Xã hội

TP Vinh (Nghệ An) vào cuộc đòi lại vỉa hè: Hàng nghìn dân nghèo lo mất cơm áo

Mặc dù ủng hộ chiến dịch đòi lại vỉa hè của chính quyền nhưng hàng nghìn hộ bán hàng rong ở TP Vinh (Nghệ An) đang lo lắng với cuộc mưu sinh sắp tới. Chính quyền tỉnh Nghệ An sẽ có động thái như thế nào trước những lo lắng này của người dân?

copy of 2 1493083215208
Ông Nguyễn Văn Hùng đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào cũng đẩy xe nước mía bán để mưu sinh.

Dân lo mất... cần câu cơm

Hiện nay, TP Vinh (Nghệ An) đang trong cao điểm ra quân xử lý vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật đô thị, trả lại không gian cho người đi bộ. Chiến dịch này được dư luận đồng tình nhưng nhiều người bán hàng rong lại rơi vào cảnh hoang mang, lo lắng. Bà Lê Thị Hà sắp xếp lại gánh hàng nước ở vỉa hè cho người đi bộ ở đoạn đường Quang Trung (TP Vinh) cho biết: “Mấy ngày nay tôi biết thành phố đang tiến hành giải tỏa vỉa hè. Tôi cũng biết mình đang lấn chiếm vỉa hè để buôn bán là sai nhưng vì mưu sinh nên phải chấp nhận cảnh buôn bán lén lút. Tôi rất lo lắng nếu như giải tỏa thì tôi sẽ rơi vào cảnh không biết làm gì để mưu sinh và nuôi các con ăn học”.

Bà Hà quê ở Nghi Lộc (Nghệ An), nhà có 4 người con và chỉ có mấy sào ruộng, không đủ ăn nên đã vào TP Vinh bám vỉa hè để ngồi bán nước kiếm cơm qua ngày. Hành trang của bà chỉ là vài chiếc bàn ghế nhựa, một ấm chè xanh và ít bánh kẹo, thuốc lá. Thu nhập mỗi ngày của bà cũng chỉ từ 150.000-200.000 đồng, nếu không có nguồn thu nhập này bà cũng chẳng biết làm gì để nuôi đàn con ăn học. Bà mong mỏi thành phố bố trí cho một khu vực hay đoạn đường nào đó cho phép những người như bà buôn bán để tiếp tục mưu sinh. Cùng cảnh bà Hà, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu bán xôi trên vỉa hè đường Lê Lợi (TP Vinh) cho biết: “Cũng nhờ gánh hàng rong này mà ba đứa con tôi được đến lớp, đứa con trai đầu đã vào đại học năm thứ 2. Vợ chồng tôi, quê cùng ở Nam Đàn, chẳng có nghề nghiệp gì nên cả nhà dắt díu nhau vào thành phố để bán hàng rong. Tôi bán xôi còn anh nhà đi bán... sức lao động, ai thuê gì làm nấy”. Chị Thu cho hay, “dù thu nhập thấp nhưng vẫn gấp nhiều lần so với nghề nông ở quê. Nếu như bám vào mấy sào ruộng thì các cháu không thể học hành đến nơi, đến chốn”. Rồi đây, khi thành phố tiến hành giải tỏa vỉa hè, vợ chồng chị Thu chưa biết đi về đâu, làm gì để kiếm kế sinh nhai?!

Chính quyền đương đầu bài toán khó

copy of 10 1493083215212
Gánh hàng rong ở đường Quang Trung.

Trái với nỗi lo lắng của nhiều người, chị Phương bán hàng rong trên đường Lê Hồng Phong (TP Vinh) cho biết đã quen với cảnh vừa bán vừa chạy công an, trật tự phường nên chẳng mấy lo lắng với chiến dịch này. "Bán hàng trên lòng hè đường là sai, nhưng không bán thì chẳng biết lấy gì để sống. Đuổi thì chúng tôi chạy, khi yên ắng phải quay lại bán tiếp” - chị Phương nói. Qua trò chuyện được biết, phần lớn những người bán hàng rong trên vỉa hè đều từ các địa phương khác đến. Ai cũng phải bám vỉa hè buôn bán vì cuộc sống mưu sinh và nuôi con cái ăn học. Trên những gánh hàng ấy không chỉ là đồ ăn thức uống cung cấp cho người cần mua, mà trên đó còn gánh cả ước mơ, gánh cả nỗi lòng của mỗi người mẹ, người cha dành cho gia đình. Họ cũng rất mong mỏi chính quyền có giải pháp giúp người dân an cư, lạc nghiệp khi thành phố lập lại trật tự kinh doanh.
copy of 4a 1493083215211
Nhiều quán nhậu ở TP Vinh, lấn chiếm lòng lề đường.

Trên thực tế, không ai phủ nhận những gánh hàng rong đã giải quyết được một phần nhu cầu mua bán của người dân và việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, việc buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè cũng là yếu tố gây nên tình trạng lộn xộn trật tự an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mất mỹ quan đô thị. Một thành phố văn minh, chắc chắn sẽ phải vắng bóng những gánh hàng rong nhếch nhác lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thế nhưng, hiện nay nếu như “xóa sổ” hàng rong thì hàng nghìn người nghèo sẽ đi về đâu? Câu hỏi này từ cộng đồng đang buộc chính quyền địa phương phải tư duy và có phương án phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng không nên xóa sổ hàng rong, nên sắp xếp cho họ hoạt động tại một khu vực hoặc tuyến phố phù hợp để phục vụ nhu cầu của người dân. Cũng có ý kiến thì cho rằng nên bố trí cho những người bán hàng rong theo giờ quy định. Như vậy, sẽ đảm bảo cả lợi ích của người dân và trật tự mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, quy định bán hàng rong vào thời gian nào trong ngày là hợp lý hay bắt buộc phải xoá sổ hình thức kinh doanh này vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh (Nghệ An) cho biết, bán hàng rong chủ yếu là người nơi khác đến thành phố làm ăn. Thành phố đã giao cho phường, xã khảo sát, đánh giá, xử lý. Các phương án được đưa ra là sắp xếp họ vào các chợ, hai là quy hoạch các điểm bán rong, tuy nhiên các điểm bán hàng rong này hiện chưa có phường, xã nào báo cáo lên thành phố.

Tiến Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP