Xã hội

Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Người vô danh nằm lại Tây Hòa

Dường như không có nghĩa trang nào “đặc biệt” như “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom (Đồng Nai), cách nơi xảy ra thảm nạn khoảng 4 km: không mộ phần, không tên tuổi người nằm xuống...

Khu nghĩa trang nạn nhân thảm nạn lật tàu ngày 17.3.1982 từng hoang phế nằm cạnh đường sắt bắc - nam ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Đình Phú

“Mồ không tên nằm im bên dưới cỏ”

Nếu không có tấm bảng ghi dòng chữ “Nghĩa trang Đ.S (đường sắt - PV) 17.3.1982” ở lối cổng vào, có lẽ ít người nhận ra đó là nơi rất nhiều nạn nhân “được gửi” thân xác mình nằm lại sau vụ tai nạn thảm khốc nhất lịch sử ngành đường sắt VN. Bà Trần Thị Cẩm, 59 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận (TP.HCM), thân nhân người bị nạn, lần đầu tiên khi tìm đến năm 2014, đã xót xa: “Bên đường ray, nghĩa trang buồn lặng lẽ/Mồ không tên nằm im bên dưới cỏ/Vẫn chờ mong được trở lại quê nhà…”.

Quá trình tìm hiểu vụ thảm nạn, PV Thanh Niên được thân nhân các nạn nhân cung cấp hình ảnh về “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” thời điểm trước năm 2014. Đó là khu đất hoang phế, tường rào nghiêng đổ, cỏ dại mọc che lấp các lối đi, dường như không còn dấu tích của các ngôi mộ bên trong “nghĩa trang”. Trên thực tế, khu mộ tập thể vô danh sau vụ thảm nạn đường sắt ngày 17.3.1982 từng nhiều năm hoang phế, cho đến năm 2014 mới được chú ý khi thân nhân nạn nhân bắt đầu hành trình tìm kiếm mộ phần người thân của mình.

Hàng chục tấm bia tạm bợ ghi “Mộ VD” làm dấu tích mộ phần những nạn nhân vụ lật tàu ngày 17.3.1982 trong nghĩa trang hoang phế. Ảnh: Đình Phú

Ông Nguyễn Kim Hoạt, 82 tuổi, về ở Tây Hòa từ năm 1975. Ông vẫn nhớ rõ ngày ông và người dân trong vùng được huy động đi đào huyệt mộ để an táng nạn nhân vụ tàu bị lật ở khu vực ga Bàu Cá: “Lúc đó xã kêu gọi người dân đi đào. Thấy tai nạn quá thương tâm, bà con không nói gì nhiều, tự nguyện kéo ra đông lắm. Trong buổi chiều 17.3.1982 đào xong 200 cái, mỗi cái ngang tầm 1 m, dài tầm 2 m. Tầm chiều tối thì an táng hơn 100 mộ, số còn dư thì lấp đất lại. Bà con không rõ vì sao tàu bị nạn trên khu vực ga Bàu Cá nhưng lại đưa về đây an táng, cũng không ai biết rõ thông tin nào về nạn nhân. Quan tài khi đó đóng bằng gỗ cao su, có lẽ do làm vội nên trông khá sơ sài. An táng xong, bà con đắp mộ phần cho người đã khuất rồi thôi, chứ cũng không biết làm gì thêm”.

Theo lời kể của ông Hoạt và nhiều người dân Tây Hòa, những năm sau đó mọi người đều lo mưu sinh, nghĩa trang thiếu sự quan tâm chăm sóc thường xuyên nên cây cỏ um tùm, mưa gió làm xói mòn, thành ra không phân biệt đâu là mộ phần, đâu là lối đi.

Ông Trần Đức Hùng, 66 tuổi, trưởng ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc vào thời điểm xảy ra thảm nạn lật tàu tháng 3.1982, kể: “Hai năm sau ngày thảm nạn tôi có đến đây. Lúc đó có những nấm mộ nhỏ bằng đất, cỏ mọc um tùm, trên mỗi nấm mộ có cắm một cọc gỗ nhưng không ghi tên tuổi gì cả. Hồi ấy đời sống rất khó khăn, mọi người ai cũng phải lo tất tả mưu sinh. Với lại đó là khu mộ của những người vô danh, thiếu sự trông nom nên rơi vào cảnh hoang phế. Nhìn rất xót xa nhưng thật tình cũng không biết làm sao…”.

Nỗi khắc khoải gần 4 thập niên

Bà Trần Thị Cẩm nhớ lại: “Lần đầu đến nơi nằm lại của nạn nhân vụ tàu lật, tôi không tin vào mắt mình. Nghĩa địa bỏ hoang, rậm cỏ, không thể nào chui vào bên trong được. Nếu không có bức tường rào thấp xung quanh, tuy đã sụp đổ hư hại nhiều và cổng vào đen xỉn rêu phong không một dòng chữ, nhưng vẫn còn đó dấu tích, thì không thể biết đây là nơi chôn cả trăm người. Sau đó, tôi nhờ bác Hoạt kêu gọi thêm người dân Tây Hòa giúp phát quang, dọn dẹp cỏ dại”. “Anh trai tôi tên Trần Thái Phương, sinh 1955, vợ ảnh tên Nở khi ấy đang mang thai tháng thứ 4. Cuộc sống ngày đó cực khổ lắm. Tôi nghe kể lại khi vụ tai nạn xảy ra có một đôi vợ chồng trẻ chết mà còn nắm chặt tay nhau...”, bà Cẩm nghẹn ngào.

Bà Trần Thị Cẩm nghẹn ngào khi kể về hành trình đi tìm mộ phần vợ chồng người anh trai Trần Thái Phương. Ảnh: Đình Phú

Khuôn viên khu mộ tập thể vô danh bây giờ được chỉnh trang tường rào, nhưng bên trong các mộ phần cỏ dại mọc đầy, mặt đất đỏ lồi lõm, lối đi rải đá dăm lởm chởm, đoạn có đoạn không. Dưới gốc cây lớn duy nhất còn sót lại trong khu mộ để tạo bóng mát, lăn lóc tấm bia ghi “Phần mộ Nguyễn Thị Minh Võ, sinh 17.1.1945, tuất 17.3.1982”. Bên trong khu mộ tập thể vô danh, chỉ duy có 2 mộ phần xây đá liền nhau, chính giữa ghi: “Trong hai ngôi mộ này có phần mộ mẹ chúng tôi, phần mộ còn lại nếu có thân nhân xin liên hệ cùng chúng tôi để tìm hiểu, liên lạc số điện thoại: 0972227…, 01636501…”. Có khoảng 80 tấm bảng nhỏ làm bằng xi măng ghi Mộ VD (vô danh - PV) cắm sơ sài thành 4 dãy dài trên bề mặt đất đỏ rộng khoảng 1.000 m2 lồi lõm, cỏ dại mọc đầy. Người ta đặt thêm những cục gạch, cũng rất tạm bợ, để thắp hương cho người đã khuất.

“Năm 2015, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN (thuộc Bộ GTVT) có về “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982”, trong 4 kiến nghị thân nhân nạn nhân nêu ra, họ chỉ đồng ý giải quyết việc chỉnh trang lại cổng, tường rào. Ba nguyện vọng còn lại về việc công bố hồ sơ, xác định ADN, xây mộ phần cho nạn nhân, bị trôi vào quên lãng từ đó đến nay. Bà Cẩm cho biết bà đã gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ GTVT nhưng đến nay cũng chưa nhận được hồi âm.

“Chúng tôi không thưa kiện, không khiếu nại, không đòi bồi thường gì cả. Chúng tôi chỉ mong ngành đường sắt ứng xử có tình có lý với người tử nạn trong vụ lật tàu. Dù cho thời gian đã qua đi và câu chuyện về tai nạn này có trôi vào quên lãng, đó là đối với xã hội. Người chết cũng đã thành cát bụi, nhưng đối với thân nhân của họ còn nguyên nỗi đau day dứt tận cùng khó phôi phai. “Sống có nhà, thác có mồ”, đó cũng là điều an ủi tối thiểu cho những nạn nhân phải mãi mãi nằm lại bên đường tàu”, bà Cẩm bày tỏ.

Tháng 4, trời Tây Hòa nóng rực. Bao quanh khu mộ tập thể vô danh là những khu vườn chôm chôm, rẫy điều, khoai mì (sắn)...; nhà ở vẫn còn thưa thớt. Con đường đất đỏ ngăn cách giữa đường ray tàu lửa và khu mộ bụi bay mịt mù mỗi khi có xe tải chở đất đá, hàng hóa đi qua. Khung cảnh hoang phế bên trong khu mộ vẫn khắc khoải nỗi lòng thân nhân nạn nhân và người dân, chính quyền địa phương. Nhiều người vẫn chưa thể biết được đến khi nào mới minh định rõ tên tuổi những nạn nhân xấu số…

Nhiều lần chia tách địa giới hành chính

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vị trí “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” ở thôn Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom (Đồng Nai) bây giờ, trước đây thuộc xã Trảng Bom 2, sau đó chia thành 3 xã: Tây Hòa, Đông Hòa, Trung Hòa. Xã Hưng Lộc nơi có ga Bàu Cá - khu vực xảy ra thảm nạn lật tàu, thuộc H.Thống Nhất trước đây cũng được chia thành nhiều xã, trong đó có xã Hưng Thịnh, H.Thống Nhất. Xã Trảng Bom 2 và xã Hưng Lộc thời điểm 1982 thuộc H.Thống Nhất, nhưng sau đó H.Thống Nhất được tách thành 2 huyện: Thống Nhất và Trảng Bom. “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” từng bị quên lãng dường như có phần nguyên nhân từ việc chia tách địa giới hành chính đó.

Tác giả: Đình Phú - Anh Tài

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

  Từ khóa: bí ẩn ,kinh hoàng ,tai nạn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP