Xe

Chàng trai mỗi tuần lái sáu chiếc xe cổ 70 năm tuổi đi làm

Trong ký ức về tuổi thơ của anh Nguyễn Ngọc Hải luôn tái hiện hình ảnh những chiếc xe 2 bánh, 3 bánh đi đến đâu khiến mọi người ngoái nhìn đến đó. Chính ký ức đó nuôi dưỡng tình yêu và đam mê của anh với những chiếc xe xưa.

Đam mê xe cổ từ thuở thiếu thời, sau này, khi có điều kiện anh Nguyễn Ngọc Hải có thú vui đi khắp nơi sưu tầm và phục dựng những chiếc xe xưa, trả lại cho xe dáng hình nguyên bản.

Anh kể: “Có lẽ tôi là người hoài cổ, luôn nhớ tiếc ngày xưa cũ. Tôi nhớ ngày bé thấy người ta chạy xe ngoài đường thích lắm. Cả ký ức tuổi thơ của tôi chỉ mong được ngồi trên xe đó, được chở đi một lần. Sau này, khi nhà có điều kiện, tôi tìm sưu tầm những chiếc xe đã thấy hồi bé. Nhà tôi ở Thái Nguyên, mà hễ nghe ở đâu có xe là tìm đến, tôi đi khắp Bắc Trung Nam để sưu tầm những chiếc xe cổ. Tôi có hơn 20 chiếc xe tuổi đời khoảng 70 năm, lớn hơn tuổi tôi bây giờ nữa, chúng được tôi sưu tầm từ nhiều nguồn, chiếc thì tìm ở Đồng Nai, chiếc ở Sài Gòn, có xe chủ cũ ở Đà Lạt, có xe ở Hà Nội… sau khi thỏa thuận thì đem về Thái Nguyên để phục dựng cho nguyên bản. Ngoài xe 2 bánh, cả xe 3 bánh, 4 bánh, rồi đèn dầu cổ, đồng hồ cổ... những vật từ ngày xưa cứ có duyên gặp được thì tôi lại đem về nhà mình”.

Hầu như ai đã lỡ đam mê đồ cổ, nhất là xe cổ thì đều như “cuồng tín”, và cái mà họ theo đuổi chuyên biệt một lòng chính là những chiếc xe cũ kỹ, xe tuổi đời càng lâu thì càng yêu thích.

“Tôi thấy những chiếc xe cổ đến bây giờ vẫn đẹp. Thiết kế xe rất tao nhã, mềm mại, có phần hơi bay bổng một chút chứ không thô và thực dụng như xe hiện đại. Một vẻ đẹp đã vượt qua thử thách của thời gian, sao chúng ta lại có thể từ chối được nhỉ. Như chiếc MZ 150 của tôi hơn 50 năm tuổi dáng vẫn ngon, vẫn oai phong như quý ông lịch lãm, dù có chút phong trần và hầm hố nhưng không sao, xe đẹp thì mình chấp nhận hết”, anh Ngọc Hải chia sẻ.

Luôn nhắc về chữ “duyên” trong quá trình sưu tầm, và đây cũng là từ anh Ngọc Hải tâm đắc.

Anh tâm sự: “Xe cổ không cứ phải có nhiều tiền là mua được mà cần cái duyên, cơ may gặp gỡ với chủ xe để họ có thể nhường lại cho mình. Thử nghĩ nhà sản xuất đã không còn tồn tại, phụ tùng xe cũng phải kiếm vài năm mới có, dọn một chiếc xe có khi phải dành ra 2 năm để tìm đủ những đồ “jin” của nó, nếu người chủ không muốn nhượng lại, đồng ý là vẫn có đâu đó chiếc xe khác, nhưng lúc nào gặp tiếp thì mình không chắc. Có anh bạn tôi, vì một chiếc xe mà theo ông chủ xe 7 - 8 năm trời, cuối cùng vì ông chủ thấy có người thích và sẽ giữ gìn chiếc xe đó tốt hơn mình nên mới đành nhường lại. Nhiều khi thấy thú chơi xe cổ, chơi đồ cổ dạy mình bài học về sự kiên trì, bền gan theo đuổi một vật có thể đến vài năm. Có anh vừa nghe kể có chiếc xe mình thích ở dưới miền Tây, lập tức nhờ người dắt đi tới nhà xem. Ôi thôi, chiếc xe cổ của Đức đẹp lắm mà để ngoài sân như mớ sắt vụn chịu bao nắng mưa. Tiếc lắm, mà đi ba lần bốn lượt ông chủ mới bán lại để đem về phục chế. Hóa ra chiếc xe là của gia đình, từ đời cha truyền lại nhưng vì gia cảnh sa sút nên không có điều kiện bảo dưỡng”.

Là mẫu người hiện đại nhưng anh Hải vẫn lái xe cổ đi làm mỗi ngày, 6 ngày trong tuần anh lái 6 chiếc xe khác nhau. Chiếc xe yêu thích nhất của anh Ngọc Hải là Jawa 360. Chiếc xe nguyên bản từ Tiệp Khắc, màu đỏ. Một chiếc xe khác là Lam già Id1957, Lam Ii3 của Ý, Jawa 350 của Tiệp Khắc, BMW R25 của Đức, một chiếc của người Trung Hoa mệnh danh là chiếc xe hạnh phúc và một chiếc 4 bánh sản xuất của Pháp.

“Những chiếc xe này đều được dọn lại giữ nguyên bản và vẫn chạy được. Lâu lâu tôi lái chúng ra ngoài để đi đây đi đó chứ để không trong nhà máy móc hỏng hóc hết. Với tôi, xe là phải chạy được, mua xe để đi, phải bắt chúng phục vụ mình dẫu là xe cổ hay xe mới”.

Tác giả bài viết: Thiên An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP