Thể thao

Alexander Đại Đế ở Man Utd

Giao thừa năm nay đã không còn ảm đạm như những năm trước ở sân Old Trafford, khi những tín hiệu hồi sinh cùng với Jose Mourinho, Zlatan Ibrahimovic hay Paul Pogba đang trỗi dậy. Nhưng có lẽ, ai đó vẫn bùi ngùi khi nhớ về thời kỳ hoàng kim chưa xa cùng với Alex Ferguson - người hôm nay bước sang tuổi 75.

Khi Alexander Chapman Ferguson chính thức giải nghệ năm 2013, nước Anh xôn xao như thể Nữ hoàng của họ rời bỏ ngai vàng. Tất cả các tờ báo đều đưa hình ảnh của ông ra trang bìa, các đài truyền hình cập nhật tin tức liên tục. Ở các quán rượu, người ta nói về Ferguson, và các chính trị gia bàn về ông trước khi vào phiên họp chính.

Ferguson không chỉ làm thay đổi Man Utd, ông còn nâng tầm cả giải Ngoại hạng Anh và bóng đá Vương quốc Anh.

Khi Ferguson khép lại 27 năm làm việc tại Old Trafford, ông cũng đồng thời khép lại một kỷ nguyên, không chỉ của Man Utd mà còn cả Premier League. Bởi vì ông không chỉ giúp con phượng hoàng Man Utd hồi sinh từ đống tro tàn mà còn góp phần đưa giải đấu có số lượng người xem hãy còn hạn chế này trở thành giải đấu nhiều người xem nhất, có tiền bản quyền truyền hình cao nhất qua mọi thời đại.

Mọi thứ rất khác trước ngày Ferguson đến. Các cầu thủ ở nước Anh cuối thập niên 1980-1990 thường xuyên tụ tập ở các quán bar sau buổi tập và đến sân khi người còn nồng nặc mùi cồn. Từ 1994 đến 1997, đài BBC phát sóng chương trình truyền hình rất ăn khách mang tên "The fast show", trong đó họ mang HLV bóng đá ra làm đề tài giễu nhại.

Trong thập niên 1970, người ta dễ dàng bắt gặp anh em huyền thoại nhà Charlton, Bobby và Jackie, trên những chuyến xe buýt. Đấy là phương tiện của họ từ nhà đến sân rồi từ sân về nhà. Họ thi đấu trên những mặt sân đầy bùn để đổi lấy đồng lương rất ít ỏi.Ferguson biết tất cả những quá khứ ấy, vì ông đã lớn lên cùng với nó.

Xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở quận Govan, thành phố Glasgow, Ferguson đã không làm việc ở những xưởng đóng tàu nơi đây, mà chọn nghiệp bóng đá. Sau khi treo giày trong thập niên 1970, Ferguson trở lại quê nhà và mở một quán rượu mang tên Fergie's. Đấy là sinh kế thường thấy nhất của các cựu cầu thủ lúc bấy giờ. Họ tận dụng danh tiếng của bản thân để lôi kéo khách hàng đến quán. Trong 10 người mở quán rượu thì chín người nghiện ngập, kiểu như George Best. Nhưng Fergie đã chọn cho mình một con đường khác là huấn luyện.

Từ Queens's Park đến St Mirren và sau đó là Aberdeen, hóa ra tài năng cầm quân của Ferguson còn cao hơn nhiều so với khả năng đá bóng. Và ngay trong những năm tháng đầu tiên khởi sự làm HLV, Ferguson đã nổi tiếng là một người nóng nảy. Ông dùng nỗi sợ hãi và sự tuân phục của các cầu thủ để làm động lực vươn lên. Trước khi các cầu thủ Man Utd gọi ông là "máy sấy tóc", các học trò ở Scotland đã đặt cho Fergie cái biệt danh Furious (Điên tiết). Ngay cả người thầy giáo ưa thích nhất của ông ở trường học cũng nói: "Cậu ấy có thể khơi mào cho cuộc chiến ngay trong một căn phòng trống".


Sự nghiệp của Ferguson có thể gây tranh cãi, nhưng đó vẫn là một trong những HLV thành công và đáng trân trọng bậc nhất của thế giới bóng đá.

Một "đặc sản" khác của Ferguson là tạo mối liên kết với các cầu thủ theo kiểu cha con. Ông coi sóc những cầu thủ từ tuyến trẻ của Man Utd như David Beckham, Paul Scholes hay anh em nhà Neville như thể con cái của ông. Mối quan hệ của ông với Beckham chỉ xấu đi từ lúc anh cãi lại câu "áo mặc sao qua khỏi đầu" và qua lại với nàng ca sĩ của nhóm Spice Girls. Khi Ferguson bán Phil Neville đi và nhận lời trách cứ từ người vợ Cathy, ông đã nói với bà: "Tôi bán thằng nhỏ đi chỉ để tốt cho nó. Chứ tôi còn đau gấp mấy lần nó". Phong cách quản trị nhân sự dựa trên tình thân như thế đã tuyệt chủng hoàn toàn trong bóng đá hiện tại, cho dù đấy là một cách làm việc cực kỳ hiệu quả và tốn rất ít chi phí.

Một lý do khác khiến cho cách làm việc của Ferguson không còn phù hợp nữa là vì Premier League bây giờ tràn ngập những cầu thủ nước ngoài. Khi có quá nhiều tiền trong tay, người ta đồng thời đánh mất đi sự kiên nhẫn. Khi các HLV vẫn phải truyền đạt những thông tin quan trọng nhất thông qua một người phiên dịch, sự liên kết tình cảm giữa thầy và trò tất nhiên không thể được như ý.

Ferguson yêu các cầu thủ của mình. Ông luôn muốn những gì tốt nhất cho họ. Vì thế ông chịu không nổi khi họ cãi lời ông. "Phải, tôi yêu bọn họ", Fergie từng nói. "Các cầu thủ thể hiện hình ảnh của tôi trên sân cỏ. Tôi muốn bọn chúng giống như mình".

Cựu danh thủ Scotland Gordon Strachan bảo ông từng thấy xe hơi của Ferguson đậu trước cửa nhà mình, chỉ để kiểm tra là ông đã về nhà chưa hay còn đang lang thang ngoài đường. Ferguson kết thân với cả người yêu và vợ của các cầu thủ, nhờ họ trôm nom cho lang quân của mình. Nhiều cầu thủ Man Utd đã nhờ ông đứng ra làm chủ hôn. Nhìn ông mặc bộ đồ vest, ngồi ở bàn chủ tọa của các đám cưới, người ta khó mà không liên tưởng đến nhân vật Don Vito Corleone trong "Bố già".


Bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của Ferguson, kể từ khi ông dẫn dắt Man Utd năm 1986 đến khi giải nghệ năm 2013.

Ferguson bắt đầu giận Beckham khi anh đi làm răng cho đẹp hơn theo lời Victoria, khi ấy mới chỉ là bạn gái. Rồi tóc tai anh bắt đầu thay đổi liên tục, trên cơ thể bắt đầu chi chít hình xăm. Anh bắt đầu xa lạ với anh em nhà Neville, Ryan Giggs, Paul Scholes, Nicky Butt, những người cho đến bây giờ vẫn không có bất kỳ hình xăm hay khuyên tai nào.

Nhiều người phản đối cách đối xử hà khắc của Ferguson với Beckham. Khi ông đá "chiếc giày bay" vào mặt tiền vệ người Anh, CĐV của Becks phản ứng ông dữ dội. Nhưng Ferguson không bao giờ chối bỏ phong cách làm việc kiểu cũ của mình. Ông nói: "Quản lý là câu chuyện về sự kiểm soát. Thành công cho bạn sự kiểm soát, và sự kiểm soát mang đến sự trường thọ trong công việc. Trong bóng đá ngày nay, không có nhiều HLV có thể kiểm soát toàn bộ đội bóng".

Nếu không tính Arsene Wenger, thời gian trung bình của một HLV trên cương vị hiện tại của họ chỉ là trên dưới 300 ngày. Làn sóng HLV nước ngoài tiếp tục xâm chiếm nước Anh và khiến cho sự xuất hiện của những "Ferguson mới" là vô vọng. Trong 20 HLV đang làm việc tại Premier League, chỉ có năm người Anh và không ai trong số họ đang có mặt trong nhóm 8 đội dẫn đầu.

Và trong số những HLV ấy, không một ai có được thứ uy quyền tối thượng như Ferguson, uy quyền với cầu thủ, trọng tài và cả quan chức trong Liên đoàn bóng đá Anh. Sự kiểm soát ấy đã vượt xa khuôn khổ của bóng đá. Cuốn sách "Leading" của ông không chỉ viết về bóng đá, nó viết về cách quản trị nhân sự. Ông được nhiều trường đại học mời về làm diễn giả bởi khả năng lãnh đạo tài tình của mình chứ không phải vì chuyên môn bóng đá.

Trong bóng đá, Fergie không phải là một người cách tân chiến thuật. Ông không tạo ra điều gì mới mẻ như Rinus Michels hay Valeriy Lobanovskyi. Về tỷ lệ thắng trận, ông cũng không thuộc nhóm đầu. Về số Cup, vẫn có những HLV so sánh được với ông. Fergie vĩ đại là vì ông đã tái định nghĩa lại chiến thắng để đưa nó về trạng thái nguyên thủy nhất. Với Ferguson chỉ có duy nhất một con đường: con đường của ông, con đường của Alexander Đại Đế!

Tác giả bài viết: Hoài Thương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP