Nhân ái

Bán bò mẹ, bê con vẫn không lo đủ tiền cứu con gái

Những dòng tâm sự với chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần vì chị không kiềm chế nổi nỗi xúc động khi nhớ lại lúc nghe tin sốc về cô con gái duy nhất. Sau một chặng đường dài gian khó, anh chị có còn đủ sức lo cho con?

Bệnh đau rên xiết

Bé Tou Prong Ly A (4 tuổi người dân tộc K’ho ở thôn Ka Đê, xã K Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị bệnh ung thư máu cầu cứu.

Trước khi tìm ra căn bệnh ung thư máu hiểm ác, gia đình từng phải đưa bé đến gặp nhiều bác sĩ nhưng không tìm ra bệnh. Suốt một thời gian dài, bé Ly A được một viện tư cho uống thuốc bổ máu vì trong xét nghiệm thấy thiếu máu.

Bán bò bán gà cứu con vẫn chưa đủ

Khi thì bé Tou Prong Ly A lại giống như bị dị ứng, da mẩn đỏ, ngứa khắp người, chỉ khi uống thuốc vào giảm được một phần rồi lại tái phát lại. Lúc trở nặng nhất các khớp chân tay sưng tấy, đau nhức suốt đêm, bé Tou Prong Ly A không thể đi được nữa, gia đình vượt tuyến đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Cầm kết quả xét nghiệm, đưa tới phòng bác sĩ khám, chị Tou Prong Ma Nhung sốc nặng khi biết con mình bị bệnh ung thư máu.

Một năm dài đằng đẵng, mẹ con chị Ma Nhung phải sống trong bệnh viện thay vì ở nhà, xấp hóa đơn thuốc ngoài danh mục ngày càng dày lên. Nợ nần chồng chất, gia đình họ lâm vào cảnh bế tắc.

Bò mẹ đã bán, bò con tính bán nốt

Vợ chồng anh Ya Độ và chị Ma Nhung tích góp mua được một con bò về làm giống. Lúc bò mới sinh được một con thì con gái bị bệnh, anh chị đành phải bán bò mẹ. Bà ngoại thương cháu nhưng cũng khó khăn nên có hai chỉ vàng và một con bò cũng bán luôn giúp cháu. Có sổ đỏ, mẹ bé Ly A mượn nốt để cầm cố lấy 20 triệu đồng lo cho con. Con bê chưa tròn 1 tuổi cũng đang được rao để cố thêm đồng nào hay đồng ấy.

Nhìn vào thu nhập hiện tại của gia đình thì hầu như không có khoản thu nào khác ngoài tiền làm thuê của anh Ya Độ. Chỉ khi nào con khỏe, anh Ya Độ mới tranh thủ về làm được ít ngày. Đến đợt truyền thuốc, anh lại tất tả vào viện chăm con phụ vợ.

Hai vợ chồng anh Ya Độ có 3 sào đất trồng cà phê, tuy nhiên cà phê mới trồng được hơn 2 năm nên chưa có thu hoạch. Tiền làm ra không có, anh chị bế tắc không cách nào xoay sở được tiền cứu con.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Ma Nhung rơm rớm nước mắt nói: “Không phải đến khi cháu bị bệnh vợ chồng em mới nợ đâu. Trước đầu tư vào trồng cà phê, nguồn nước tưới xa, nên trồng bị chết, trồng đi trồng lại mới được. Gây được hai con bò tính để bán trả nợ, chưa trả được thì con bệnh. Suốt thời gian qua làm không đủ toàn phải vay mượn, bà ngoại có bao nhiêu lo hết cho cháu rồi. Giờ trong nhà chỉ còn hai tài sản gọi là có giá đó là, con bê con và chiếc xe máy rách nát. Con bê rao bán mà họ trả mới được 6 triệu còn tiếc của chưa bán”.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

1. Gửi trực tiếp: anh Ya Độ, thôn Ka Đê, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. SĐT: 0167 2296 139

Tác giả: Đức Toàn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP