Thể thao

Bầu Đức, HLV Park và chuyện 'đầu tư' cho ĐTQG

Bóng đá phải làm từ gốc rễ, giống như xây nhà từ móng. Một điều khác là cần có sự chung tay của nhiều người, cả xã hội vì tương lai bóng đá Việt Nam.

Hai năm trước, bóng đá Việt Nam đứng trước một tấn bi kịch lớn là thất bại ở SEA Games 2017 ngay từ vòng bảng. Niềm tin vào một thế hệ cầu thủ tài ba và hàng triệu người yêu mến tưởng chừng sụp đổ.

Buổi chiều trên đất Malaysia, tôi chứng kiến hàng nghìn CĐV Việt Nam bước ra về trong khuôn mặt thất thần. Ở trong sân, những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn… gần như chết lặng. Bầu trời ở Malaysia như sụp đổ trước mắt các chàng trai trẻ Việt Nam vì thất bại 1-4 trước Thái Lan. Giấc mộng vàng SEA Games tan vỡ. Cả mấy chục con người của U22 Việt Nam biết rằng sẽ đối diện với tấn bi kịch mang tên búa rìu dư luận đang chờ đón họ nơi quê nhà, dù chỉ vài ngày trước nhận được sự tung hô ngất trời.

Bóng đá là thế. Đỉnh cao và vực sâu đôi khi cách nhau rất mong manh, tưởng chừng có thể chạm vào là tan vỡ. Những chàng trai tuổi đôi mươi phút chốc trở thành “tội đồ” cho cả một nền bóng đá sống trong giấc mộng vàng khu vực.

Nỗi buồn của Công Phượng trên đất Malaysia.

Tất cả chỉ cần nhìn vào bảng tỷ số, kết quả để vùi dập không thương tiếc những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… Bầu Đức cũng thế. Ông chủ CLB HAGL bị đem ra làm trò cười vì “lỡ” đánh cược: Nếu Việt Nam không vô địch hãy gọi tôi là…

Nghe nghịch lý nhưng đó là bóng đá, nhiều người có thể đổ lỗi cho việc một nền bóng đá không thành công lên vai các cầu thủ trẻ và một ông bầu. Vì phần lớn người hâm mộ chỉ thích thấy cầu thủ đeo trên cổ những tấm huy chương để ca ngợi, để có thể ra đường ăn mừng. Họ quên mất quá trình xây dựng và phấn đấu có ý nghĩa lớn lao hơn chuyện thành tích.

Vài tháng sau thất bại ở Malaysia, tôi hỏi bầu Đức về chuyện chọn HLV cho tuyển Việt Nam, khi một số ý kiến cho rằng nên đưa HLV Hoàng Anh Tuấn lên làm, có người bảo nên chọn Kiatisak.

Bầu Đức nói một câu khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ: “Chuyện chọn HLV cho ĐTQG là việc của cả xã hội. Anh xin nghỉ VFF nhưng luôn rạch ròi, là người Việt Nam thì cần có trách nhiệm nếu còn làm bóng đá, còn đam mê và khát vọng cống hiến cho bóng đá nước nhà”.

Bỏ qua HLV Hoàng Anh Tuấn dưới sự hậu thuẫn của truyền thông, gạt Kiatisak, bầu Đức âm thầm cử giám đốc điều hành CLB HAGL - Nguyễn Tấn Anh sang Hàn Quốc làm công tác “dân vận”, thuyết phục gia đình để HLV Park Hang Seo đến Việt Nam. Mọi chuyện xong xuôi, bầu Đức gặp trực tiếp HLV Park để nói chuyện.

Tính luôn lần cùng lãnh đạo VFF đi ký hợp đồng, bầu Đức có ba lần đi Hàn Quốc để mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam.

Nếu bầu Đức là một người muốn bỏ ngang, tự ái, không còn khát vọng cống hiến cho bóng đá sau những chỉ trích sau SEA Games 2017, tôi nghĩ ông Park đã không trở thành HLV trưởng tuyển Việt Nam. Dĩ nhiên, bóng đá Việt Nam cũng khó có được những thành công to lớn trong suốt 1 năm qua.

Câu chuyện của bầu Đức mời HLV Park cho thấy rằng, quá trình phấn đấu luôn quan trọng hơn thành tích. Vì không có một quá trình dài hơi cùng quyết tâm làm bằng được thì không thể có kết quả như mong đợi.

Bầu Đức đích thân sang Hàn Quốc “chốt” hợp đồng với HLV Park.

Bản thân bầu Đức xây Học viện bóng đá HAGL là câu chuyện như thế. Bầu Đức hoàn toàn có thể làm theo cách như Bình Dương, Hà Nội là bỏ tiền mua nhiều ngôi sao bóng đá Việt Nam, mua thêm các ngôi sao hết thời của châu lục về chơi bóng. HAGL sẽ có thành tích, có thể thông qua các ngôi sao nước ngoài quảng bá thương hiệu. Cách làm này dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải sang tận nước Anh tiếp xúc với HLV Wenger của Arsenal, sau đó bầu Đức về xây Học viện.

Bầu Đức cũng có những chọn lựa dễ dàng hơn trong việc đẩy hình ảnh CLB HAGL bằng cách xen kẽ lứa Công Phượng với những cầu thủ giỏi khác để gặt thành tích. Nhưng bầu Đức không chọn cách này. Bầu Đức đưa cả lứa Công Phượng lên chơi V.League khi mới 19 tuổi. Có giai đoạn chấp nhận không dùng tiền đạo ngoại, chỉ mua hậu vệ.

Bầu Đức có cách nghĩ khác, làm khác đi với mong muốn lứa Công Phượng được va chạm nhiều, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành, qua đó cống hiến cho ĐTQG. Vì một cầu thủ trẻ theo cách tính của bóng đá thì mỗi năm phải được thi đấu khoảng 30 trận để trưởng thành.

Bầu Đức làm như thế cũng đồng nghĩa chấp nhận HAGL trong một thời gian dài không thể có thành tích. Vì chờ một lứa cầu thủ mới tuổi 19, 20 có danh hiệu thì quá khó. Thành tích phải có quá trình chứ không thể muốn đòi hỏi là được liền.

Từ sự đầu tư cho lứa Công Phượng đến việc mời HLV Park Hang Seo của bầu Đức cho thấy, đầu tư cho bóng đá luôn cần quá một quá trình dài hơi, có nhiều tiền bạc chưa chắc đủ, phải cần có tâm huyết, đam mê, dám nghĩ dám làm, đôi khi phải đi ngược xu thế nếu ở trong một môi trường làm bóng đá kiểu “xây nhà từ nóc” như bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam lúc này cũng có thêm những người như bầu Đức nếu muốn duy trì và phát triển thành công lên thêm tầm cao mới. Chuyện đầu tiên là làm cách gì để giữ chân HLV Park Hang Seo, phát triển đào tạo trẻ và có một kế hoạch hợp lý cho những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Hậu… được phát triển toàn diện.

Tác giả: Văn Nhân

Nguồn tin: saostar.vn

  Từ khóa: HLV Park ,bầu Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP