Trong tỉnh

Anh sơn - Nghệ An: Mảnh đất của của “cát tặc”

Anh Sơn là một huyện thuộc miền tây xứ Nghệ, nơi có con sông Lam chảy qua, thị trấn Anh Sơn lại nằm trên quốc lộ 7. Cái đó vô tình đã tạo điều kiện cả thiên thời và địa lợi để “cát tặc” lộng hành trong sự bất lực của chính quyền sở tại.

Theo thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) có đến 12 mỏ và bến cát khai thác dọc sông Lam. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2019, mới chỉ có 3 mỏ khai thác cát có giấy phép khai thác và bến thủy nội địa, 3 mỏ cát có giấy phép nhưng không có giấy phép bến thủy nội địa. Còn lại là các mỏ cát hoạt động chui lủi, lén lút. Như vậy có tới 6 bến tập kết cát sỏi không có bất kỳ một giấy tờ gì “lận lưng”. Kéo theo đó là hàng chục tàu và xa lan ngày đêm “trộm” cát trên dòng sông Lam, biến huyện Anh Sơn thành điểm nóng của nạn “cát tặc”.

Cát được hút trực tiếp từ xà lan lên xe.

Trong đó xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn ( Nghệ An) trở thành điểm nhức nhối, ung nhọt của nạn tặc này. Từ những phản ánh của người dân trên địa bàn xã, nhóm PV chúng tôi đã có chuyến công tác để nắm tình hình. Nhận thấy chỉ một khúc sông ngắn chảy qua địa phận xóm 5 xã Cẩm Sơn, có tới ba điểm tập kết cát sỏi không phép. Tại điểm của ông Đình ( một người dân cho biết tên), có công khóa cẩn thận, chỉ mở khi có xe ra vào. Còn tại một điểm khác, khi Pv có mặt thấy một chiếc xe đang bơm cát trực tiếp từ xà lan lên còn một chiếc đang nằm chờ, trên sông còn có 2 chiếc xà lan đầy cát đang xuôi dòng sông. Một người phụ nữ tự xưng là Lợi, giới thiệu mình là chủ xà lan, bến này là của chị Lý, người đàn ông chủ chiếc xe tải tiến tới hỏi chúng tôi “mua cát ở đây có can chi không chú”.

Theo quan sát của PV, những bến cát này nằm sát bãi bồi ven sông, bãi bồi này là nơi sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân xóm 5, xã Cẩm Sơn. Các bến cát tự phát này đều có đường nối từ quốc lộ 7 ra tận bờ sông. Việc khai thác cát trái phép ngay sát bờ sông không chỉ làm cho bãi đất sản xuất bị xói lở, gây mất một phần đất sản xuất của người dân khiến cho nhiều hộ dân vô cùng bức xúc. Mà còn gây thất thoát tài nguyên môi trường, xe tải chở đầy cát ướt ( do được bơm trực tiếp từ tàu) ngày ngày vào “ăn hàng” sau đó tỏa đi khắp nơi con góp phần làm hư hỏng hệ thống đường xá do chở quá trọng tải cho phép.

Nhiều tàu cát ngược xuôi dòng sông Lam

Mang những thực trạng này trao đổi qua điện thoại với ông Đậu Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, ông cho biết “ Vừa mới bắt đó và anh giao giời mà bắt được là khởi tố, Hắn cứ toán lợi dụng vào ngày nghỉ và buổi tối để làm” ông còn phân trần thêm “ Còn mấy tháng nữa là nghỉ, quấn nớ mần anh đau trốc quá”. Còn ông Đặng Duy Đô, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Anh Sơn cho biết “ Chỗ dốc Bậm, anh vừa đi kiểm tra có ba điểm vi phạm và sẽ phát văn bản để giao cho xã Cẩm Sơn xử lý. Anh đi kiểm tra nhưng không thể xử lý được, anh đi đến mô là hắn trốn hết. Giai đoạn ni chủ tịch xã gần nghỉ, nên lèn nhèn lắm, bọn anh chỉ đạo cũng khó lắm”.

Thực trạng khai thác cát sỏi trái phép trên dòng sông Lam đoạn chảy qua địa phận huyện Anh Sơn nói chung và xã Cẩm Sơn nói riêng. Diễn ra không chỉ mới ngày một ngày hai, mà diễn ra từ nhiều năm nay. Các cấp ban ngành của chính quyền sở tại cũng đã lập nhiều đoàn kiểm tra, cũng đã xử phạt nhiều lần. Nhưng không hiểu tại sao tình trạng này không thể giải quyết một cách triệt để.

Tác giả: Ngọc Giáp

Nguồn tin: doanhnghiepthuonghieu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP