Kinh tế

Bà Diệp Thảo: Vụ kiện ở Singapore chỉ là cái cớ buộc tôi phải đầu hàng

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần Trung Nguyên International chỉ để tái cấu trúc tập đoàn và giá trị của nó rất nhỏ trong toàn bộ tranh chấp của vợ chồng.

Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện, đã khởi kiện Công ty Trung Nguyen International (TNS), được đại diện bởi bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tòa án Singapore, cho rằng bà Diệp Thảo đã giả chữ ký, trộm con dấu để chuyển giao trái phép và gian lận 7.520.800 cổ phiếu của ông Vũ, gây thiệt hại cho nguyên đơn.

Phản hồi về vụ việc, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng vụ kiện này là vô lý, vì “khởi kiện mình về chiếm đoạt tài sản của chính mình”.

Bà Diệp Thảo nói mình không bao giờ ký chữ ký của người khác. Việc tuân thủ pháp luật là cơ bản nhất mà một doanh nhân cần phải làm. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng theo bà Thảo, thông tin về vụ việc có chiều hướng sai lệch, ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín của bà. Bà Thảo cho hay việc khởi kiện đó là không có cơ sở, chỉ nhằm triệt hạ uy tín của người sáng lập là bà, để buộc bà phải đầu hàng.

Bà Thảo kể năm 2010, bà sinh con thứ 4. Trong thời gian này, bà vẫn giữ vai trò Phó tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên. Năm 2011, theo đề nghị của ông Vũ, bà Diệp Thảo đồng ý chuyển TNS vào hệ thống các công ty thuộc TNG, để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành tập đoàn. Việc chuyển nhượng này chỉ là chuyển nội bộ trong gia đình, trong cùng tập đoàn vì hai vợ chồng nắm giữ 93% số cổ phần của TNG.

Ngày 11/1/2011, bà Diệp Thảo và TNG ký hợp đồng chuyển nhượng. Trong hợp đồng ghi rõ bà Diệp Thảo là Tổng giám đốc TNS và đại diện duy nhất của TNS, đang nắm giữ 520.800 cổ phần (mệnh giá 520.800 SGD) mong muốn chuyển nhượng số cổ phần trên cho TNG.

“Trên thực tế, tôi là người ký hợp đồng bán TNS nhưng cũng chính là người ký thanh toán cho chính mình (đính kèm hợp đồng chuyển nhượng). Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng TNS này chỉ là hình thức để tái cấu trúc tập đoàn”, bà Thảo cho biết.

Vợ chồng người sáng lập cà phê Trung Nguyên liên tiếp đối diện với những kiện tụng, tranh chấp nhiều năm nay. Đồ họa: Nhân Lê.

Khi xảy ra tranh chấp, ngày 29/9/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã nhận định hợp đồng chuyển nhượng được ký ngày 11/1/2011 không có giá trị pháp lý, vì không phù hợp với các nguyên tắc căn bản của luật pháp Việt Nam. Trong khi đó, Tòa án Singapore cũng đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện của TNG, để chờ kết quả xét xử của Tòa án Việt Nam.

Trước đó, ông Đặng Lê Nguyễn Vũ trao đổi với báo chí cho biết, vợ ông giả mạo chữ ký, bán toàn bộ cổ phần công ty ở Singapore lấy... 1 đôla Singapore.

Phản hồi về vấn đề này bà Thảo cho biết việc bán các cổ phần với giá tượng trưng 1 đôla Singapore đã được 2 bên thỏa thuận. Giao dịch này hoàn toàn được chấp nhập ở nước ngoài, khi hai bên có mối quan hệ đặc biệt là vợ chồng, và đều sở hữu khối tài sản chung ở TNG. Cơ quan ACRA của Singapore đã chấp thuận giao dịch này, và chuyển lại cho bà là chủ sở hữu TNS vào ngày 10/7/2015.

“Tôi đồng ý đưa TNS vào tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, và chấp nhận chia cho ông Vũ trong phiên tòa ly hôn sắp tới. Tôi không bao giờ ký chữ ký của người khác. Việc tuân thủ pháp luật là việc cơ bản nhất mà một doanh nhân cần phải làm!”, bà Diệp Thảo nhấn mạnh.

Bà Diệp Thảo cũng chỉ ra những điểm bất thường, phi lý trong lập luận của TNG, đó là giá trị của TNS không đáng kể so với toàn bộ tài sản tranh chấp của hai vợ chồng. Vậy tại sao TNG lại rất quan tâm đến vụ kiện này, trong khi trước đây ông Vũ giao hoàn toàn cho bà quản lý mảng kinh doanh quốc tế. Điều này cần phải tìm hiểu thấu đáo.

Tác giả: Bình Nguyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP