Giáo dục

Bán hồ sơ đầu cấp thu tiền tỷ: Kinh doanh trên nỗi lo của phụ huynh?

Mỗi bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 (gồm cả lệ phí thi) được các trường bán ra dao động từ 300.000 đến 450.000 đồng.

Nhiều trường “hot” trên cả nước có số lượng thí sinh đăng ký lên đến hàng nghìn hồ sơ và số tiền trường thu về lên đến tiền tỷ.

Hàng tỷ đồng để tổ chức một kỳ thi, có hay không việc các trường lợi dụng nỗi lo của phụ huynh để “thổi giá” hồ sơ nhằm trục lợi?

Cuộc đua tốn kém cho phụ huynh

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa học sinh lớp 9 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 đầy cam go, vốn được ví là căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học. Cuộc đua này không chỉ gây hao tổn tâm sức của học sinh, mà còn tốn kém tiền bạc của phụ huynh. Chỉ tính riêng tiền mua hồ sơ, lệ phí đăng ký dự thi, nhiều phụ huynh đã tốn kém đến bạc triệu.

Theo chân chị Thanh Hà (quận Cầu Giấy, phụ huynh đi đăng ký cho con thi vào một số trường “hot” của Hà Nội), phóng viên tận mục và nếm trải những lao lực, lo lắng mà các bậc cha mẹ có con chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 đang trải qua.

Tranh của ĐAN . Nguồn: Lao Động.

Ngày 12/3, trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội) phát hành hồ sơ. Đầu tháng 5, sau khi cân nhắc lực học của con, chị Hà quyết định đến đăng ký. Để có được một bộ hồ sơ của trường này, chị bỏ ra số tiền là 300.000 đồng/bộ (bao gồm cả hồ sơ và lệ phí thi).

Không dừng lại, với tâm lý trượt trường này còn có trường khác, chị đăng ký và nộp hồ sơ tận 3 trường cho con. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), chị phải nộp 350.000 đồng/hồ sơ. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc ĐH Ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội), số tiền chị bỏ ra là 450.000 đồng/bộ.

Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Hoa (tên thay đổi theo yêu cầu của nhân vật, trú ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cũng chi ra tiền triệu để mua hồ sơ đăng ký thi vào lớp 10 cho con. Trong khi chị mệt nhoài vì phải chạy đôn, chạy đáo đi rải hồ sơ, con của chị cũng “chạy bở hơi tai” theo lịch ôn tập dày đặc tại các lò luyện thi cấp tốc.

Lo lắng, căng thẳng đã đành, nhưng điều khiến chị băn khoăn nhất là lệ phí thi của những trường chuyên trực thuộc các trường đại học tại sao lại cao đến vậy.

“Thời điểm tôi đến đăng ký, dù chưa phải là hạn chót nhưng số thứ tự cũng lên đến hàng nghìn, có trường lên đến trên 3.000 thí sinh đăng ký. Nhiều trường còn không giới hạn số lượng hồ sơ bán ra, trong khi chỉ tiêu tuyển chỉ vài trăm học sinh.

Nếu nhân theo số lượng hồ sơ bán ra, số tiền trường thu về để tổ chức kỳ thi vào lớp 10 là vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến tiền tỷ. Tôi không biết họ chi tiêu ra sao, tiền công coi thi, in ấn, chấm thi hết bao nhiêu, nhưng theo tôi tiền hồ sơ và lệ phí thi lên đến hơn 300.000 đồng/thí sinh là quá đắt. Liệu trường có lợi dụng việc này để kinh doanh?” - chị Hoa đặt câu hỏi.

Vì tâm lý muốn con vào học trường danh tiếng, thi vào trường chuyên, lớp chọn, nên năm nào những trường chuyên của Hà Nội cũng có tỷ lệ "chọi" cao chót vót, với cả nghìn hồ sơ dự thi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, trường THPT chuyên Sư phạm có số thí sinh đăng ký dự thi lên đến trên 5.000, trong khi chỉ tiêu của trường chỉ khoảng 530 học sinh.

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội, trong năm học 2017-2018, trường chỉ tuyển 380 chỉ tiêu nhưng đã có đến 3.402 thí sinh đăng ký. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm trước cũng có đến 2.430 thí sinh đăng ký dự thi với tỷ lệ "chọi" là 1/5.

Trong khi đó, trước khi bước vào kỳ thi chính thức, nhiều trường còn tổ chức thi thử vào lớp 10, với chi phí dao động từ 60.000 đồng đến 120.000/môn thi. Vì lo lắng, hầu như phụ huynh nào có con vào lớp 10 cũng cho con thử sức. Trong cuộc đua này, nếu phụ huynh càng tốn kém, các trường càng thu lợi.

Phụ huynh mua hồ sơ tuyển sinh THPT tại trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) sáng 23/5. Ảnh: Hải Nguyễn/Lao Động.

Lệ phí 50.000 đồng/môn đã có “lãi”

Đây là con số được nhiều lãnh đạo trường THPT, đại học nhận định. Lãnh đạo một trường THPT danh tiếng chia sẻ: “Nhà trường đã nhiều lần tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6, vào lớp 10, thi thử THPT quốc gia…, mức chi phí trung bình chỉ khoảng 200.000 đồng/3 môn. Mức chi phí này đã được nhà trường lên dự toán từ “A đến Z” như một kỳ thi thật”.

Chi tiết hơn, người này chia sẻ cụ thể: Một phòng thi 24 học sinh thường hết khoảng 5 triệu/3 môn. Trong đó, các khoản chính như trả phí in sao đề, giấy thi: 10.000 đồng/môn x 3 môn x 24 thí sinh = 720.000 đồng; 2 giám thị trong phòng, 0,5 giám thị hành lang: 168.000 đồng/ngày x 2,5 giám thị x 2 ngày = 840.000 đồng; chi phí chấm thi: 10.000 đồng/bài x 24 thí sinh x 3 môn = 720.000 đồng…

Ngoài ra, một số chi phí khác như hội đồng thi, phí trả cho người ra đề, cơ sở vật chất, bảo vệ, lao công, doanh thu… sẽ nằm ở khoảng 2,7 triệu đồng còn lại.

“Thu 200.000 đồng/3 môn với số lượng thí sinh đăng ký thi chỉ khoảng 1.000 đến 1.200 em, nhà trường đã có khoản gọi nôm na là 'lãi'. Thậm chí, thi thử THPT quốc gia cho học sinh của trường, chúng tôi còn thu 200.000 đồng/4 môn, tức chỉ có 50.000 đồng/môn vẫn thoải mái chi. Càng nhiều thí sinh dự thi, chi phí sẽ càng rẻ đi rất nhiều. Vì thế, thu tới 300.000-450.000 đồng/3 môn thì theo tôi là quá cao” - nữ lãnh đạo này cho biết.

So sánh với chi phí các kỳ thi thử được tổ chức như thi thật khác cũng cho thấy mức phí thi tuyển sinh lớp 10 của các trường nêu trên là khá cao.

Ông Trần Tú Khánh - Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GDĐT cho biết: Hiện không có quy định về phí, lệ phí đối với các trường đã được tự chủ. Theo quy định về giá hiện nay, các trường tự chủ sẽ tự xây dựng mức thu phù hợp và phải công khai trước khi thực hiện thu. H.N -Đ.C

Tác giả: ĐẶNG CHUNG - HUYÊN NGUYỄN

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP