Thế giới

'Bậc thầy đàm phán' Trump gây hoang mang tại G7

Trump luôn tự hào về khả năng đàm phán của mình, nhưng những gì ông thể hiện ở G7 khiến nhiều người hoài nghi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz, Pháp, hôm 26/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức cuộc họp báo trong hơn một giờ, đề cập đến những vấn đề quan trọng ông đã thảo luận với các lãnh đạo của nhóm. Tuy nhiên, bình luận viên Fred Kaplan của Slate cho rằng những gì Trump thể hiện trong hội nghị G7 lần này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh "nhà thương thuyết tài ba" mà Tổng thống Mỹ đã xây dựng.

Theo Kaplan, trước khi tới Biarritz, Trump thường xuyên nhắc tới chiến lược "gây sức ép tối đa" với Trung Quốc và Iran. Nhưng Tổng thống Mỹ đã cho thấy rằng từ nói tới làm là một khoảng cách lớn.

Trao đổi với các phóng viên bên lề G7, Trump dường như bị hớ khi thừa nhận "cảm thấy hối tiếc" về việc leo thang đòn áp thuế chống lại Trung Quốc, để rồi sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phải "chữa cháy" bằng cách giải thích rằng Trump hối tiếc vì không áp thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc.

Trump còn tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại với Tehran và gặp mặt Tổng thống Iran Hassan Rouhani để giải quyết bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, nhưng ý tưởng này nhanh chóng bị Rouhani thẳng thừng cự tuyệt.

Tương tự, Trump từng nói ông có thể ra lệnh cho các công ty Mỹ ngừng làm ăn với Trung Quốc. Nhưng tại G7, ông lại nhận xét Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "một lãnh đạo tuyệt vời" và nếu ông Tập đạt được thỏa thuận sớm với Mỹ, các công ty Mỹ nên ở lại Trung Quốc.

Kaplan đánh giá thông điệp mà Trump đưa ra tại hội nghị G7 là "hỗn loạn và gây hoang mang". Lập trường dao động của Trump sẽ gây khó cho các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc vì họ không biết phải hoạch định kế hoạch kinh doanh như thế nào trong vài tháng hay vài năm tới.

Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008, viết trong một bài bình luận trên tờ New York Times rằng chủ nghĩa bảo hộ dù tiêu cực đến đâu vẫn có thể xử lý được, nhưng "chủ nghĩa bảo hộ thất thường" là nguồn cơn gây ra tình trạng hỗn loạn và đổ vỡ trên thị trường.

Lập trường thất thường của Trump không chỉ khiến ngành tài chính và công nghiệp mệt mỏi ứng phó mà còn làm méo mó chính sách ngoại giao và gây tổn hại tới lợi ích Mỹ.

Tại cuộc họp báo sau khi hội nghị G7 kết thúc ở Pháp, khi được hỏi về lập trường "giật tới, giật lui" về thương mại với Trung Quốc, Trump trả lời rằng: "Đó là cách tôi đàm phán. Nó rất hiệu quả đối với tôi trong nhiều năm và nó thậm chí đang có hiệu quả hơn đối với đất nước chúng ta".

Nhưng theo Kaplan, chiến thuật đàm phán này thực tế không mang lại nhiều hiệu quả đối với Trump trong những năm qua cũng như không có tác dụng trên sân khấu chính trị quốc tế đầy phức tạp.

Theo các chuyên gia, để chiến lược "gây sức ép tối đa" phát huy hiệu quả, Trump phải kiên trì thực hiện quan điểm nhất quán này trong đàm phán. Tuy nhiên, mỗi khi chiến thuật gây sức ép khiến Bắc Kinh hay Tehran lo ngại ở chừng mực nào đó, Trump lại dịu giọng, xuống thang, giúp họ thấy nhẹ nhõm và yên tâm chờ đợi đến lúc khủng hoảng qua đi, hay thời điểm Trump mãn nhiệm.

Kaplan nhận định vấn đề cơ bản với lập trường không nhất quán của Trump là không biết rõ những gì ông muốn, khiến đối phương cũng không biết ý định thực sự của ông là gì. Nếu ông Tập muốn chấm dứt chiến tranh thương mại, ông cũng không rõ phải làm gì để Trump chấp nhận một thỏa thuận. Tổng thống Rouhani cũng không biết rõ Iran cần đáp ứng những yêu cầu nào để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Trong cả hai trường hợp, Trump phá bỏ hiện trạng bằng cách áp đặt đòn thuế khổng lồ với Trung Quốc, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran, chỉ với niềm tin đơn giản rằng đối phương sẽ hàng phục trước quyền lực Mỹ và sức mạnh đàm phán của ông.

Trump không có kế hoạch dự phòng, không có danh sách ưu tiên về những gì ông sẵn sàng đánh đổi trong một số thỏa thuận và cũng không nghĩ rằng thỏa hiệp là điều cần thiết.

Bắc Kinh bị Washington cáo buộc ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ từ các công ty Mỹ và có các thủ đoạn thương mại bất công. Nhiều tổng thống Mỹ tiền nhiệm không tìm cách chấn chỉnh tình trạng này, song việc áp thuế 25% nhằm vào tất cả hàng hóa Trung Quốc cũng không giải quyết được vấn đề và thực tế còn làm xao nhãng nỗ lực tìm kiếm giải pháp.

Iran bị cáo buộc tài trợ cho các nhóm khủng bố và phát triển tên lửa đạn đạo đe dọa những đồng minh của Mỹ, nhưng việc Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 cũng không khiến những mối đe dọa này giảm bớt, thậm chí còn đẩy cao căng thẳng ở Vùng Vịnh.

Kaplan cho rằng quan điểm bất nhất của Trump với các đối thủ đang "gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ nhiều hơn mức ông ấy nhận ra" và một số nước như Trung Quốc và Nga có thể tác động để gây chia rẽ thêm giữa Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, Trump vẫn tin rằng hội nghị G7 là một "thành công đích thực" và các nước thành viên đã thể hiện sự "đoàn kết thật sự" trong những vấn đề thảo luận. Ông tái khẳng định niềm tin rằng Trung Quốc chân thành trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

"Hội nghị thượng đỉnh G7 là một thành công lớn với Mỹ và mọi người. Thông tin trên truyền thông không liên quan tới những gì đã thực sự diễn ra ở Pháp - tin giả. Hội nghị thật tuyệt vời", Trump viết trên Twitter sau đó.

Tác giả: Hồng Vân

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: G7 ,Trump

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP