Xã hội

Báo động từ những "túi thải" khổng lồ treo trên đầu người

Sự cố vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc tại Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn tại các mỏ khai thác khoáng sản... Điều đáng nói, hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung lại có khá nhiều mỏ khai thác khoáng sản không đảm bảo an toàn, khiến cho người dân luôn sống trong nỗi lo lắng, thấp thỏm về ô nhiễm môi trường nếu sự cố xảy ra.

Sau sự cố vỡ bể lắng của xí nghiệp tuyển quặng, điều khiến nhân dân lo lắng và hoang mang là trong bể lắng đó có chứa những hóa chất gì? Nồng độ ra sao cũng như sự lan tỏa hóa chất sau khi vỡ đập?
tui thai
Hàng trăm m3 bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trôi từ thượng nguồn xuống địa bàn các xã hạ du của huyện Quỳ Hợp...
tui thai 1
.... đã làm cá dân nuôi trong ao chết hàng loạt.

Cá người dân nuôi trong ao đã chết, và tất nhiên cá trên các khe suối càng không thể sống. Vậy, trong hàng trăm m3 bùn thải trôi từ thượng nguồn xuống địa bàn các xã hạ du của huyện Quỳ Hợp có mang theo những chất độc hại gì mà có thể hủy hoại sự sống như vậy? Theo ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An: Quặng thường có thành phần đa kim loại lặng, ngoài thiêc ra có thể có asen, chì, thủy ngân... rất độc hại đến môi trường và con người.

Với dòng nước đục ngầu, ngày các doanh nghiệp khai khoáng hoạt động cũng là ngày các khe suối bị bức tử. Có gia trại sản xuất bên cạnh dòng suối Mai và ngay dưới con đập bị vỡ, bà Vi Thị Thế nhận thấy rõ sự ô nhiễm này đã từ nhiều năm nay: Khi họ chưa làm quặng thì nước khe ni còn uống được, chứ bây giừ thì bùn rồi nước đục mần răng mà uống được. Mà nước ni trồng cây chi cũng không được, tưới vô hấn chết hết.

tui thai 3
Nước trong những con khe, con suối đổi màu đục ngầu...

Chuyện các doanh nghiệp khai khoáng gây ô nhiễm thì xã biết, huyện biết cả chục năm nay. Vì chưa có sự chấn chỉnh quyết liệt nên dù cũng có kiểm tra, nhắc nhở nhưng có khắc phục hay không? Và khắc phục với mức độ như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ của doanh nghiệp. Ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng: Xảy ra việc này thì trách nhiệm rất lớn của cấp huyện, cấp xã chúng tôi. Việc đánh giá tác động môi trường là của cấp tỉnh nhưng kiểm tra là chúng tôi thì các lần kiểm tra thấy họ cũng làm đúng ĐTM, nhưng trên thực tế nó thì không đảm bảo.

Ông Lang Văn Hùng - Cán bộ địa chính xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp bức xúc: Nói cho chính xác thì không bao giờ đảm bảo vì người dân thì ở dưới chân núi mà trên núi thì khai thác quặng, nên vẫn cứ trôi thải xuống. Mưa to thì trên núi cứ chảy xuống, thậm chí lợi dụng mưa to nhiều doanh nghiệp còn xả thải luôn.

tui thai 2
Bùn thải bám đen suối Nậm Huống

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở mỏ khai thác của Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh – đơn vị bị vỡ đập chứa bùn thải ngày 9/3 vừa qua. Mỏ khai thác quặng thiếc của Công ty Hồng Bảo Ngọc, Hà An và một số doanh nghiệp khác đều nằm trên đỉnh núi. Nước thải, đất đá và hàng trăm khối bùn thải quặng thiếc đều được đổ trực tiếp về bể thải... và cũng đều ở trên đỉnh núi. Thế nhưng, cũng như Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh, đập chắn các bể thải này chỉ được đắp bằng đất rất sơ sài. Điều này liệu có an toàn cho hạ du hay không thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể khẳng định là không - Ông Tô Xuân Bảo - Cục phó Cục Kỹ thuật AT&MT công nghiệp, Bộ Công thương nói.

Thậm chí như doanh nghiệp này dù khu vực thải quặng nằm ngay lưng chừng núi nhưng đập ngăn cũng chẳng có. Thử hỏi thải quặng sẽ đi về đâu nếu khi có mưa?

Ông Nguyễn Văn Sướng - Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Hà An thừa nhận: Đương nhiên mưa to thì nó tràn rồi. Chúng tôi cũng đã tính được điều đó. Cũng vì cuối năm 2016 thời tiết không thuận lợi nên chúng tôi chưa di chuyển được số thải này. Trước mùa mưa này chúng tôi sẽ chuyển hết.

Cũng phải khẳng định: Các doanh nghiệp khai thác mỏ đều đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường ĐTM. Và theo yêu cầu thiết kế đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, đập chứa bùn thải tại các mỏ khai thác quặng thiếc phải có tràn xả lũ được xây bằng đá hộc, vữa xi măng. Tuy nhiên, hầu hết đập chứa tại các khu vực khai thác mỏ ở Quỳ Hợp đều không thực hiện điều này. Vậy vấn đề hậu kiểm phê duyệt ĐTM lâu nay đã được quan tâm? Theo ông Thái Văn Nông - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An: Có ĐTM rồi nhưng hậu kiểm ĐTM là điều rất quan trọng. Sở sẽ tham mưu cho tỉnh kiểm tra, rà soát chặt chẽ vấn đề này trong thời gian tới. Nếu doanh nghiệp nào không chấp hành thì sẽ phải dừng hoạt động.

tui thai 4
Bể lắng chất thải quặng nằm ở lưng chừng núi chỉ được đắp sơ sài bằng đất

Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Những mỏ chúng tôi đi kiểm tra làm bằng đất là không đảm bảo, không đúng đánh giá ĐTM, thì chuyện nước đổ về là bị vỡ đập sẽ diễn ra thôi. Vậy nên, ngoài đập của công ty kim loại màu Nghệ Tĩnh đã bị vỡ thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT, huyện Quỳ Hợp rà soát lại tất cả các đập của doanh nghiệp còn lại tương tự để phòng ngừa, xử lý sớm các bất trắc có thể xảy ra.
tui thai 5
Toàn cảnh khu vực bể lắng chất bùn thải Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh bị vỡ

Hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 59 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có 13 mỏ khai thác quặng thiếc... Với thực tế hiện nay thì nguy cơ vỡ đập chứa bùn như tại công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh ngày 9/3 không phải không có khả năng xảy ra nếu như vẫn để những túi thải khổng lồ này treo lơ lửng trên đầu người dân mà không sớm có những biện pháp ngăn chặn.

Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Trường Ca

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP