Xã hội

Ám ảnh vụ xe khách đâm vào đoàn người đưa tang: Nước mắt người ở lại!

Không có những biện pháp từ cơ quan chức năng và người dân khi hoạt động cộng đồng trên đường an toàn, sẽ còn nhiều vụ như ở Trung Nguyên, Hải Dương...

Liên quan đến vụ xe khách đâm đoàn đưa tang khiến 7 người chết, 3 người bị thương xảy ra vào sáng 27/3, trưa cùng ngày, thi thể các nạn nhân đã được đưa về nhà riêng ở thôn Trung Nguyên (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) để lo hậu sự. Công tác khám nghiệm hiện trường cũng đã hoàn tất.

Hiện trường kinh hoàng vụ TNGT khi xe khách đâm vào đoàn đưa tang khiến 7 người chết.

7 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn đều sống gần nơi xảy ra vụ việc. Người dân thôn Trung Nguyên ai nấy đều thất thần, chưa tin vào chuyện vừa xảy ra. Thương xót cho những nạn nhân xấu số, gắng gượng vượt qua đau thương, người dân chia nhau thành từng tốp vào từng nhà có người mất để chia buồn, động viên nhau vượt qua nỗi đau.

Đến thời điểm này Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam lái xe gây tai nạn. Tuy nhiên, nỗi đau mất mát người thân, nỗi sợ hãi tột cùng của người may mắn sống sót sẽ đi theo và ám ảnh không thôi...

Buổi sáng kinh hoàng

Dù đã 2 ngày sau vụ tai nạn, anh Nguyễn Văn Vinh, người may mắn thoát chết vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi cho biết, khi đang đứng trong đoàn đưa tang thì thấy xe khách chạy rất nhanh lao thẳng tới. Nhiều người tuyệt vọng vẫy tay ra hiệu cho tài xế dừng lại nhưng chiếc xe vẫn lao đi và đâm vào đoàn người.

Không khí tang tóc bao trùm lên xóm nghèo Trung Nguyên (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

“Đoàn đưa tang đứng trên đường khoảng 5 đến 10 phút để các cụ chèo đò, làm thủ tục theo tín ngưỡng, đưa linh cữu sang bên kia đường chứ không phải vừa ra đến nơi. Khi đứng các cụ có cờ phướn nhiều nên lái xe không thể không nhìn thấy được. Mọi người nghĩ lái xe làm chủ được tốc độ và khi thấy đoàn đông xe sẽ dừng lại. Vì vậy các cụ không kịp chạy. Chiếc xe vẫn lao thẳng vào và cán thẳng vào rất nhiều người”, anh Vinh kể với giọng đứt đoạn vì nghẹn ngào.

Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông Nguyễn Như Phú - người trực tiếp có mặt tại đoàn đưa tang vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: "Khi đó tôi dẫn đầu đoàn đi ra. Đứng cách xa, tôi nhìn thấy chiếc xe khách không hề giảm tốc độ mà cứ thế đâm thẳng vào. Khi đó, tôi hô mọi người và nhảy ra ngoài nên may mắn thoát chết".

Anh Quyết vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của em trai.

Ông Phú cho biết, trong 7 nạn nhân thiệt mạng thì 3 người có quan hệ họ hàng với ông, 4 người còn lại đều là bà con hàng xóm thân thiết.

Trong số 7 nạn nhân thiệt mạng, anh Nguyễn Văn Đảng (SN 1989) là nạn nhân ít tuổi nhất. Ngồi thất thần trong ngôi nhà cấp 4, anh Nguyễn Văn Quyết (anh trai anh Đảng) cho biết, sáng nay em trai anh đi đứa đám tang người anh em trong họ.

Trong lúc đoàn đưa tang đến ngã tư Đồng Đậu thì gặp nạn, em trai anh được đưa đi bệnh viện, nhưng không qua khỏi và được đưa về nhà ngay sau đó. Tại họa liên tiếp giáng xuống khi trước đó vài tháng mẹ anh Đảng cũng bị tai nạn xe máy, phải nhập Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu.

Hiện tại, sức khỏe của bà còn rất yếu. Chính vì vậy, anh Quyết cùng mọi người đã giấu chuyện em trai gặp nạn, đưa mẹ anh sang nhà người thân tá túc, để lo tang lễ cho em trai.

Đám tang nạn nhân trẻ nhất trong vụ xe khách đâm đoàn đưa tang khiến 7 người chết.

“Nhà có 4 anh em, Đảng là con út. Bố mất sớm, Đảng làm thợ xây để kiếm sống. Chuyện đau lòng quá chúng tôi không dám nói với mẹ, sợ mẹ không chịu nổi cú sốc này”, anh Quyết chia sẻ.

Hạn chế những hung thần, tai họa này, cách nào?

Đoạn đường xẩy ra tai nạn là ngã tư giao cắt Quốc lộ 2C với đường nội xã Trung Nguyên mới được hoàn thành. Vụ tai nạn này càng làm rõ nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường quốc lộ mà ven đường có đông người dân sinh sống, nhiều đường giao cắt.

Hiện trường vụ TNGT ở Trung Nguyên nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing

Theo các chuyên gia về an toàn giao thông, nếu vẫn còn tình trạng người dân sinh sống và đi lại trên mặt đường quốc lộ cùng chung với những phương tiện giao thông tải trọng lớn thì chỉ cần một tác động nhỏ của vô lăng từ các xe trọng tải lớn thì việc cướp đi sinh mạng của hàng chục người vô tội là quá dễ dàng.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng UBAT giao thông Quốc gia cho rằng: không chỉ vụ tai nạn ở Vĩnh Phúc mà hầu hết những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua hầu hết quy tụ lỗi chủ yếu do người lái xe với nhiều nguyên nhân như sử dụng ma túy, bia rượu, do mệt mỏi dẫn đến thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ.

Do đó giải pháp lâu dài hạn chế những tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng theo ông Khương Kim Tạo đó là bên cạnh việc đầu tư kinh phí khắc phục các điểm đen, bất cập của hạ tầng giao thông thì cần đầu tư hơn nữa vào các giải pháp tổng thể đối với đội ngũ lái xe, với những người tham gia thông.

“Chúng ta quyết tâm những chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn, đó là vấn đề quản lý con người, đặc biệt đối với người điều khiến giao thông. Ví dụ ở những điểm đen, thì chúng ta phải có những giải pháp để điều chỉnh hành vi con người. Đối với người lái xe thì không chỉ có chế tài xử phạt là đủ, mà cần có phương thức thay đổi, bổ sung trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe, đồng thời quy trách nhiệm để các doanh nghiệp lái xe sử dụng, tuyển dụng và giáo dục lái xe một cách thường xuyên”, ông Tạo nói.

Hiện trường thảm khốc vụ TNGT ở Hải Dương khi xe container đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang liệt sỹ.

Từ đầu năm đến nay đây đã là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thứ hai sau vụ tai nạn ở Hải Dương cướp đi sinh mạng của 8 người. Đáng nói, 2 vụ tai nạn rất nhiều người chết này đều xuất phát từ những hoạt động cộng đồng ở các vùng quê. Ở Hải Dương là đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sỹ về, còn ở Vĩnh Phúc là đoàn đưa một đám ma.

Ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng: Nếu như vụ tai nạn ở Hải Dương thì bên cạnh những bất cập về hạ tầng như tổ chức giao thông, lối lên xuống chưa hợp lý trên Quốc lộ 5, thì vụ tai nạn ở Vĩnh Phúc cũng có điểm chung là lỗi chủ yếu do lái xe.

Bên cạnh đó với những đoàn người tập trung đông người trên đường giao thông như đám ma, đám cưới, thì những người tổ chức sự kiện cần hết sức cẩn trọng, chủ động có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho chính những người tham gia. Đây là những quy định đã được luật quy định nhưng thực tế lại bị bỏ qua.

Nếu không có những biện pháp từ cơ quan chức năng và người dân khi hoạt động cộng đồng trên đường an toàn, sẽ còn nhiều vụ như ở Trung Nguyên, Hải Dương...

Từ góc độ nghiên cứu văn hóa ông Nguyễn Viết Chức cho rằng: “Theo Luật giao thông thì không được phép đi tràn ra ngoài đường, nhưng nếu không đi tràn ra ngoài đường thì người ta đi bằng cách nào? Theo tôi, cần có sự hài hòa giữa đôi bên. Gia đình, địa phương nơi tổ chức đám tang nên có cảnh báo cho người đi không tràn ra ngoài, mà vẫn có đường để ô tô đi. Đồng thời cảnh báo cho người điều khiển giao thông có đoàn người phía trước. Cố gắng hạn chế tràn ra ngoài đường, như vậy đôi bên cần có sự chia sẻ để vẫn đảm bảo tín ngưỡng, cũng đảm bảo xe được lưu thông trên đường quốc lộ”.

Tại nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm, vẫn phổ biến tình trạng người dân bám mặt đường sinh hoạt hàng ngày, thậm chí tổ chức hội họp ngay trên đường. Hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng được đề cập có thể coi là hệ lụy của nhiều nguyên nhân như, chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đội ngũ lái xe, những bất cập về hạ tầng giao thông, ý thức của chính người tham gia giao thông./.

Tác giả: Phi Long

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP