Giáo dục

Bệnh thành tích có biến nhà trường thành “trường đua”?

Áp lực từ nhà trường đến các mối quan hệ xã hội, lo lắng từ ổn định công việc, biên chế đến thu nhập đời sống, lo lắng về các kì thi, về thành tích trên ép xuống, dưới ép lên, về những “ông trời con” trong lớp học…Có thể nói, chưa bao giờ áp lực giáo viên lớn, sự bất an trong giáo dục cao như hiện nay.

Không thể nhà trường là “trường đua” hay sở cảnh sát

Ngành giáo dục bất an!

TS Nguyễn Thị Quế Anh, Học viện Chính trị khu vực I, tại một hội thảo mới đây đã đưa ra những trăn trở: “Đánh giá một cách công tâm sẽ cho thấy nghề giáo viên thời nay chứa đựng quá nhiều nguy hiểm. Không có bất cứ nghề nào như nghề giáo khi mà giáo viên mỗi ngày đến lớp lại mang theo một tâm trạng lo sợ. Giáo viên phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ… Những chỉ tiêu khủng khiếp về bệnh thành tích, về chỉ tiêu như 100% lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%... Trong khi đó, mức lương tối thiểu chưa đủ nuôi bản thân và gia đình.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ ngành giáo dục bất an như hiện nay từ biên chế, tiêu cực, thiếu giáo viên. Tiêu cực ngành Giáo dục không ngày nào không được các cơ quan truyền thông đề cập. Đặc biệt nghề dạy học chưa bao giờ bị bấp bênh nhất từ trước đến nay, từ biên chế, tiêu cực, thiếu giáo viên...

Ở góc nhìn khác, TS Phạm Thị Kim Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Nguyễn Trọng Bình, Vũ Trọng Rỹ về đề tài “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” đưa ra con số đáng suy ngẫm: “Ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học. Họ hối hận vì chọn nghề giáo”. Bởi giáo viên không vượt qua được những cú sốc thực tế của giáo dục phổ thông và phải chịu quá nhiều áp lực nghề nghiệp. Sự quá tải trong lao động nghề nghiệp và cung cách quản lý tạo ra nhiều sức ép, cộng với bệnh thành tích như một “trường đua” khiến nhiều giáo viên vô cùng mệt mỏi. “Không ít thầy cô đã “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông” để chuyển sang lĩnh vực khác bởi niềm vui nghề giáo không kéo lại được nỗi lo cơm áo và áp lực nghề nghiệp”, TS Kim Anh bày tỏ.

Và qua nghiên cứu mới đây của TS Phạm Thị Kim Anh và đồng nghiệp, khi điều tra sinh viên sư phạm sau khi thực tập tại trường THPT, hơn 50% muốn đổi nghề nếu có cơ hội. Lý do chung của các em là giáo viên nhiều áp lực, cánh cửa vào nghề quá chật hẹp, vất vả và tốn kém. Hầu hết giáo viên phải cố kìm nén, không dám kỷ luật nghiêm khắc với một số học trò được coi như “ông trời con”. Nữ TS cho rằng, ngoài áp lực về giáo dục học sinh, giáo viên chịu áp lực từ sổ sách. Từ giáo viên cho đến các nhà trường hiện nay, đều khổ sở, bội thực bởi báo cáo, giấy tờ, sổ sách, thiết kế bài giảng… Mặc dù từ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa cải thiện ở các cấp.

Bệnh thành tích cũng là nỗi sợ và ám ảnh của đại đa số giáo viên hiện nay. Giáo viên nào không theo thành tích thì được gọi là giáo viên cá biệt, có biểu hiện chống đối. Trên ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào, học sinh một bên, nhà trường một bên…

TS Phạm Kim Anh cũng cho hay hiện nay, với học sinh quậy phá, ngoài việc phê bình vào sổ ghi đầu bài, hạ hạnh kiểm, không còn biện pháp nào khác. Nhưng điều đó cũng không còn quan trọng hay kinh khủng, đáng xấu hổ nữa, vì cuối năm, học sinh vẫn được cho lên lớp, ra trường với bằng tốt nghiệp.

Trong khi đó, một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học có mức lương trung bình trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân theo lương và phụ cấp là 3-3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên công tác từ 13 năm trở lên, lương và phụ cấp khoảng 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Tính trung bình, lương thầy cô không đến 70 triệu đồng/năm.

Trải lòng của người trong cuộc

Cụ thể về những áp lực mà các thầy cô đang trải qua, cô giáo Dương Thị Phương Thảo, THCS Mạc Đĩnh Chi (Hà Nội) bày tỏ: “Giáo viên chúng tôi gọi vui những kỳ thi, kỳ thanh tra, kỳ thi giáo viên dạy giỏi là “chuẩn bị lên thớt”. Cách đây 3 năm tôi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, đầu tiên thi cấp quận. Khi thi cấp này tôi phải chuẩn bị hơn 1 tháng trời “tầm sư học đạo”. Thi xong cấp quận tôi nghĩ đã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng vừa là may mắn, vừa là áp lực khi tôi được quận Ba Đình chọn làm một trong hai giáo viên xuất sắc tiếp tục đi thi thành phố. Và tới giờ tôi vẫn nhớ, ngày 21/11 tôi phải thi, ngày 19/11 là sinh nhật đầu tiên của con gái thứ 2 của tôi. Khoảng 19h ngày 19/11, tôi vẫn phải ở trường, tôi đã khóc, chưa bao giờ cảm thấy nghề này lại khổ sở áp lực như thế”

Giáo viên Dương Thị Phương Thảo chia sẻ nghề giáo quá áp lực

Vẫn lời cô Thảo, áp lực thi cử của học sinh dồn lên vai giáo viên cũng không hề nhẹ. Đối với học sinh THCS, đặc biệt học sinh Hà Nội thi vào lớp 10 còn áp lực hơn cả thi đại học bởi Hà Nội có một “kiểu” đề riêng so với các tỉnh thành khác: “Tôi là giáo viên chủ nhiệm của học sinh lớp 9, chúng tôi gánh trên vai nhiệm vụ là làm sao để 44 học sinh của lớp mình vượt qua kỳ thi ấy vào nguyện vọng một. Vì kết quả của kỳ thi ấy sẽ là kết quả đánh giá xếp hạng của trường, giáo viên. Chúng tôi áp lực lắm vì chương trình thì dài, kiểu thi lại đặc thù”, cô Thảo bộc bạch.

“Hiện tại trung bình một tuần 3 buổi tôi phải ở lại phụ đạo thêm chứ không phải dạy thêm cho các học sinh, đến 19h mới về đến nhà. Đấy là áp lực thực sự. Nhưng chúng tôi không có cách nào khác bởi chỉ có làm như thế chúng tôi mới đạt được tiêu chí mà “bệnh thành tích” đặt ra. Bản thân chúng tôi nếu không vượt qua sẽ bị đánh giá về năng lực nghề nghiệp, bị đồng nghiệp trong trường, quận đánh giá vì đó là kết quả chung của trường”.

Thứ ba, theo nữ giáo viên trường THCS Mạc Đĩnh Chi đó là áp lực về kinh tế, lời cô Thảo trải lòng: “Tôi ra trường từ năm 2004 nhưng đến cuối năm 2009 mới vào biên chế. Đến giờ lương tháng của tôi là 4,7 triệu đồng, thử hỏi tôi sẽ sống như thế nào ở một thủ đô, một thành phố lớn?”. Nữ giáo viên này thẳng thắn chia sẻ may mắn có sự hỗ trợ của gia đình nên mới có thể bám trụ nghề.

Và thứ tư là áp lực về chương trình mới. Theo cô Thảo, năm học 2020-2021 cấp THCS sẽ bắt đầu áp dụng chương trình mới nhưng đến nay rất đông giáo viên vẫn hoang mang, không biết cái mới ở đây là gì, bởi quá nhiều thông tin. Chẳng hạn những giáo viên dạy môn Vật lí, môn Sinh học chỉ biết tới đây sẽ có môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên nhưng cụ thể như thế nào vẫn đang đoán già đoán non.

Ngoài ra, các giáo viên còn áp lực hồ sơ sổ sách như yêu cầu giáo viên không sử dụng giáo án cũ và mẫu giáo án nếu sai một từ sẽ bị đánh giá năng lực giáo viên. Rồi yêu cầu trong giờ học cô giáo không được khen học sinh là rất đúng. Đây là áp lực từ cấp quản lý cơ sở, từ hiệu trưởng, chuyên viên Phòng Giáo dục.

Từ những áp lực đó, cô Thảo, với tư cách một giáo viên mong muốn được giảm tải chương trình vì quá nặng; giảm tải hồ sơ, sổ sách. “Tại sao bắt chúng tôi chép đến 80 trang cuốn sổ chủ nhiệm trong khi bây giờ tất cả danh sách hồ sơ học sinh và phụ huynh đều có trên máy tính. Tại sao chúng tôi không được in ra mà phải chép? Rất tốn thời gian và vô lý. Hãy cởi trói cho chúng tôi”, cô Thảo nêu ý kiến và mong muốn sẽ có chính sách nào đó để giáo viên có thể cải thiện mức sống.

Trước thực tế này, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất việc tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo phải đúng như Nghị quyết 29/TW, cơ quan liên quan phải chấp hành, chứ không thể từ chối việc trả lương giáo viên cao nhất trong bộ máy hành chính sự nghiệp. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần sửa Điều 29 và 32 của dự thảo Luật Xử phạt hành chính trong giáo dục. Không thể biến nhà trường thành đồn cảnh sát, không thể biến thầy cô thành đối tượng xử phạt hành chính…

Tác giả: Nguyễn Mỹ

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP