Kinh tế

ACB tính trả thù lao cho lãnh đạo 8,5 tỷ đồng năm 2017

Căn cứ theo kế hoạch lợi nhuận năm 2017, HĐQT ACB sẽ trình cổ đông xem xét mức thù lao cho HĐQT năm nay là 8,5 tỷ đồng, và thù lao cho ban kiểm soát là 3,9 tỷ đồng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên về kết quả kinh doanh và mức thù lao cho lãnh đạo ngân hàng trong năm 2017.

Theo đó, sau khi có một năm kinh doanh 2016 tương đối thành công khi các chỉ số ngân hàng đều tăng trưởng, kết quả lợi nhuận tăng 27% so với năm 2015. Trong năm 2017, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 16% và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2% tổng dư nợ.

Đáng chú ý, trên cơ sở kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2017, HĐQT ACB cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên xem xét mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng năm nay lần lượt là 8,5 tỷ đồng và 3,9 tỷ đồng; tương đương mức tăng 20% và 12,5% so với thù lao năm 2015.

zingvnthulaolanhdaoacb

Căn cứ vào kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017, HĐQT ACB cũng trình kế hoạch tăng thù lao chi trả cho HĐQT và Ban kiểm soát năm 2017 lên lần lượt 20% và 12,5%. Đồ họa: Quang Thắng.

Trong năm 2016, mức thù lao của HĐQT ngân hàng là 7,1 tỷ đồng, với 10 thành viên bao gồm cả chủ tịch, chủ tịch và các thành viên, trung bình mỗi thành viên HĐQT nhận mức thù lao 710 triệu đồng năm 2016. Trong khi đó, chỉ với 4 thành viên trong ban kiểm soát, mỗi thành viên nhận mức thù lao gần 867 triệu đồng.

Như vậy, nếu kế hoạch chi trả thù lao trong năm 2017 được ĐHĐCĐ thường niêm sắp tới thông qua, mỗi thành viên HĐQT của ngân hàng sẽ nhận được 850 triệu đồng thù lao trong năm nay, và mỗi thành viên Ban kiểm soát sẽ nhận được 975 triệu đồng.

Đây sẽ là mức thù lao cao nhất mà ACB chi trả cho các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng trong vòng 5 năm trở lại đây. Trước đó vào năm 2012, thù lao của HĐQT ACB lên tới gần 14,3 tỷ đồng và Ban kiểm soát là 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013, trước những khó khăn chung của hệ thống, kết quả lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm, mức thù lao cho HĐQT đã giảm xuống chỉ còn 4,8 tỷ đồng và Ban kiểm soát là 2,4 tỷ đồng.

Năm 2016, ACB ghi nhận 1.667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với năm 2015 và đạt 111% kế hoạch đã đề ra trước đó. Kết quả lãi ròng sau khi trừ thuế và các khoản phải nộp đạt 1.325 tỷ đồng, tăng 29%.

Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của ACB đạt 233.681 tỷ đồng, tăng 16%. Vốn huy động tăng 18% đạt 207.051 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 163.401 tỷ đồng, tăng 21%; trong đó, tín dụng khách hàng cá nhân tăng mạnh 30%.

Năm 2016, ACB đã thành công trong việc kiểm soát nợ xấu khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,3% giai đoạn đầu năm về mức 0,88% ở cuối năm. Đồng thời, ACB cũng đã đưa vào hoạt động 4 phòng giao mới ở Hà Tĩnh, Gia Lai, Hậu Giang và Phú Quốc.

Với kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2017, ACB dự kiến sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩymạnh chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn, tăng tỷ trọng vốn giá thấp; tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu và mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch tại các địa bàn trọng tâm. ACB dự kiến sẽ mở mới 7 phòng giao dịch trong năm 2017.

Tác giả bài viết: Quang Thắng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP