Trong tỉnh

Bấp bênh cuộc sống bản vùng cao xứ Nghệ

Bản Minh Phương (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) mới đây bị lũ lụt hoành hoành, đẩy hơn 30 hộ đồng bào Thái rơi vào cảnh mất nhà cửa, cuộc sống rất đỗi khó khăn…

Tôi đã đặt chân đến bản Minh Phương hàng chục lần, mỗi lần có một cảm giác khác nhau. Lần đầu, hơn 10 năm trước, gần cuối chiều đi cuốc xe ôm từ thị trấn Hòa Bình men con đường nhỏ ven tả ngạn dòng Nậm Nơn vào Lượng Minh. Thời điểm ấy, cùng với Xốp Mạt phía hữu ngạn Nậm Nơn, Minh Phương được mệnh danh là "thủ phủ ma túy".

Bởi ở đây gần đỉnh Pù Lôm, điểm tập kết, trao đổi "hàng trắng", không ít người dân đã tham gia tiếp tay cho loại tội phạm nguy hiểm này. Bản làng xơ xác, tiêu điều, Minh Phương lúc ấy được người nơi khác gọi là "bản không chồng", vì đàn ông, con trai phần lớn bị bắt hoặc bị chết do liên quan đến ma túy, bỏ lại những người vợ trẻ và đàn con thơ.

Lần đầu đặt chân vào "thủ phủ ma túy", tôi không tránh khỏi lo lắng khi vượt những đèo dốc quanh co, bắt gặp ánh nhìn đầy vẻ thăm dò của những người đứng trên đỉnh dốc. Người đàn ông chạy xe ôm có vẻ lo sợ, giục tôi vào trường THCS xin nhanh số liệu học sinh rồi trở ra trước khi trời tối…

Bà con bản Minh Phương giúp nhau dựng nhà tạm

Những lần tiếp theo, do quen dần với đường đi lối lại cũng như cách ứng xử với người dân vùng cao nên những lo lắng cũng bớt dần. Mỗi lần đến Minh Phương, gặp gỡ những cảnh đời, lắng nghe những câu chuyện của cuộc sống nơi đây, tôi lại có thêm niềm xúc cảm mới.

Mới đây, trở lại Minh Phương sau cơn lũ dữ, trong lòng dâng lên bao nỗi ưu tư khi phải chứng kiến con đường nhiều đoạn bị dòng lũ "nuốt trôi" và có nguy cơ "xóa sổ" nếu tiếp tục phải hứng chịu những trận lũ lớn. Rồi những nền nhà chỉ còn trơ ít gạch đá hay tre, gỗ còn sót lại, những thứ khác hoặc đã bị lũ cuốn trôi hoặc đã được chủ nhân sơ tán đến nơi khác. Đồ đạc chất dọc mép đường, những chiếc lán dựng tạm bên mép núi, cùng với đó là vẻ mệt mỏi, lo âu của người dân bản nghèo, người mất nhà cửa, người mất đồ đạc, chưa bao giờ cuộc sống bấp bênh như lúc này.

Một mái lều dựng tạm bên mép núi làm nơi trú ẩn nắng mưa

Trên đỉnh dốc ở bản Xốp Mạt, mấy hộ gia đình đang hối hả dựng nhà tạm, hỏi ra mới biết họ là người của bản Minh Phương chuyển lên đây ở tạm. Vệ đường thành nơi tập kết nguyên vật liệu, bãi đất nhỏ ven sông thành nơi dựng nhà tạm của 3-4 hộ gia đình. Chị Vi Thị Hà chia sẻ: "Nhà bị trôi xuống sông hôm lũ lớn, phải đến ở tạm nhà họ hàng. Gia đình neo người, hôm nay mới nhờ được anh em họ hàng chuyển vật liệu và đồ đạc lên đây dựng chiếc lều nhỏ ở tạm".

Ông Lô Văn Tiến bộc bạch: "Các con đều đi làm xa, ở nhà chỉ có ông bà già, từ hôm lũ đến nay tôi ở nhà nhà em trai. Nhà em chật chội, sinh hoạt bất tiện, nên phải nhờ người thân lên đây dựng lại nhà". Tương tự, nhà của chị Lô Thị Pòm bị cuốn trôi hoàn toàn, lâu nay gia đình chị phải tá túc nhà hàng xóm. Hay tin có bão ngoài biển, chị phải gác lại mọi việc để lên rừng chặt cây về làm cột, kèo, rồi xin lá cọ đan thành tranh lợp thành cái lều nhỏ. Vào lều phải cúi gập người, phía trong chỉ đặt được một chiếc giường nhỏ, bếp nấu ăn phải đặt ở ngoài. Cuộc sống vô cùng tạm bợ.

Tôi ghé thăm bà Lương Thị Lan - người phụ nữ nổi tiếng khắp vùng với những con số được xếp vào hàng "kỷ lục": 10 người con và dâu, rể đã và đang vướng vào vòng lao lý vì liên quan đến ma túy. Bà Lan đã phải cưu mang mười mấy đứa cháu nội, ngoại. Hiện tại, đã trên 70 tuổi, bà vẫn còn phải nuôi hai đứa cháu nội, một cháu đang theo học cao đẳng nghề ở Vinh và cháu còn lại đang học lớp 6. Căn nhà nằm bên mép sông, trận lũ vừa qua đã khiến móng nứt toác, nền bị lún sụt, chỉ cần thêm những tác động mới sẽ bị đổ xuống dòng Nậm Nơn bất cứ lúc nào. Ngặt nỗi, nhà chỉ còn hai bà cháu, một người đã già, một người còn quá nhỏ nên không đủ sức di dời, đành liều mình ở trong căn nhà cũ. Một chiếc bàn được đưa ra mép đường, xung quanh quây màn, khi có dấu hiệu nguy hiểm bà cháu sẽ chạy ra đó nằm...

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, đợt mưa lũ cuối tháng 8, bản Minh Phương có 35 hộ bị mất nhà hoặc phải di dời do sạt lở và lún sụt. Không còn nhà, một số ít bà con đang phải ở nhờ nhà người thân, phần lớn đã dựng nhà tạm, lều, lán bên mép núi và cạnh những con dốc cao để tá túc. Cuộc sống của bà con vùng lũ Minh Phương đang lâm vào cảnh khó khăn. Nếu bão lụt tiếp tục xảy ra, e rằng cuộc sống của bà con nơi đây sẽ hết sức khó khăn. Còn có thêm mối lo khác: Tuyến đường Cửa Rào - Lượng Minh có nguy cơ bị "xóa sổ". Lúc ấy, Minh Phương và các bản vùng trung tâm xã sẽ bị cô lập trong thời gian dài, việc khắc phục hậu quả và cứu trợ sẽ khó khăn gấp bội.

Chị Lô Thị Pòm lợp mái lều bằng lá cọ

Về việc tìm chỗ ở mới để người dân Minh Phương sớm được an cư, ông Vi Đình Phúc cho hay, hiện cấp trên đang quy hoạch địa điểm ở dãy núi cách bản khoảng 1km. Vị trí này có độ dốc khá lớn, nếu triển khai sẽ rất khó khăn trong việc san ủi mặt bằng và sẽ mất khá nhiều thời gian. Nhưng địa hình ở đây toàn núi cao, gần như không có địa điểm nào khả thi hơn.

Lại nhớ mấy năm trước, ngọn núi sau bản Xốp Mạt cũ bị trượt lở, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu kết luận có vết nứt lớn trong lòng núi, nên toàn bộ bản phải di dời khẩn cấp. Bà con phải sang phía tả ngạn dựng những mái lều chênh vênh bên dòng Nậm Nơn chờ san ủi mặt bằng làm nơi ở mới. Trong quá trình thi công lại phát hiện dấu hiệu của vết nứt trong lòng núi, phải chuyển ra vị trí tiếp giáp địa bàn xã Xá Lượng. Mất một thời gian khá dài, người dân Xốp Mạt mới có được nơi ở mới. Hy vọng người dân Minh Phương gặp may mắn hơn, sẽ không phải chờ đợi và ở tá túc trong những mái lều tạm bợ quá lâu.

Người dân bản Minh Phương tháo dỡ nhà cửa do bị sạt lở, lún sụt

Lần này, rời Minh Phương, tôi thấy lòng mình nặng trĩu, cảnh bề bộn, ngổn ngang và những ánh mắt buồn, vẻ mặt đầy âu lo của bà con dân bản cứ ám ảnh mãi. Ngoài biển xa, những cơn bão đang hoành hành, ai nấy đều thấp thỏm, mùa mưa bão vẫn chưa dứt…

Tác giả: Trần Công Kiên

Nguồn tin: petrotimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP