Xã hội

Ám ảnh đèo dốc 'tử thần' trên quốc lộ 6

"Nửa đêm đang ngủ mà nghe ầm một tiếng là biết trước nhà lại có xe gặp tai nạn", bà Dung, người sống sát mặt đường đèo Thung Khe (Hòa Bình) chia sẻ.

10 ngày trước trên dốc Cun, một xe tải từ đỉnh dốc Cun đi xuống bất ngờ mất phanh đâm vào hai phương tiện đi ngược chiều. Tai nạn khiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Cũng trên đoạn đường này cách đó ít ngày, một xe đầu kéo chở đá lát bị mất phanh đã lao thẳng xuống dốc khiến hai người đi xe máy phải nhập viện...

Đoạn dốc chỉ dài 2 km trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua Hòa Bình nhưng được rất nhiều biển báo nguy hiểm và gờ giảm tốc độ.

Anh Lý Văn Toán, tài xế xe tải có hơn 10 năm lái xe trên quốc lộ 6, từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm tại dốc Cun. Có những vụ ôtô lật ngang dốc khiến giao thông tắc nghẽn hàng cây số.

"Đường đã khó đi, ý thức của nhiều tài xế lại kém. Ở những đoạn cua gấp, khuất tầm nhìn, nhiều người vẫn tăng ga vượt ẩu rất nguy hiểm", anh Toán gắt giọng khi được hỏi, như muốn trút nỗi bực dọc bấy lâu. Không ít lần anh phải đánh lái sát vào lề để tránh một xe đi ngược chiều lấn làn.

Km79 - điểm đen tai nạn trên dốc Cun. Cách không xa vị trí này là biển báo chuyển giới hạn tốc độ từ 80 km/h xuống 50 km/h. Ảnh: Quang Huy. "Ôtô cứ qua đoạn đó là đổ"

Theo trung tá Vũ Anh Tuấn, Phó trạm trưởng trạm Cảnh sát giao thông Tân Lạc, đơn vị phụ trách khu vực dốc Cun, khu vực km79 qua dốc là điểm đen tai nạn giao thông. "Độ dốc lớn và cua gấp khiến cho nhiều ôtô cứ đi qua đó là đổ lật", ông nói.

Sai lầm phố biển của các tài xế khi đổ đèo được vị cảnh sát này chỉ ra là sự chủ quan, khi xuống dốc đi số cao và liên tục rà phanh khiến cho phanh nóng, mất tác dụng. Nạn nhân hầu hết là tài xế ở các tỉnh khác, chưa quen đường.

Vị trí dốc Cun trên quốc lộ 6. Ảnh: Google Maps.

Trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hòa Bình) cho biết trên tuyến quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình có 2 "điểm đen" về tai nạn giao thông là đoạn dốc Cun (thuộc phường Chăm Mát) và đèo Thung Khe (thuộc huyện Mai Châu).

Dù đã cắm biển báo nguy hiểm và đặt gờ giảm tốc nhưng tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra.

Người dân lập am thờ sợ xe húc vào nhà

"Muốn tìm hiểu những vụ tai nạn trên đèo tử thần, cứ hỏi bà Dung là biết", một chiến sĩ cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình chia sẻ khi dẫn chúng tôi lên đèo Thung Khe.

Con đèo có độ dài hơn 10 km, nằm trên quốc lộ 6, cách dốc Cun khoảng 40 km. Đoạn đường qua đây xảy ra nhiều tai nạn đến nỗi người dân địa phương lập những am thờ ven đường cho các nạn nhân tai nạn.

Am thờ trên Thung Khe được lập cho những nạn nhân tai nạn giao thông. Ảnh: Quang Huy.

Nhà bà An Thị Dung nằm sát mặt đường đèo Thung Khe, bên kia đường là vách núi đá, sau nhà là vực thẳm. Trên đoạn đèo này bà đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn. Chính quyền phải lắp các hệ thống đệm bằng lốp ôtô bo sát vách núi để giảm thiệt hại khi xe mất lái đâm vào.

Ngày 22/3, một xe tải đi đến chân đèo Thung Khe thì bất ngờ đổ nghiêng đè vào ôtô con lưu thông cùng chiều. Tai nạn khiến 5 người bị thương, ôtô con bị biến dạng hoàn toàn.

Cuối tháng 4 năm ngoái, một xe tải đang di chuyển theo hướng từ Hà Nội lên Sơn La, khi đến đèo Thung Khe thì bị mất lái và rơi xuống vực. Hậu quả là một người tử vong, 2 người nhập viện với đa chấn thương.

Nghiêm trọng nhất là vụ va chạm giữa xe bồn và xe khách vào năm 2016 khiến xe bồn bốc cháy dữ dội. 3 người tử nạn, hơn 10 người phải đi cấp cứu.

Bà Dung chở người bị tai nạn đi viện nhiều đến nỗi các anh công an cũng quen mặt. Có khi những chiếc chiếu đang dùng trong nhà phải mang ra đường đắp cho những nạn nhân xấu số.

"Nửa đêm đang ngủ mà nghe ầm một tiếng là biết trước nhà lại có xe gặp tai nạn. Mấy hôm trước xe tải mất phanh lao thẳng vào nhà ông Hoàng ở cuối xóm, may người nhà không bị làm sao", bà Dung kể.

Vị trí đèo Thung Khe trên Quốc lộ 6. Ảnh: Google Maps.

Đa số vụ tai nạn, xe đều húc vào vách núi. Nhưng bà Dung và nhiều hộ dân trên đèo Thung Khe vẫn lo lắng một ngày tài xế lạng tay lái về phía căn nhà của mình. “Khi đó chúng tôi cũng chẳng biết chạy đi đâu” - bà lo lắng.

Ý kiến 3 năm vẫn chưa có đường lánh nạn

"Các vụ tai nạn trên đèo, dốc sẽ giảm nếu có đường lánh nạn" - đó là nhận định của trung tá Đinh Thị Thu Hằng. Việc cắm biển cảnh báo, làm gờ giảm tốc chỉ là những giải pháp trước mắt.

Sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại dốc Cun trong chưa đầy nửa tháng (nguyên nhân đều là xe mất phanh), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã họp bàn với ngành giao thông tỉnh Hòa Bình để tìm giải pháp khắc phục tai nạn. Câu chuyện làm đường lánh nạn trên các đoạn đèo dốc lại một lần nữa được đưa ra bàn thảo.

Ông Lê Xuân Cử, Chánh văn phòng ban An toàn giao thông tỉnh Hòa Bình, cho biết việc kiến nghị xây đường lánh nạn đã có từ năm 2015. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có. Hai khó khăn lớn nhất khi xây đường lánh nạn là kinh phí và điều kiện địa hình.

"Tại đèo Thung Khe, một bên dốc đứng, một bên vực thẳm, không có vị trí để xây đường lánh nạn", ông Cừ nói.

Đường lánh nạn (emergency lane) là đoạn đường cụt ở những vùng núi cao, đèo dốc, được thiết kế cuối đường hơi dốc lên và có ụ chắn, để tránh tai nạn cho các loại xe mất phanh, hoặc phải xử lý tình huống tránh gấp. Ảnh: Thi công đường lánh nạn trên đèo Măng Đen (Kon Tum).

Theo vị này, đường lánh nạn là công trình phổ biến trên nhiều đoạn đèo dốc hiểm trở ở Việt Nam. Khu vực đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum cũng từng được xây đường lánh nạn sau nhiều ý kiến về tình trạng tai nạn. Ngay trong quá trình thi công, đường lánh nạn tại đây đã “cứu” được một xe đầu kéo chở máy ủi bị mất phanh khi xuống dốc.

Người mong mỏi một tuyến đường lánh nạn nhất chính là những tài xế xe tải như anh Toán. Anh đã chứng kiến quá nhiều tai nạn thương tâm tại dốc Cun mà nguyên nhân đều là xe tải bị mất phanh, không có đường lánh nạn để đâm vào.

Trước khi có một giải pháp tổng thể về hạ tầng giao thông, anh Toán và những tài xế vẫn chỉ biết phòng tránh tai nạn bằng những kinh nghiệm cá nhân: "Giữ đúng nguyên tắc lên dốc số nào thì xuống dốc số ấy. Dùng số thấp để hãm tốc độ. Không nên rà phanh liên tục".

"Tôi mong các đồng nghiệp qua cung đường này không nên vượt ẩu, đặc biệt ở những đoạn cua gấp, bị khuất tầm nhìn", anh chia sẻ.

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 15 người. Hầu hết tai nạn xảy ra ở những đoạn đèo dốc hiểm trở. Thành phố Hòa Bình ghi nhận 4 vụ tai nạn giao thông, cả 4 vụ đều xảy ra tại Dốc Cun. Số tai xảy ra vào ban đêm nhiều hơn ban ngày do lái xe bị hạn chế tầm nhìn.

Tác giả: Ngọc Tân - Quang Huy - Phạm Trường

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: dốc tử thần ,ám ảnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP