nhà (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng - thiết kế nội thất) đối với 12 công ty là đúng, tuy nhiên việc sử dụng khoản tiền vay là sai phạm. Đồng thời, không nhớ người làm thủ tục chuyển tiền, chỉ nhớ chỉ đạo nhân viên làm.

Sau khi có nguồn tiền, 4 công ty (Quốc Thắng, Thịnh Quốc, Hương Việt, Thiên Trang Phạm) cho chuyển tiếp đến tài khoản nhiều cá nhân là nhân viên của Thiên Thanh mở tại các ngân hàng: ACB, VCB, BIDV và MSB để chuyển đến tài khoản 3 công ty: Phong Hiệp, Quốc Thắng, Đại Long, sử dụng cho việc tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm, trả nợ vay công ty Hải Tiến, trả lãi khoản vay tại BIDV.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP