Du lịch

Bao trọn cây nhãn tiến vua hiếm có, tự hái ăn cả mùa quá đã

Dù có giá từ 100.000-200.000 đồng/kg tuỳ loại, song dân sành Hà thành vẫn sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để bao mua cả cây nhãn đường phèn về ăn – loại nhãn trước kia vốn được dùng để tiến Vua.

Những ngày này, ở chợ, siêu thị đã bày bán tràn ngập nhãn lồng, nhãn lai, bởi loại quả đặc sản của Việt Nam này đang vào mùa thu hoạch rộ, giá bán cũng chỉ dao động từ 35.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại. Thế nhưng, để thưởng thức được loại nhãn thơm ngon, anh Tô Văn Chuyên ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) chấp nhận chạy xe về tận Hưng Yên, xuống tận vườn nhà vườn mới mua được loại mà mình thích.

Anh chia sẻ, anh và gia đình rất thích ăn nhãn, đã thử ăn nhiều loại nhãn khác nhau, thấy ưng nhất vẫn là loại nhãn đường phèn – đặc sản nổi tiếng ở Hưng Yên. Song, anh phải thừa nhận, để mua được loại nhãn đường phèn quả nhỏ, cùi dày ánh vàng, vân múi căng, róc cùi, róc hạt, còn khi đưa lên miệng thấy mềm mà giòn, ngọt mà thanh, hương thoang thoảng như mùi mật ong là chuyện hề không dễ. Trước kia, anh đã từng đi lùng mua khắp Hà Nội mà không có.

Nhãn đường phèn là loại nhãn quý hiếm ở Hưng Yên

Mãi sau, nhờ được ông anh họ ở Phố Hiến (Hưng Yên) về tận vùng nhãn lùng mua giúp. May thế nào, anh ấy tìm được một nhà vườn còn trồng loại nhãn đường phèn này và bao mua cả cây cho anh luôn.

“Đến nay đã 4 năm, năm nào tôi cũng đặt mua cả cây. Cứ vào mùa nhãn, đúng cây nhãn đường phèn ấy thu hái được bao nhiêu quả tôi mua hết bấy nhiêu. Giá thì tuỳ theo mùa vụ, thị trường giá cao mình mua cao, thì trường giá thấp thì mình mua giá thấp. Tính ra, để bao mua được cả cây nhãn này, mỗi năm tôi phải chi cả chục triệu đồng hoặc hơn”, anh nói.

Cũng theo anh Chuyên, vì bao mua cả cây rồi nên khi bắt đầu được thu hoạch, chủ vườn sẽ điện thoại cho anh biết để sắp xếp thời gian về tận nơi thu hái nhãn, tránh tình trạng trà trộn loại nhãn khác vào.

Cây này được mùa thì thu hoạch được khoảng 1-1,2 tạ nhãn quả, còn như năm nay mất mùa thì chỉ được khoảng 70kg. Anh thường chia làm hai lần thu hái, một lần vào đầu tháng 7 âm lịch và lần sau hái sau rằm tháng 7.

Thực ra, với số lượng lên đến cả tạ nhãn hái được mỗi năm, gia đình anh ăn cũng không hết. Thế nhưng, năm nào anh cũng mua cả cây để lấy nhãn biếu tặng bạn bè, người thân. Bởi nhãn này rất hiếm, bình thường muốn ăn cũng chưa chắc mua được.

Trên thị trường nhãn đường phèn có giá từ 100.000-200.000 đồng/kg tuỳ loại song vẫn khó mua

Nhiều người sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để bao mua cả cây nhãn đường phèn ăn dần và biếu tặng người thân bạn bè


Tương tự, chị Đào Thị Hoàng Dương ở Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, vì chỉ quen ăn loại nhãn đường phèn nên 2 năm nay nhà chị đặt mua luôn một cây của một chủ vườn tại Hưng Yên.

“Nhiều người nói bao mua vậy chi cho mất công, lại còn phải về tận nơi thu hái, ăn bao nhiêu đặt mua cũng được. Song, tìm được đúng loại nhãn đường phèn thơm ngon không phải dễ. Mua trên thị trường có cây này cây kia chất lượng cũng đã khác nhau. Đây một cây nhãn mình đã ăn quen nên đặt mua cả cây thì đảm bảo chất lượng nhãn đồng đều dù giá có hơi đắt đỏ”, chị chia sẻ.

Thực tế, khảo sát của Sở NN-PTNT Hưng Yên, diện tích trồng các giống nhãn quý, trong đó có nhãn đường phèn hiện chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích nhãn của tỉnh.

Trước đó, chia sẻ với VietNamNet, ông Dương Văn Diện (Hồng Nam, TP. Hưng Yên) chuyên trồng nhãn, nhận xét, nhãn đường phèn là giống nhãn quý song khó trồng, năng suất thấp. Những hộ từng trồng nhãn đường phèn đã phải chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại nhãn khác cho năng suất cao hơn. Khu vực Hồng Nam - vựa nhãn của Hưng Yên - hiện rất ít nhà còn trồng nhãn đường phèn.

Chính vì vậy, hễ nhà nào còn cây nhãn đường phèn ngon khách đã đặt từ đầu mùa, với mức giá cao hơn so với nhãn hương chi và các loại nhãn khác ở Hưng Yên. Nhà ông Diện cũng còn một cây nhãn đường phèn, song bao năm nay ông không bán, chỉ để dành cho con cái và họ hàng ăn vì cây cho ít quả, lại rất ngon.

Ông Vương Văn Oanh (phường Hồng Châu, Hưng Yên) - người chuyên trồng nhãn đường phèn cũng thừa nhận, số lượng cây nhãn loại này ở Hưng Yên không còn nhiều.

"Vườn nhãn nhà tôi không bao giờ bán ngoài chợ. Nhãn chủ yếu được khách HàNội đặt trước để về ăn hoặc mang đi biếu tặng”, ông Oanh chia sẻ.

Tác giả: Châu Giang

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP