Xã hội

Vụ dân nghèo còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Bãi bỏ nhiều khoản thu sai

Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng người dân nghèo ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) cõng hàng loạt quỹ, phí "khủng", lãnh đạo huyện này đã vào cuộc làm rõ và xử lý vụ việc.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ "dân còng lưng gánh quỹ"
Vụ "còng lưng gánh quỹ" ở Nghệ An: Bí thư Tỉnh ủy lên tiếng
Vụ "còng lưng gánh quỹ" ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới
Khốn khổ khi người mù, tàn tật, cụ già 80 vẫn còng lưng gánh quỹ
Sau Thanh Hoá, dân nghèo Nghệ An oằn mình "cõng" loạt quỹ khủng!
Trẻ lên 3 đã phải đóng tiền trả nợ nông thôn mới
Nghệ An: Dân phải “cõng” gần 20 khoản phí


Bãi bỏ nhiều khoản thu, không mở sổ theo dõi mới...

Như thông tin báo điện tử Trí thức trẻ đã phản ánh, thời gian qua tại địa bàn xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) tiến hành thu các loại khoản quỹ, phí nhưng đã xảy ra nhiều bất cập dẫn đến thu sai đối tượng khiến các hộ dân nghèo, tàn tật vẫn phải "còng lưng" gánh nhiều loại quỹ.

Oái oăm hơn khi việc xã mở sổ theo dõi các khoản đóng góp của người dân. Nếu khi lên xã giao dịch mà chưa đóng góp đầy đủ các khoản thì sẽ bị ngưng một số giao dịch.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó phòng tài chính huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, sau khi báo chí phản ánh lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng về trực tiếp làm rõ.

Sau nhiều ngày làm việc với lãnh đạo xã Nghi Thái cùng với người dân, hiện huyện Nghi Lộc đã có báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan chức năng về vấn đề báo chí phản ánh vừa qua là đúng.

Nhiều năm liền xã Nghi Thái mở sổ theo dõi để quản lý các khoản đóng góp của người dân. Nếu ai không hoàn thành việc đóng góp thì sẽ bị tạm ngưng một số giao dịch với xã.


Trong công văn số 1323/UBND.TC-KH cho biết, vào cuộc làm rõ, phòng tài chính huyện Nghi Lộc đã kiểm tra trong số những khoản thu ở xóm, xã Nghi Thái thì có những khoản thu được thực hiện theo quy định nhà nước. Một số khoản thu thực hiện theo quy chế dân chủ.

Cụ thể, trong số hơn 23 khoản được phản ánh mà xã Nghi Thái và các xóm tiến hành thu thì có 7 khoản thu được thu theo quy định nhà nước.

Ngoài ra, có 4 khoản được xã vận động như: Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi, Quỹ thú y, Quỹ văn hoá xã hội, đóng góp xây dựng hạ tầng.

Trong báo cáo nêu rõ, từ năm 2010 đến nay, xã Nghi Thái đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng được 39 công trình với tổng vốn đầu tư là 64,516 tỷ đồng. Trong đó huy động nhân dân đóng góp là 5,414 tỷ đồng.

Tờ phương án thu 23 khoản quỹ, phí của xã và xóm. Có nhiều hộ dân nợ tiền đóng góp nhiều năm lên đến gần 10 triệu đồng.


Về các khoản thu tại xóm như: Quỹ chế độ gián tiếp cán bộ, quỹ khuyến học, quỹ bảo vệ vụ 10 và vụ đông xuân, quỹ an ninh xóm, đóng góp xây dựng tại xóm, quỹ dân sinh kinh tế... báo cáo cho biết các khoản này đều được thu theo Nghị quyết Đại hội xóm và đã xin ý kiến dân.

Tuy nhiên: "Trong Nghị quyết xin ý kiến nhân dân về các khoản thu các xóm đều thực hiện thu đồng đều tất cả các đối tượng, không quy định miễn giảm cho các trường hợp là những hộ dân nghèo, người già, tàn tật, khó khăn...

Do vậy trong thực hiện tại một số xóm có một số trường hợp là những hộ nghèo, người già, người tàn tật, hộ khó khăn... chưa thực hiện miễn giảm", công văn này nêu rõ cho thấy xóm, xã đã thực hiện việc thu tiền cả của những người tàn tật, hộ nghèo trái quy định.

Về vấn đề báo chí phản ánh xã mở sổ "theo dõi thực hiện nghĩa vụ của công dân" để theo dõi việc đóng góp của mỗi người. Khi đi giao dịch, người dân phải mang sổ theo, nếu hộ nào còn nợ sẽ bị từ chối giao dịch.

Qua kiểm tra về vấn đề này, đoàn công tác huyện Nghi Lộc xác nhận trước năm 2015 xã Nghi Thái có mở "sổ theo dõi thực hiện nghĩa vụ công dân" cho các hộ dân. Khi thực hiện các giao dich về vay vốn ngân hàng, giao dịch đất đai thì xã yêu cầu người dân nộp đầy đủ.

Hộ anh Vương Đình Dũng tàn tật từ nhỏ, vợ mất, một mình nuôi con nhưng hàng năm vẫn phải nộp cả triệu đồng tiền đóng góp cho xã và xóm khiến gia đình anh kiệt quệ.


Riêng về khoản thu "chế độ gián tiếp cán bộ" gây tranh cãi trong dư luận sau khi báo chí phản ánh, ngay sau đó, huyện Nghi Lộc đã kiểm tra và chỉ đạo xã Nghi Thái bãi bỏ không thực hiện thu loại quỹ này.

Đối với quỹ dân sinh kinh tế, huyện giao cho xã hướng dẫn các xóm xác định lại tên quỹ và nêu rõ mục đích thu, nội dung chi.

Đồng thời đối với các trường hợp hộ nghèo, người già, người tàn tật, hộ khó khăn, hoạn nạn, đột xuất như các trường hợp báo nêu và các trường hợp khác, lãnh đạo huyện đã yêu cầu xã chỉ đạo các xóm thực hiện miễn giảm cho các đối tượng này.

Trong công văn này huyện Nghi Lộc cũng yêu cầu trong thời gian tới xã Nghi Thái khi thực hiện huy động đóng góp của người dân phải được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 và phải được sự đồng tình của người dân.

Bà Linh sống đơn thân, nghèo khó nhưng vẫn phải đóng nhiều loại quỹ, phí.


Ngoài ra huyện yêu cầu xã không huy động đóng góp của hộ nghèo, người già, người tàn tật, hộ khó khăn, hoạn nạn đột xuất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện chương trình nông thôn mới.

Sẽ trả lại tiền thu sai quy định cho người dân

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó phòng tài chính kế hoạch huyện Nghi Lộc xin cảm ơn các vấn đề báo phản ánh và mong tiếp tục được sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong thời gian tới.

Ông Hải khẳng định, thời gian qua các xóm tại xã Nghi Thái đã thực hiện viêc thu các loại quỹ dù có lấy ý kiến của người dân nhưng lại thu đồng đều tất cả các đối tượng, không miễn giảm cho các trường hợp người già, tàn tật, người nghèo là sai.

Cũng theo ông Hải, từ năm 2016, xã Nghi Thái sẽ chính thức bãi bỏ không lập sổ theo dõi các khoản đóng góp của người dân.

Đánh giá về những khoản thu như Chế độ gián tiếp cán bộ, mở sổ theo dõi.. sau khi kiểm tra lãnh đoạ huyện đã chỉ đạo xã tiến hành bãi bỏ vì việc thu quỹ này là không thiết thực!

"Các cán bộ xóm đã có tiền trợ cấp, nên không thể thu để trả tiền cho họ nữa", ông Hải nói và cho biết huyện đã yêu cầu xã, xóm bãi bỏ, không thực hiện thu khoản Chế độ gián tiếp cán bộ.

Sau khi vào cuộc, huyện đã yêu cầu xã bãi bỏ nhiều khoản phí, quỹ cho người dân và bãi bỏ việc mở sổ theo dõi công dân.


Nói về một số trường hợp đặc biệt mà báo nêu dù tàn tật vẫn phải đóng nhiều loại quỹ như hộ anh Vương Đình Dũng (tàn tật; xóm Thái Học), hộ chị Nguyễn Thị Huyền (mù từ nhỏ; xóm Thái Cát), ông Hải cho biết sẽ trả những khoàn tiền thu sai sau khi xã quyết toán.

Về nguyên nhân dẫn đến thu sai các trường hợp trên, ông Hải cho biết do xóm thiếu sót khi lập danh sách thu. Các khoản thu của xã thì xã sẽ quyết toán và trả lại. Các khoản thu của xóm sẽ giao cho xóm họp bàn dân lấy ý kiến rồi trả lại.

Tác giả bài viết: Gia Hưng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP