Pháp luật

Bắt bà trùm trong ‘gia đình buôn người': Cuộc truy bắt xuyên biên

Sau hơn 1 năm làm vợ xứ người, dù sinh con cho những người chồng xa lạ, chị M. và chị Đ quyết tâm tố cáo đường dây buôn người của kẻ 'sở khanh'. Lần lượt, những kẻ buôn người đã phải trả giá...

Tháng 8/2011, hai cô cháu N. và Đ. lần lượt trốn về Việt Nam tố cao hành vi buôn bán người của Trần Văn Tập cùng đồng bọn với cơ quan chức năng.
anhbangcuop
Đối tượng Tập và chị gái, bà trùm Trần Thị Ký ngày bị bắt

Sau khi xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng Hòa, Tập và Lý. Tuy nhiên, manh mối duy nhất mà chị N. cung cấp cho cơ quan chức năng chỉ là cái tên giả (tức Tuấn) mà Tập tự giới thiệu. Mọi manh mối về đối tượng hầu như bị bưng bít hết. Tuy nhiên, với quyết tâm triệt phá bằng được đường dây buôn người xuyên quốc gia này, các trinh sát hình sự đã kiên trì lần theo dấu vết của đối tượng. Vì cùng lúc, đối tượng Hòa và Tập gây ra nhiều vụ buôn bán người ở các địa phương khác nhau nên cả hai đều nằm trong diện truy tìm của nhiều cơ quan công an.

Đến tháng 11/2011, Trần Xuân Hòa bị Công an tỉnh Phú Thọ tóm gọn về hành vi buôn bán người. Từ đây, đường dây buôn bán người của gia đình ba chị em Lý, Hòa, Tập đã bị bóc gỡ.

Tháng 9/2012, TAND tỉnh Yên Bái tuyên phạt Trần Xuân Hòa 7 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án của TAND tỉnh Phú Thọ, Hòa lĩnh 11 năm tù về tội danh buôn người. Về phần Trần Văn Tập, sau khi gây án, biết cơ quan chức năng truy lùng ráo riết, y đã bỏ trốn khỏi địa phương. Thời gian trốn tránh pháp luật, hắn vẫn tiếp tục lừa gạt các cô gái trẻ ở phường Đống Đa, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bằng thủ đoạn nhận em kết nghĩa, để lừa bán.

Cuối tháng 8/2012, Tập bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tóm gọn khi đang lẩn trốn ở TP.Vĩnh Yên. Sau đó, y được di lý lên Yên Bái để tiếp tục điều tra. Gã “ma cô” đã thừa nhận mọi tội lỗi mà mình gây ra. CQĐT xác định, có đến gần chục sơn nữ vùng cao ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang đã bị gã và "đường dây gia đình” này lừa bán. Hiện vẫn còn nhiều nạn nhân đang lưu lạc ở xứ người.

Tuy nhiên, mắt xích quan trọng nhất của đường đây “gia đình buôn người” này là Trần Thị Lý vẫn “bặt vô âm tín” bởi cô ta sinh sống ở nước ngoài. Sau đó, Lý bị truy nã quốc tế.

Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (bộ Công an) đã đề nghị với cục Đối ngoại, báo cáo lãnh đạo bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp truy bắt đối tượng Trần Thị Lý phục vụ công tác điều tra, xét xử vụ án.

Thông qua kênh hợp tác quốc tế, cục Đối ngoại đã trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc về việc truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Thị Lý nghi đang sinh sống tại Trung Quốc, hiện có lệnh truy nã quốc tế số A-494/1-2017. Sau 6 năm lần trốn, ngày 21/3/2017, Văn phòng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có trao đổi với cơ quan chức năng Việt Nam về việc đã bắt giữ được đối tượng và đồng ý trao trả đối tượng Trần Thị Lý cho cơ quan chức năng Việt Nam, thời gian bàn giao vào ngày 24/3/2017.

Di lý đối tượng về Yên Bái

Được lãnh đạo cấp trên giao nhiệm vụ, cục Cảnh sát Truy nã tội phạm đã liên hệ với cục Đối ngoại cập nhật thông tin về thời gian, địa điểm trao trả đối tượng; triển khai kế hoạch phối hợp chặt chẽ với cục Đối ngoại, cục Cửa khẩu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh Cao Bằng và đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng tổ chức tiếp nhận đối tượng truy nã quốc tế Trần Thị Lý vào ngày 24/3, đảm bảo an toàn, đúng pháp luật. Ngay sau đó, đối tượng đã được lực lượng công an di lý về Yên Bái để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án mua bán người.

Tác giả bài viết: T.P-C.C

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP