Kinh tế

Bầu Hiển: Không lấy tiền ngân hàng để tài trợ bóng đá

Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội khẳng định, việc tài trợ, đầu tư vào bóng đá không phải từ nguồn lợi nhuận ngân hàng, bởi như thế không thể tồn tại được và đã có những bài học từ người đi trước.

Cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) diễn ra sáng 27/4 chỉ thực sự gay cấn khi bước vào phần thảo luận, chất vấn của các cổ đông. Bên cạnh những thắc mắc về kết quả, chiến lược kinh doanh của ngân hàng, cổ đông lo lắng khi ngân hàng này đang tài trợ quá nhiều vào bóng đá, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh chính.

Một nam cổ đông đặt vấn đề, trong khi nhiều "ông bầu" khác đã chuyển hướng tập trung vào kinh doanh sau thời gian dài đầu tư, tài trợ vào bóng đá nhưng thất bại, vì sao SHB vẫn đổ tiền vào mảng này? Vị cổ đông này cũng yêu cầu ban lãnh đạo ngân hàng tính toán lại để "tiền vào đâu có lời nhất cho ngân hàng, cổ đông".

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB (Bầu Hiển) cho rằng, thắc mắc của cổ đông là chính đáng, đồng thời khẳng định việc tài trợ cho bóng đá đã góp phần giúp hình ảnh, thương hiệu của SHB lên rất nhiều vì tính lan toả của nó. Đây là những hiệu quả có thể nhìn thấy rõ ràng chứ không phải chung chung.

Ông cũng cho hay, khi tài trợ, đầu tư cho đội bóng nào SHB đều thoả thuận với địa phương để có nguồn thu từ tài sản như đất đai, trụ sở... Nguồn tài sản thu từ bóng đá hiện nay đang có lợi nhuận.

"Chúng tôi không dùng tiền, lợi nhuận kinh doanh từ ngân hàng để tài trợ cho bóng đá, bởi nếu vậy thì không thể tồn tại được, bài học thực tế đã có rồi", Bầu Hiển trấn an cổ đông.
Bầu Hiển một lần nữa khẳng định không lấy tiền kinh doanh ngân hàng để tài trợ bóng đá.

Tại đại hội, nhiều cổ đông cùng chung tâm tư khi nhiều năm SHB đã không chia cổ tức bằng tiền mặt. Các cổ đông yêu cầu lãnh đạo ngân hàng tính toán lại để cảm thấy không bị thiệt thòi khi đã đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng. Chia sẻ tâm tư này, Bầu Hiển cho rằng "đây là nguyện vọng chính đáng bởi chia cổ tức bằng tiền mặt ai cũng muốn". Ở góc độ cũng là một cổ đông của ngân hàng, Chủ tịch SHB nhìn nhận, nhà băng đang hướng tới tiêu chuẩn mới theo chuẩn mực quốc tế, cần nâng cao năng lực tài chính ngân hàng.

Ông mong cổ đông chia sẻ với Hội đồng quản trị khi phải lo cho 7.500 cán bộ nhân viên, hơn 4 vạn cổ đông và 5 triệu khách hàng. Nếu có lợi nhuận nhưng cứ chia hết thì sự bền vững của ngân hàng trong tương lai sẽ không được đảm bảo.

"Các cổ đông hãy ngồi vào vị trí của Hội đồng quản trị để hiểu được nỗi lòng của chúng tôi. Chúng ta phải lo cho tương lai của ngân hàng chứ không thể để tương lai của ngân hàng 3-5 năm sau thế nào cũng kệ", Bầu Hiển chia sẻ, đồng thời "hứa", sau vài ba năm nữa khi năng lực ngân hàng ổn định, "có dư giả" sẽ chia cổ tức bằng tiền.

Về việc xây trụ sở, ông Hiển nói thêm, SHB đã mua được mảnh "đất vàng" từ các hộ dân tại địa chỉ 31-33-35 Lý Thường Kiệt, với 3 mặt phố, diện tích là 2.200 m2 đất sổ đỏ ở lâu dài. Tuy nhiên đến nay ngân hàng chưa thể xây trụ sở do ở vị trí trung tâm bị khống chế chiều cao. Nếu chỉ xây 8 tầng ở khu đất vàng như vậy thì rất lãng phí, do đó thành phố đang báo cáo xin Thủ tướng cho phép xây 14-15 tầng.

"Chúng tôi cũng rất mong xây sớm, vì đất để không cũng phí, trong khi nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn thuê mà không dám cho thuê lại", Bầu Hiển tâm sự.

Trước câu hỏi của cổ đông về khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng của Vinashin còn "mắc" chưa xử lý được, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB cho hay, tới cuối năm 2016 số nợ còn tồn của Vinashin là 1.600 tỷ, trong đó đa phần là hoán đổi trái phiếu với VAMC gần 1.500 tỷ đồng. Thời gian tới SHB sẽ tiếp tục hoán đổi trái phiếu với VAMC theo đề án và trích lập dự phòng theo quy định.

Kết thúc năm 2016, SHB đạt 1.156 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5% để tăng vốn điều lệ lên 12.036 tỷ đồng. Quỹ lương thực hiện trong năm 2016 là 1.246 tỷ.

Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm mạnh từ mức 8,81% sau khi sáp nhập với Habubank, về mức 1,93% vào cuối năm 2016.

Về kế hoạch năm 2017, ông Nguyễn Văn Lê thông tin, ngân hàng sẽ tập trung vào mảng bán lẻ để trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.750 tỷ đồng (tăng 50% so với năm 2016); tổng tài sản tăng lên 270.000 tỷ, dư nợ cho vay tăng trưởng 18%, huy động vốn tăng 20%...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP