Xã hội

Xà xẻo 'hoa hồng', bữa ăn công nhân bị cắt xén còn 10 nghìn đồng

Với giá suất cơm công nhân quá "bèo", rõ ràng các công ty dịch vụ cung cấp suất ăn phải mua thực phẩm ôi thiu, cá chết…

Chỉ trong vòng một tuần, 2 vụ ngộ độc thức ăn xảy ra tại Nghệ An, Bến Tre khiến hàng trăm công nhân nhập viện đã gióng lên hồi chuông về sự nguy hiểm đang rình rập trong mỗi bữa cơm công nhân và trách nhiệm thuộc về ai?

Chia sẻ với PV, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: “Trong quy định của pháp luật hiện nay, bữa ăn giữa ca là không bắt buộc, do đó tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã yêu cầu các tổ chức công đoàn cơ sở đưa bữa ăn giữa ca vào thỏa ước hoặc có thỏa thuận với người sử dụng lao động để có bữa ăn giữa ca cho công nhân với ít nhất 15.000 đồng/người".

Qua giám sát của LĐLĐ cho thấy, nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt với bữa ăn, thậm chí đến 40.000 - 50.000 đồng/người cho công nhân. Thế nhưng tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI thì bữa ăn giữa ca cho công nhân chỉ khoảng 12.000 đồng/người. Giá trị bữa ăn thấp, mà họ còn thuê các công ty dịch vụ nữa thì bữa ăn giữa ca thực chất chỉ khoảng 9.000 đồng.

"Với giá cả như hiện nay, rõ ràng các công ty dịch vụ kia phải mua thực phẩm ôi thiu, cá chết… Đó là nguyên nhân tăng những vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp", ông Chính nói.

Công nhân bị ngộ độc sau bữa ăn trưa đang được theo dõi tại bệnh viện. (Ảnh minh họa)

Theo ông Mai Đức Chính, "Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu các công đoàn cơ sở phải giám sát chặt chẽ bữa ăn giữa ca cho công nhân, để công nhân, người lao động được hưởng thực chất số tiền bữa ăn ca đó. Công đoàn cơ sở ngoài việc thương lượng điều chỉnh tiền ăn, còn phải giám sát làm sao để người lao động được hưởng thực chất số tiền đó chứ không phải là xà xẻo qua hoa hồng này khác. Tôi được biết, cũng có một bộ phận quản lý doanh nghiệp câu kết để được hưởng hoa hồng từ bữa ăn ca này, vì vậy công đoàn cơ sở phải giám sát chặt chẽ số lượng, chất lượng bữa ăn.

Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp cùng bộ Y tế, Thanh tra Chính Phủ, bộ NN&PTNT… sẽ thành lập một đoàn giám sát cấp Trung ương sẽ đi giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong một số siêu thị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nấu suất ăn công nghiệp và ở các bếp ăn tập thể có đông công nhân lao động".

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phan Thị Sửu - Giám đốc trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm - hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gồm tổ hợp các nguyên nhân. Thứ nhất là do doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến bữa cơm công nhân, thậm chí họ tìm mọi cách để giảm chi phí, hạ giá thành bữa ăn. Đó cũng chính là lý do vì sao cơm công nhân có dòi, thức ăn hôi thiu và mỗi năm có hàng nghìn công nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Thứ hai, cơ quan quản lý chưa giám sát chặt chẽ và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Có đơn vị vi phạm đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn phớt lờ cơ quan chức năng. Không ít chính quyền địa phương không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn. Phần lớn chủ doanh nghiệp còn khoán công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà thầu cung cấp suất ăn cho công nhân. Đặc biệt, nhiều tỉnh hiện nay còn quy định việc kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải được thông báo trước cho ban Quản lý dẫn đến việc thanh kiểm tra một số bếp ăn tập thể rất khó thực hiện, nhất là kiểm tra đột xuất.

Nguyên nhân nữa là do chính công nhân, người lao động không biết tự bảo vệ mình, không biết đấu tranh đưa bữa ăn giữa ca vào thỏa ước. Do vậy, tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp không được cải thiện. "Theo quan điểm của tôi, công nhân phải biết đòi hỏi quyền lợi chứ không thể “cho ăn gì, ăn nấy”", TS. Sửu nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, TS. Đặng Văn Chính - Chánh Thanh tra bộ Y tế cho biết, Thanh tra Bộ đã chỉ đạo cục An toàn thực phẩm, sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, cục An toàn thực phẩm, sở Y tế các tỉnh, thành phố và ban Quản lý an toàn thực phẩm phải vào cuộc kịp thời, tăng cường chỉ đạo thanh tra và hướng dẫn nghiệp vụ cho các chi cục trong công tác phòng, chống ngộ độc. Bộ sẽ thắt chặt hơn việc quản lý bếp ăn tập thể và thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm sai phạm.


Tác giả bài viết: Lan Thơm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP