Pháp luật

Bác sĩ Hoàng Công Lương khai được điều tra viên 'mớm cung'

Bị cáo Lương phủ nhận lời khai ở cơ quan điều tra, khẳng định những điều trình bày tại tòa mới là sự thật.

Ngày 23/5, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Hoàng Công Lương để làm rõ trách nhiệm quản lý ở đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Lương bị cáo buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định song sáng 29/5/2017 không kiểm tra mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân. Việc này khiến xảy ra sự cố và 9 bệnh nhân đã tử vong.

Theo cơ quan công tố, Lương cũng buộc phải báo cáo lãnh đạo sau khi thiết bị sửa chữa rồi mới đưa vào vận hành. Tuy nhiên, suốt sáu ngày xét hỏi, Lương liên tục phản bác nội dung buộc tội trên, cho rằng không được giao nhiệm vụ quản lý, trách nhiệm của anh ta chỉ là chữa trị cho bệnh nhân.

Ba bị cáo tại phiên tòa ngày 23/5, Hoàng Công Lương đứng ngoài cùng bên trái. Ảnh: TTXVN

Trả lời thẩm vấn tại toà sáng nay, Lương một lần nữa khẳng định không được ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện Hoà Bình, Trưởng khoa hồi sức tích cực) giao nhiệm vụ quản lý ở đơn nguyên thận nhân tạo bằng văn bản cụ thể. Thấy mình có chuyên môn, kinh nghiệm hơn hai bác sĩ còn lại ở cùng đơn nguyên nên ngày 29/5/2017 Lương đã ký xác nhận vào tờ ra y lệnh điều trị cho bệnh nhân.

Trả lời câu hỏi của luật sư Hoàng Ngọc Biên tại tòa, bị cáo Lương cho biết đã bị “mớm cung, dụ cung trước sự chứng kiến của đại diện viển kiểm sát ở cơ quan điều tra”. Lương khẳng định lời khai này tại toà là đúng sự thật, khách quan.

Nam bị cáo cho biết thêm, từng được điều tra viên đưa ảnh chụp cuốn sổ giao ban trên điện thoại và lời khai của trưởng khoa. Anh sau đó đã nhìn theo và viết lại y nguyên. Vì thế lời khai của Lương và ông Khiếu giống từng chữ và dấu câu.

Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa phủ nhận lời khai của Lương, cho rằng lúc lấy lời khai có sự tham gia của đại diện viện kiểm sát. "Không có việc đưa cho Lương xem sổ họp giao ban và lời khai của ông Khiếu để khai theo", điều tra viên Nghĩa trình bày trước tòa và cho hay tại cuối biên bản nam bác sĩ cũng viết những lời khai đã viết là đúng sự thật, khách quan.

Đánh giá việc này, cơ quan công tố cho rằng, trong lúc lấy lời khai sau khi thu giữ sổ giao ban, nếu điều tra viên và kiểm sát viên đưa cho bị cáo Lương xem để xác nhận ngày phân công nhiệm vụ là việc làm "hoàn toàn khách quan".

Luật sư: Bệnh viện Hòa Bình chạy thận không phép suốt 6 năm

Trả lời thẩm vấn tại toà sáng nay, ông Đỗ Đình Vận (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, năm 2010 bệnh viện có quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo và đi vào hoạt động ngay sau đó. Việc thành lập này phải được sự đồng ý của Sở Y tế. Hàng năm, lãnh đạo bệnh viện cũng đăng ký các danh mục kỹ thuật mới để Sở Y tế bổ sung.

Khi được hỏi về giấy phép hoạt động, ông Vận nói không nắm được và uỷ quyền cho luật sư Nguyễn Danh Huế trình bày.

Ông Huế cho biết, năm 2016 Bệnh viện đa khoa Hoà Bình được Sở Y tế phê duyệt một số danh mục vận hành bổ sung liên quan đến lọc máu. Ông Huế cho rằng, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế cấp cho bệnh viện trước đó bị thiếu phần lọc máu liên quan đến chạy thận nhân tạo.

Các luật sư tại phiên toà. Ảnh: Phạm Dự.

Luật sư Trần Thị Hồng Phúc đặt vấn đề: "Năm 2016 mới thay đổi giấy phép thì trong 6 năm bệnh viện hoạt động lọc máu dưới sự chỉ đạo của ai hay có cấp giấy phép nào không?". Ông Huế đáp: Tất cả hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo đều do nguyên giám đốc Trương Quý Dương chỉ đạo trực tiếp.

Khi thấy giấy phép chưa hoàn thiện, năm 2014 bệnh viện mới làm công văn xin Sở Y tế Hoà Bình cấp thêm. Hai năm sau, bệnh viện được phê duyệt bổ sung thêm danh mục kỹ thuật về lọc máu.

Tại các phiên xử trước đó, nhiều luật sư đều đề nghị triệu tập ông Trương Quý Dương đến toà để đối chất các vấn đề và trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ và cho rằng ông Dương là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên có thể "không cần thiết phải đến toà". Ông Dương những ngày sau đó cũng không xuất hiện và uỷ quyền cho luật sư đến toà.

Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, khi lấy lời khai, cơ quan điều tra đã không xác định ông Trương Quý Dương là người liên quan, nhân chứng hay bị can. "Việc này đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng", ông Thiệp nói và phân tích, nếu ông Dương được xác định là nhân chứng thì sẽ bị "áp giải đến toà" trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, ông Dương chỉ là người có nghĩa vụ liên quan nên có thể không đến vì thế nhiều uẩn khúc trong vụ án sẽ không thể được làm rõ.

Ngày 23/5, VKS thành phố Hoà Bình đề nghị toà tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc mức án 5 -6 năm tù về tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn (cán bộ vật tư tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình) án 4-5 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Công Lương (bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình) 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian thử thách là 5 năm.

Tác giả: Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP