Kinh tế

Bán bớt 'con' thu về 600 triệu USD, Bầu Đức vẫn sóng gió lỗ và nợ

Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vẫn gặp khó cho dù trong năm 2019, đại gia từng giàu nhất Việt Nam đã bán một loạt các công ty cho Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương thu về khoảng 13 ngàn tỷ đồng.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu tăng 426 tỷ lên 836 tỷ đồng nhờ hoạt động bán trái cây diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, HAGL vẫn lỗ ròng hơn 78 tỷ đồng do áp lực chi phí lãi vay lớn.

Trong kỳ, chi phí tài chính của HAGL giảm đáng kể nhờ dư nợ vay được cắt giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao 324 tỷ.

Bên cạnh đó, một yếu tố cũng khiến HAGL lỗ là do hoạt động đánh giá lại tài sản, làm phát sinh một khoản lỗ khác 14 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý 1, nợ phải trả của HAGL là gần 23 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD), trong đó vay ngắn hạn hơn 3 ngàn tỷ đồng, còn vay dài hạn hơn 12 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu là 16,4 ngàn tỷ đồng và tổng tài sản là gần 39,4 ngàn tỷ đồng.

Kể từ đầu tháng 4, cổ phiếu HAG tăng khá mạnh, từ mức 2.500 đồng lên 3.500 đồng/cp như hiện tại. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn đang ở vùng đáy lịch sử, thấp hơn rất nhiều so với mức khoảng 40.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi những năm 2008-2010 hay mức 25-30.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) trong khoảng thời gian 2011-2014.

Doanh nghiệp của Bầu Đức có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019 và đầu 2020.

Trái ngược với HAG, công ty con là HAGL Agrico (HNG) đã có lãi sau 6 quý liên tiếp và doanh thu cũng tăng mạnh. Tập đoàn Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương đã đầu tư và vực dậy doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu trên cả nước này.

Trong năm 2019, Thaco của ông Trần Bá Dương đã chi khoảng 13 ngàn tỷ đồng mua các công ty của HAGL. THADI - một công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của Thaco - đã chi ra hơn 7.600 tỷ đồng để mua lại 3 công ty con của HAGL Agrico là Cao su Đông Dương, Cao su Trung Nguyên và Công ty Đông Pênh. Ba công ty này đang quản lý gần 22.500 héc ta đất nông nghiệp tại Campuchia và tỉnh Gia Lai.

Ngoài các giao dịch mua lại trên, Thaco còn tiến hành chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu qua đó nắm giữ 26,29% cổ phần của HAGL Agrico.

Cho dù vẫn còn khó nhưng quá trình tái cấu trúc của HAG đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mảng nông nghiệp được xem là cứu cánh cho doanh nghiệp của Bầu Đức.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long cũng là một doanh nghiệp đã chuyển sang mảng nông nghiệp khá thành công. Bên cạnh mảng sản xuất kinh doanh thép vẫn là trụ cột, trong quý 1/2020, HPG ghi nhận lợi nhuận mảng nông nghiệp đạt hơn 480 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước.

Mảng nông nghiệp của HPG bắt đầu khởi sắc từ 2019 với doanh thu từ mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tăng mạnh sau khi dịch tả châu Phi bùng nổ. Giá lợn hơi trên thị trường tăng mạnh đã góp phần tăng trưởng doanh thu cho mảng chăn nuôi của Hòa Phát.

Trước đó, một doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh nông phẩm thuần túy là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) đã ghi nhận lợi kỷ lục và ước tính sẽ thu lãi gần ngàn tỷ cho năm 2020 giá giá thịt lợn cao.

Trong 2020, với dự báo nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và ngành thép, BĐS sẽ gặp nhiều khó khăn, HPG đã có định hướng mới, trong đó đáng chú ý là tập trung phát triển ngành chăn nuôi: tăng công suất và sản lượng bò, lợn, trứng gà, nghiên cứu mở rộng chuỗi giá trị về thực phẩm chế biến.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 28/4, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động nhẹ và đang ở quanh mức 760-780 điểm. Các cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 tiếp tục phân hóa.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 760-796 điểm. Chỉ số có thể điều chỉnh vào đầu phiên kế tiếp trước khi tăng điểm trở lại về cuối phiên. Thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong thời gian tới. Thêm vào đó, chỉ số có thể có biến động mạnh, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 do các quỹ benchmark theo rổ VN30 sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục cho quý II.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý II của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/4, VN-Index giảm 5,89 điểm xuống 770,77 điểm; HNX-Index giảm 0,67 điểm xuống 106,3 điểm. Upcom-Index tăng 0,31 điểm lên 51,97 điểm. Thanh khoản đạt 5,1 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP