Pháp luật

Ai bồi thường thiệt hại vụ xe vi phạm ở bãi giữ công an bị cháy?

Vụ hỏa hoạn làm 320 xe máy tại bãi giữ phương tiện vi phạm của công an bị thiêu rụi nên người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm đầu tiên trong việc bồi thường.

Hàng trăm phương tiện trong bãi giữ xe vi phạm của công an cháy rụi


Ngày 8/4, bãi giữ xe máy vi phạm của Công an TP Biên Hòa ở khu phố 2, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) xảy ra hỏa hoạn. Đám cháy làm 320 xe máy bị thiêu rụi hoàn toàn, không thiệt hại về người.

Xem video:


Bãi giữ xe máy vi phạm của công an bốc cháy Trong đêm, bãi giữ xe vi phạm của Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai cháy dữ dội.

Tài sản bị công an tạm giữ hư hỏng, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu được quy định tại Điều 9, nghị định 115/NĐ-CP.

Trong đó, tang vật, phương tiện bị mất, bị bán hoặc đánh tráo, hư hỏng… thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

17821567 1695498947132436 1195377649 n 1
Xe máy tại bãi giữ của công an cháy trơ khung. Ảnh: Ngọc An.

Luật sư Tuấn nói rằng, về mặt dân sự của việc tạm giữ phương tiện theo thủ tục hành chính trên, thực chất là cầm giữ tài sản để đảm bảo bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hoặc chế tài khác theo Luật giao thông đường bộ.

Nghĩa vụ của bên cầm giữ cũng được quy định tại Điều 349, Bộ Luật Dân sự năm 2015. Trong đó thể hiện rõ:“Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ; Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ; Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ; Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện; Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ”

“Căn cứ theo quy định trên, thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm bồi thường”, luật sư Bùi Quốc Tuấn nói.

Ông phân tích: “Nếu cơ quan Công an TP Biên Hòa ký hợp đồng gửi giữ hoặc ủy quyền cho người khác hay cơ quan khác quản lý thì người khác, cơ quan quản lý bãi xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe”.

Theo luật sư Tuấn, trường hợp xe tại bãi giữ bị hư hỏng bởi các nguyên nhân bất khả kháng như tác động của núi lửa, bão lũ, thiên tai thì cơ quan công an, chủ bãi giữ có thể không phải bồi thường.

Cần điều tra làm rõ

Trước sự việc hàng trăm xe bị thiêu rụi, luật sư nói rằng cơ quan chức năng cần điều tra xác định nguyên nhân để làm cơ sở cho việc quyết định khởi tố vụ án hoặc giải quyết vụ việc.

ch
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Đồ họa: Thiên Sơn.

Nếu có người gây ra thiệt hại trên thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hủy hoại tài sản.

Việc bồi thường cũng phải dựa trên kết quả điều tra, xác minh. Về bồi thường sẽ có phương thức thương lượng giữa chủ sở hữu phương tiện và người giữ phương tiện.

“Nếu không thương lượng được thì khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường, yêu cầu tòa án định giá để có cơ sở giải quyết việc bồi thường theo quy định pháp luật hiện hành”, ông Bùi Quốc Tuấn cho biết.

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào 2h sáng 8/4 tại bãi giữ xe máy vi phạm của Công an TP Biên Hòa ở khu phố 2, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Đồng Nai điều động 3 xe nước cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Vụ cháy làm 320 xe máy bị thiêu rụi, không thiệt hại về người.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP