Kinh tế

Bầu Đức bảo lãnh 1.700 tỷ đồng công nợ của Hoàng Anh Gia Lai

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa điều chỉnh dữ liệu khoản phải thu tồn đọng lớn tại ngày 30/6/2020 là 10.800 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng công nợ đã được ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bảo lãnh.

Lỗ lũy kế tăng hơn 1.000 tỷ đồng sau "siêu thương vụ", HAGL nói gì?

Công ty cổ phần HAGL (mã chứng khoán HAG) vừa có văn bản giải trình bổ sung một vài vấn đề liên quan tới báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2021.

Theo đó, tại báo cáo đã được soát xét của HAGL, lãi sau thuế giảm gần 10 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về còn hơn 8 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng, liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAGL hơn 18 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 1.155 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã dẫn tới lỗ lũy kế của HAGL tăng thêm 1.013 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại ngày 30/6 lên gần 7.372 tỷ đồng.

Trụ sở Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: HAG).

Giải trình về vấn đề này, HAGL cho biết, vào ngày 8/1, HAGL Agrico đã tiến hàng Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) để hoán đổi các khoản nợ phải trả nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn hoạt động của HAGL Agrico.

Ngoài ra, cũng tại ngày này, Hội đồng quản trị (HĐQT) Agrico đã thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đoàn Nguyên Đức, đại diện của HAGL trong HAGL Agrico và bầu ông Trần Bá Dương, đại diện của Thagrico trong HAGL Agrico, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Theo đó, HAGL Agrico chính thức không còn là công ty con của HAGL kể từ ngày này.

Dẫn các quy định hiện hành và Thông tư 202 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất, HAGL cho hay: "Trường hợp trước đây công ty mẹ đã thoái một phần vốn tại công ty con và đã ghi nhận kết quả từ việc thoái phần vốn đó trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bảng cân đối kế toán hợp nhất, nay thoái thêm một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát thì công ty mẹ phải kết chuyển phần lãi, lỗ đã ghi nhận trước đây trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất".

Ban Tổng Giám đốc HAGL đã tiến hành rà soát các nghiệp vụ thoái vốn liên quan đến HAGL Agrico từ các năm trước đã ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để kết chuyển sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất tại thời điểm mất quyền kiểm soát.

Đây cũng là lý do dẫn tới lỗ lũy kế của HAGL tăng thêm 1.013 tỷ đồng theo báo cáo tài chính soát xét đã công bố.

Với số lỗ lũy kế 7.372 tỷ đồng cùng với việc vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay, HAGL đã bị kiểm toán nhấn mạnh việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. Cổ phiếu HAG của tập này tiếp tục bị duy trì diện kiểm soát do chưa khắc phục được vấn đề nêu trên.

Gần đây, HAGL đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc chốt ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ lũy kế với tổng giá trị 3.264 tỷ đồng. Với phương án này, lỗ lũy kế của HAGL tại ngày 30/6 sẽ giảm còn 4.108 tỷ đồng.

Điều chỉnh dữ liệu quá khứ

Việc cổ phiếu HAG bị duy trì diện kiểm soát còn do HAGL đã điều chỉnh một số dữ liệu tương ứng trên BCTC hợp nhất giữa niên độ để phản ánh các điều chỉnh nhằm sửa chữa các sai sót đã thực hiện trong kỳ trước.

Về vấn đề này, HAGL cho hay, trong báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2020 của tập đoàn, do các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Ban Tổng Giám đốc đã thực hiện rà soát lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày từ các năm tài chính trước đây.

Theo đó, căn cứ vào các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tác và các khó khăn nói chung trong ngành nông nghiệp đã phát sinh từ những năm trước, Ban Tổng Giám đốc HAGL đã xem xét lại cơ cấu tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu tồn đọng và thu thập thêm các thông tin quá khứ về khả năng thanh toán của các đối tác mà trước đây chưa thể thu thập được do các giới hạn về thời gian và nguồn nhân lực.

Ban Tổng Giám đốc nhận thấy việc ước tính khả năng thu hồi của các khoản nợ phải thu tồn đọng lâu ngày tại thời điểm lập BCTC các năm trước chưa phản ánh đầy đủ rủi ro tổn thất của các khoản phải thu này.

Trên cơ sở đó, vào thời điểm lập vào công bố BCTC bán niên soát xét năm 2020, số liệu vẫn chưa được điều chỉnh, vì vậy, trong BCTC giữa niên độ đã soát xét năm 2021, lãnh đạo tập đoàn này đã thực hiện điều chỉnh lại dữ liệu tương ứng trong liên quan đến dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi lớn trong quá khứ.

Cụ thể, tổng các khoản phải thu tồn đọng lớn tại ngày 30/6/2020 là 10.800 tỷ đồng. Trong số các tài sản được dùng để đảm bảo cho các khoản công nợ trên thì bảo lãnh của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT xấp xỉ 1.700 tỷ đồng.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP