Du lịch

Ba ngôi chùa độc đáo để ghé thăm trong ngày Phật đản ở Sài Gòn

Chùa Một Cột hơn 50 tuổi hay tu viện mang phong cách Nhật Bản là chốn bạn tìm chút tĩnh lặng ở thành phố.

Tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Phước Lâm hay chùa Phước Lâm còn có các tên gọi khác như: Cẩm Sơn tự, Sơn Can tự hay Cẩm Đệm tự. Nơi này được cư sỹ Lý Thuỵ Long xây dựng vào năm 1744. Đây được xem là một trong số ít ngôi chùa cổ còn sót lại ở Sài Gòn. Ảnh: Phong Vinh.

Chính điện được xây theo kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Chùa đã trải qua 3 đợt trùng tu. Bên trong điện khá rộng và sâu, có tổng cộng 98 cột chống đỡ, 113 pho tượng cổ là các tượng Quan Thế Âm, Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương, Bồ Đề Đạt Ma và Long Vương.

Địa chỉ: 565 Lạc Long Quân, Phường 10, quận Tân Bình. Ảnh: Phong Vinh.

Ngôi chùa hiện được đông đảo du khách nước ngoài viếng thăm. Video: Phong Vinh.

Chùa Một Cột

Chùa Nam Thiên Nhất Trụ hay chùa Một Cột xây dựng năm 1958 bởi Hòa thượng Thích Trí Dũng. Công trình kiến trúc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này được xây trên mảnh đất rộng chừng một hecta, phỏng theo chùa Một Cột ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Du khách sẽ bắt gặp hình ảnh ngôi chùa nhỏ xây trên một chiếc cột ngay từ khi bước qua cổng chùa. Cây cột này cao khoảng 12 m, còn diện tích mặt hồ là 600 m2. Hồ nước này có còn có tên Long Nhãn, tức hồ mắt rồng. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nếu chùa ở Hà Nội được xây từ gỗ lim thì Nam Thiên Nhất Trụ làm bằng bê tông, cốt thép. Du khách và Phật tử đến đây sẽ chiêm bái trong chánh điện có kết cấu ba gian, gian giữa thờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, hai gian bên thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Địa Tạng Bồ Tát. Trong sân chùa có nhiều cây cảnh, bông sai đẹp mắt, nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi.

Địa chỉ: 100 Đặng Văn Bi, Bình Thọ, quận Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tu viện Khánh An

Tu viện có lịch sử trăm năm này khởi đầu là ngôi chùa nhỏ được xây bởi Tổ sư Trí Hiền vào năm 1905. Chùa trải qua đợt trùng tu lớn dài 6 năm từ năm 2006 sau bao thăng trầm. Khi hoàn thành, chùa đổi tên thành tu viện Khánh An như hiện tại. Ảnh: Quỳnh Trần.

Khánh An mang phong cách của Phật giáo Bắc Tông, đậm nét kiến trúc Á đông. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ấn tượng nhất là nét kiến trúc tựa như những ngôi chùa ở đất nước mặt trời mọc. Từ chất liệu bằng gỗ, màu sơn cho đến những trang trí, tiểu cảnh đều toát lên hình ảnh của Nhật Bản. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tu viện là nơi chiếm bái cho Phật tử thập phương. Nhiều du khách, bạn trẻ cũng tìm đến đây để tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Địa chỉ: cạnh Quốc Lộ 1A thuộc phường An Phú Đông, quận 12. Ảnh: Hoang Kieu Nhi.

Tác giả: Di Vỹ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP