Trong nước

Bài phỏng vấn 38 chữ và phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Tháng 5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo FRÈRES D’ARMES. Sau đây là toàn văn các câu hỏi và các câu trả lời đăng trên báo Cứu quốc, Chi nhánh số 6, số 938, ngày 25-5-1948 ( *).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với nhà quay phim tài liệu Liên Xô Roman Karmen tại Việt Bắc, tháng 7/1954 - Ảnh tư liệu

“- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Trả lời: Điều ác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

- Trả lời: Điều thiện.

- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?

- Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất?

- Trả lời: Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”.

Thật thú vị!

Người hỏi đưa ra 30 chữ, Bác trả lời 38 chữ. Thật ngắn gọn. Ngắn, nhưng đủ những nội dung cơ bản. Ngắn, nhưng hay, hấp dẫn. Riêng tôi, tôi thấy thêm rằng, trả lời như Bác như vậy là không rườm rà thường thấy như cái cách mà không ít chính khách hay dùng mỗi khi trả lời phóng viên báo chí.

Thật đúng phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Phong cách này rõ nhất ở ba điểm:
1) Ngắn gọn/súc tích;
2) Đủ những thông tin cơ bản;
3) Hấp dẫn.

Thời đại công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay cũng vậy thôi, ba điểm này vẫn là yêu cầu cấp thiết của người làm báo. Thời buổi hối hả của bao nhiêu là việc, càng cần ngắn gọn. Nhưng ngắn gọn mà cộc lốc thì thật vô duyên. Ngắn gọn mà đủ thông tin cần thiết mới là cái ngắn gọn cần có. Ngắn gọn như Bác trả lời trên đây là đi liền với súc tích. Rồi nữa: Báo chí cũng như những trang viết của các thể loại khác lại phải có sự hấp dẫn. Nó không đơn thuần là tin tức, mà phải qua thủ pháp “bắt mắt”, “bắt tai”, để gây ấn tượng thích thú cho người đọc, người xem. Như thế, đủ thấy 38 chữ mà Bác trả lời trên đây thật chuẩn, đáp ứng cả ba điểm đó.

Phong cách không phải là tính bẩm sinh của con người mà nó chỉ được hình thành qua sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi và định hình qua quá trình sống của con người. Do đó, phong cách làm báo của Bác được hình thành và kết tinh từ cả quá trình hoạt động cách mạng.

Phong cách đó là bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ di sản tinh thần mà Bác để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam. Đó là phong cách của con người có đức dày, có tâm lành, có trí sáng, có tầm cao trí tuệ, có nhân cách lớn, có ý chí lớn lao.

Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện bởi một con người với tư cách là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản, công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh chung trên toàn thế giới vì sự tiến bộ xã hội. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện sự kết tinh từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, thể hiện trong 3 sự nghiệp giải phóng của Người: Giải phóng dân tộc; giải phóng xã hội - giai cấp; giải phóng con người.

Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trên một hệ thống mà hệ thống này là sự tổng hợp từ những hoạt động phong phú, đa dạng của Người trên không gian rộng, thời gian khác nhau, ở rất nhiều lĩnh vực, ở rất nhiều vị trí công việc khác nhau. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện cái riêng của Người nhưng không xa lạ với người dân Việt Nam yêu nước. Phong cách Hồ Chí Minh, vì vậy, mang tính lan tỏa tác động tích cực tới hành động của người Việt Nam yêu nước các thế hệ sau. Với ý nghĩa đó, phong cách Hồ Chí Minh là một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam, đồng thời là giá trị hợp thành nền văn hóa Việt Nam.

Có lẽ chính vì vậy nên Bác Hồ đã học làm báo (cả viết báo và quản lý tờ báo) rất có hiệu quả. Mà đó là tự học, chứ không qua bất cứ một trường lớp dạy làm báo quy củ nào ở cả trong nước và quốc tế. Tự học mà thành tài! Tự học nhưng đạt tới trình độ cao đối với người làm báo.

(*) Sách Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội in lại năm 2011, tại tập 5, trang 522

Tác giả: GS.TS. Mạch Quang Thắng

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP