Kinh tế

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tung “lược sử hình thành Trung Nguyên”

Sau khi phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ phủ nhận thông tin bà Lê Hoàng Diệp Thảo có công lớn xây dựng Trung Nguyên, bà Thảo đã chia sẻ lên trang facebook cá nhân vào chiều 25/2 về “lược sử hình thành Trung Nguyên” trong đó có vai trò quan trọng của mình.


Bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo bà Thảo, sự thật Trung Nguyên ngày nay là công sức của 2 vợ chồng cùng khởi nghiệp, đồng thời đưa ra 4 giai đoạn hình thành nên tập đoàn này.

Giai đoạn 1, bà Thảo kể, từ năm 1994 hai người quen nhau khi ông Vũ còn là sinh viên Y khoa, cùng có một mối quan tâm chung đến cà phê và cùng bàn nhau khởi nghiệp từ cà phê,…

Tiếp đến, năm 1995, bà Thảo khuyên ông Vũ đưa ba mẹ từ quê nhà (Cư M'ta, huyện MD'rak, tỉnh Đắk Lắk) lên TP. Buôn Ma Thuột. Lúc này ba má ông Vũ đang là công nhân của Xí nghiệp gạch 20 của huyện Cư M'ta, huyện MD'rak, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1996, cơ sở Trung Nguyên ra đời với số vốn đăng ký vỏn vẹn 2 triệu đồng. Một năm sau đó, năm 1997 vì không nghe lời khuyên của bà Thảo, ông Vũ xuống Long Xuyên mở quán cà phê và trở về trắng tay sau đó chỉ 6 tháng.

“Cũng từ bước ngoặt này, năm 1998, tôi nhận lời cầu hôn của anh và góp vốn xây dựng Trung Nguyên,” bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định.

Giai đoạn 2, là giai đoạn chính thức ra đời Trung Nguyên với tên gọi Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên vào năm 1999.

Đăng ký kinh doanh của Chi nhánh HTX Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên do bà Thảo cung cấp.

“Trong hơn 1 năm, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Năm 2001, sau trong chuyến công tác tại Đức, tôi bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan. Xưởng sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên ở số 204 Bùi Thị Xuân. Từ 2003 – 2011, G7 trở thành thương hiệu cà phê hòa tan số 1 Việt Nam dựa trên sản lượng bán ra của cả 3 thương hiệu mạnh nhất tại thời điểm đó. Năm 2004, tôi phụ trách điều hành chính việc xây dựng hai nhà máy ở Buôn Ma Thuột và Bình Dương. Cả hai đều xây trong vòng 3 tháng,” bà Thảo kể về tài “kinh bang tế thế” của mình.

Giai đoạn 3, theo bà Thảo, là giai đoạn Trung Nguyên phát triển “như vũ bão” và vươn ra thế giới. Trong thời gian từ năm 2006-2014, Tập đoàn Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ với doanh số tăng trưởng từ mức 1.223,6 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức 4.177 tỷ đồng trong năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 22,7% năm. Cùng với tăng trưởng về doanh số, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên cũng ở mức đỉnh cao, đặc biệt vào năm 2014 với lợi nhuận sau thuế là 1.193,1 tỷ đồng – cao nhất của tập đoàn từ trước đến nay.

Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này duy trì ở mức cao trên 52,6% năm, từ quy mô tổng tài sản 397,2 tỷ đồng (năm 2008) lên mức 5.024,5 tỷ đồng (năm 2014).

“Với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên, tôi trực tiếp kiểm soát, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của hệ thống Trung Nguyên từ bên trong. Còn anh thì giữ vai trò phát triển đối ngoại – truyền thông ra bên ngoài cho Tập đoàn. Chúng tôi cũng muốn báo hiếu gia đình bên nội bằng cách tặng cho người thân của anh một số cổ phần. Giấy tờ ngân hàng về việc chuyển tiền góp vốn vẫn còn nguyên vẹn,” bà Thảo cho hay.

Sau giai đoạn phát triển rực rỡ trên, mối quan hệ của hai vợ chồng có sự rạn nứt, bà Thảo gọi giai đoạn này là “biến cố Trung Nguyên”. Năm 2014, sau khi kết thúc 49 ngày thiền và nhịn ăn tại trang trại M’dark (Dak Lak), ông Vũ lên núi ẩn tu, rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.

Tháng 4/2015, Trung Nguyên bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Thảo. Tuy nhiên, riêng trong hoạt động kinh doanh quốc tế, bà Thảo vẫn tiếp tục điều hành công ty Trung Nguyen International tại Singapore. Cũng từ thời gian đó cho đến nay, mọi hoạt động hàng ngày của Trung Nguyên đều giao cho cấp dưới quản lý.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố nhóm nhân viên điều hành đã thao túng, lũng đoạn tập đoàn, liên tục tạo ra các tranh chấp pháp lý, khiến Trung Nguyên thất thoát, rối loạn và kết quả kinh doanh ngày càng tụt dốc.

“Tôi buộc phải làm đơn ly hôn như một biện pháp ngăn chặn sự thất thoát của Trung Nguyên do anh hầu như không xuất hiện tại công ty để điều hành doanh nghiệp, cũng như không hồi âm, trả lời", bà Thảo nói lý do đưa đơn và vụ xử ly hôn kéo dài với tranh luận chưa biết hồi kết.

Tác giả: Ngân Giang

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP