Kinh tế

Bác bỏ thông tin gạo Việt Nam không đạt chất lượng

Trước nhận xét “90% người Việt Nam ăn gạo bẩn”, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối. Ngay cả dư luận cũng không đồng tình trước nhận xét này vì nếu gạo Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chúng ta không thể trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Tại tọa đàm trực tuyến “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA: Hàng Việt cần gì” mới diễn ra ngày 3-9 vừa qua, lời phát biểu của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã gây “bão” dư luận với nội dung: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn. Nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường,... ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo".

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Phản đối phát biểu trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét hàm hồ, mang nặng cảm tính.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt, ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua”, ông Cường nhấn mạnh.

Nêu dẫn chứng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo vẫn được coi là điểm sáng với sản lượng xuất khẩu tới 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.

Theo ông Cường, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận. "Không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng”, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định.

Cùng chung quan điểm, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không công bằng cho gạo Việt và làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua. Từ chỗ mỗi năm chúng ta chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực giờ đã thành quốc gia xuất khẩu lương thực vào hạng đầu trên thế giới với sản lượng, giá gạo của Việt Nam cũng được đẩy lên rất cao.

Theo TS Nguyễn Kim Sơn, trên thị trường thế giới, gạo Việt đang cạnh tranh tốt, nếu có vấn đề gì về chất lượng thì cũng không thuộc vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm mà chỉ là về mặt hình thức, gạo không trong, không dài, độ gãy không như yêu cầu phía đối tác. “Vì vậy, nói 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không có căn cứ, không thỏa đáng, bởi thực tế suốt nhiều năm xuất khẩu gạo cho thấy, an toàn thực phẩm không phải là vấn đề lớn với gạo Việt”, ông Sơn chia sẻ quan điểm.

Tác giả: Trúc Linh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP