Trong tỉnh

Bất chấp đêm lạnh, học sinh vùng biên vẫn đi săn cá đặc sản

Vào mùa này khi dòng suối Chà Lạp, chảy qua địa phận xã biên giới Tam Hợp, Tương Dương, bắt đầu cạn sau lũ, cũng là lúc vào mùa săn cá Mát, một loại đặc sản. Các em học sinh nơi đây tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để đi săn cá về bán kiếm thêm thu nhập giúp gia đình.

Khi đêm xuống cũng là lúc các em học sinh Trường THCS PTDTBT Tam Hợp, chuẩn bị dụng cụ săn cá mát đặc sản. Từng tốp từ 3 đến 5 em học sinh lập thành nhóm đi săn cá.

Những đêm cuối tuần, các em học sinh Trường THCS PTDTBT Tam Hợp lại lập nhóm xuống suối săn cá đặc sản. Ảnh: Lữ Phú


Em Lương Viết Quang, học sinh lớp 8 Trường THCS PTDTBT Tam Hợp, chia sẻ: “Với khoảng thời gian từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, một người trong nhóm chúng em có thể bắt được từ 0,5 đến 1kg cá mát”.

Để săn được cá mát, ngoài có kỹ năng bơi và lặn tốt thì cần phải có các dụng cụ hỗ trợ như: Kính lặn, đèn pin, và dụng cụ sắt nhọn đâm cá.

Khu vực săn cá của các nhóm học sinh là đoạn suối Chà Lạp, chảy qua xã Tam Hợp, con suối bắt nguồn từ những cánh rừng tự nhiên ở biên giới Việt Lào. Ảnh: Lữ Phú


Em Viêng Văn Huy, 13 tuổi, người dân tộc Tày Pọng, bản Xốp Nặm, xã Tam hợp chia sẻ: “Trước đây lúc còn nhỏ, em thường đi cầm oi đựng cá cho các anh lớn hơn, khi em bắt đầu lên lớp 6, lớp 7 đã học lặn để tự mình bắt cá về bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đêm bắt được nhiều thì em bán một nửa, một nửa em đưa về nấu ăn”.

Những oi cá đầy sẽ giúp các em học sinh có thêm kinh phí để trang trải chi phí học tập. Ảnh: Lữ Phú


Sau nhiều giờ vật lộn với dòng nước chảy xiết, thành quả là những oi cá đầy. Cá đặc sản các em săn được thương lái đặt mua với giá từ 200 đến 250 ngàn đồng/kg, tùy theo kích cỡ to nhỏ.

Theo ước lượng, một đêm mỗi em có thể kiếm được từ 100 đến 150 ngàn đồng. Đây là một khoản thu nhập kha khá đối với đồng bào vùng biên.

Tác giả: Lữ Phú

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP