Xã hội

Người phụ nữ chấp nhận rửa chân cho người giàu kiếm tiền về quê cùng con trai sau 18 năm bị lừa bán

18 năm bị lừa bán sang xứ người, chị Trần Thị Thảo chấp nhận rửa chân cho người giàu kiếm tiền trở về quê cùng cậu con trai để đoàn tụ với gia đình.

Cách đây 4 năm, chị Trần Thị Thảo (SN 1977, ngụ phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cùng cậu con trai trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình sau 18 năm bị lừa bán sang xứ người. Hoàn cảnh hy hữu của mẹ con chị và cơ may trở về quê sau gần hai chục năm lưu lạc đã trở thành đề tài bàn tán của người dân địa phương suốt thời gian ấy. Gần đây, PV Trí thức trẻ có dịp gặp gỡ với người phụ nữ bất hạnh này để nghe chị trải lòng về cuộc đời tủi nhục sau những tháng năm lưu lạc vì bị lừa bán.

Căn nhà cấp 4 cũ nát mẹ con chị Thảo đang thuê ở nằm ngay trong khu chợ nhỏ. Phía trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ, hai chiếc ghế nhựa cùng chiếc giường chật chội đủ để hai mẹ con nằm. Phía dưới bếp, chị Thảo với dáng người thấp, đầy đặn, da ngăm đen, tóc cắt ngắn, nhuộm vàng đang loay hoay làm mớ cá vừa bắt được ngoài sông để chuẩn bị cho bữa cơm trưa.

Nghe nhắc lại quá khứ, chị gạt nước mắt. Với chị, 18 năm lưu lạc xứ người là chừng ấy tháng ngày chị phải sống trong vất vả, tủi nhục. Để giờ đây, dù đã trở về sống bình yên trên chính quê hương mình được hơn 4 năm nhưng những gì trong quá khứ vẫn luôn ám ảnh giấc ngủ hàng đêm của chị.

cuoc doi nguoi phu nu chap nhan rua chan cho nguoi giau kiem tien ve que sau 18 nam bi lua ban
Chị Thảo bên con trai kể lại quá khứ tủi nhục sau ngày trở về.

Bước ngoặt cuộc đời

Chị Thảo kể: "Mới lên 3 tuổi thì cha mẹ quyết định ly hôn vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống không thể dung hòa. Tôi theo mẹ về nhà ngoại ở, người anh trai (hơn 2 tuổi) ở với cha. Không lâu sau đó cha đưa người phụ nữ khác về sống chung như vợ chồng. Mẹ dù chia tay nhưng khi thấy cha có cuộc sống mới cũng buồn tủi, quyết định đưa tôi đi nơi khác làm thuê kiếm sống để quên đi nỗi đau. Cũng từ đó, tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp lại cha và anh trai mình.

Hai năm sau, đồng cảm với người đàn ông mù, hát rong kiếm sống qua ngày, mẹ quyết định gá nghĩa với người đàn ông này. Mẹ con tôi lại theo cha dượng về quê chồng ở phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai) sinh sống. Không lâu sau đó, tôi trở thành chị của ba đứa em cùng mẹ khác cha.

Cuộc sống nghèo khó, đông con, thu nhập chính phụ thuộc vào những đồng tiền bố thí mà người cha dượng mù lòa kiếm được sau những ngày mò mẫm khắp các ngõ hẻm hát rong. Để cải thiện bữa cơm cho gia đình, hàng ngày mẹ ra biển cào ngao, mót cá. Cũng vì hoàn cảnh gia đình mà tôi không được đi học, ở nhà trông đàn em thơ.

Một buổi sáng mùa đông năm 1994, khi đang lội đồng bắt cua thì tôi gặp một người đàn bà luống tuổi, ăn mặc sang trọng, đi trên một chiếc xe máy. Thấy tôi, người này dừng xe hỏi đường rồi nhìn tôi với con mắt thương cảm: “Xinh đẹp, trắng trẻo như cháu mà ăn rồi lội đồng bắt cua thì phí lắm, lại không có tiền. Có muốn ra Hà Nội làm thêm không thì dì giúp, công việc vừa nhàn hạ, được ăn ngon mặc đẹp lại có tiền phụ giúp cha mẹ". Nghe người đàn bà lạ mặt hứa xin việc, tôi cứ nghĩ mình may mắn gặp được “quý nhân” nên vui mừng, bỏ cả giỏ cua, chạy về nhà vơ vội mấy bộ quần áo đi theo người phụ nữ này như sợ nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ tuột khỏi tầm tay. Đi vội quá nên tôi quên luôn cả việc xin phép cha mẹ.

cuoc doi ngu2oi phu nu chap nhan rua chan cho nguoi giau kiem tien ve que sau 18 nam bi lua ban
Căn nhà của mẹ con chị Thảo đang thuê ở.


Sau nhiều ngày ngồi trên ô tô, thuyền máy, tôi được đưa đến một vùng đồi núi hoang vu. Bà ta giao tôi cho một người đàn ông luống tuổi, gầy gò để nhận lại một cục tiền rồi biến mất. Khi tôi mơ hồ nhận ra mình bị lừa bán làm vợ người Trung Quốc thì đã quá muộn. Tôi đã khóc, van xin người ta thả về nhưng vô vọng.

17 tuổi, tôi phải làm vợ người đàn ông ngang tuổi bố mình lại đang mắc bệnh nan y. Vì bệnh tật nên người vợ đầu đã bỏ ông ta đi tìm hạnh phúc mới nên họ mua tôi về thay thế. Sợ tôi chạy trốn, họ nhốt vào căn phòng nhỏ, tới bữa cho ăn, tắm rửa vệ sinh ngay tại chỗ. Giam 10 ngày, tôi được thả, họ bắt tôi làm việc nhưng luôn có người theo sát bên cạnh. Ngay cả lúc lên rẫy đi làm, gánh nước, tắm giặt.

Nói làm vợ xứ người nhưng phận tôi chẳng khác nào thân trâu ngựa, quần quật làm việc suốt ngày đêm. Không chỉ phục dịch người chồng mắc bệnh mà còn hầu hạ cả 8 người trong gia đình chồng. Tôi phải thức dậy từ sáng sớm làm quần quật đến nửa đêm mới được nghỉ ngơi. Một mình nơi đất khách, không ngôn ngữ, không người thân, bị nhà chồng thường xuyên chửi bới, đánh đập vì bất đồng ngôn ngữ, không làm đúng việc họ sai bảo.

Vì chồng bệnh nặng nên chung sống nhiều năm, tôi muốn tìm một mụn con để an ủi phận mình nhưng vẫn không thực hiện được. Nhiều lúc tủi thân muốn vùi mình xuống giếng mà chết, nhưng rồi nghĩ lại, có chết tôi cũng phải chết trên quê hương mình nên cố gắng sống, tìm cách trốn chạy. Và tôi cứ sống như vậy, lầm lũi như một chiếc bóng.

Hai lần chạy trốn

Năm 2002, người chồng qua đời. Chồng mất chưa được bao lâu thì gia đình chồng đã tìm cách “sang tên” tôi cho một người đàn ông khác để lấy tiền. Biết rõ được mục đích của người nhà chồng, tôi tìm cách chạy trốn, thoát khỏi cuộc sống địa ngục trần gian mà 8 năm qua tôi câm nín chịu đựng.

Chạy trốn khỏi nhà chồng khi trong người không một xu dính túi, tôi quyết tâm tìm cho mình một công việc để kiếm tiền trở về quê hương. Sẵn có chút tiếng Trung sau 8 năm lưu lạc, tôi xin vào làm lao công cho một công ty môi trường ngay tại thành phố. Ngày đi làm, tối về tôi lại chui vào nhà kho của công ty trải bạt ngủ.

3cuoc doi nguoi phu nu chap nhan rua chan cho nguoi giau kiem tien ve que sau 18 nam bi lua ban
Chị Thảo đoàn tụ bên cha mẹ.

31 tuổi, tôi quen rồi đem lòng yêu một người đàn ông từng trải qua một đời vợ, quê ở Thanh Hóa. Anh ta làm nghề bốc vác trong một kho hàng. Khi quen, tôi thành thật kể về cuộc đời của mình cho Hùng (tên người đàn ông) nghe và được anh đồng cảm. Không lâu sau đó chúng tôi cùng thuê một phòng trọ sống chung như vợ chồng. Gặp Hùng, tôi cứ nghĩ mình may mắn khi tìm được bến đỗ của cuộc đời, cứ ngỡ bất hạnh từ đây sẽ chấm dứt.

Nào ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, Hùng lộ rõ là con người siêng ăn nhác làm, ham mê cờ bạc lại có thói vũ phu. Những đồng tiền anh ta kiếm được đều nướng sạch vào những cuộc sát phạt nhau trên chiếu bạc. Những lúc thua anh ta bức xúc, về nhà dội hết lên đầu vợ. Thân thể tôi hàng ngày phải gánh nhận những trận đòn thấu xương thịt của Hùng mỗi khi anh ta bực tức, khi tôi không có tiền đưa.

Biết tôi mang thai nhưng anh ta vẫn đánh, đánh đến khi nào tôi đưa tiền thì thôi. Những đồng tiền tôi tích góp bao nhiêu năm cũng vì vậy mà đội nón ra đi. Sinh con vừa được 5 tháng, tôi quyết định ôm con trốn chạy lần thứ 2 để giải thoát cho cuộc đời mình.

Ôm con nhỏ trên tay, tôi tìm đến một quán ăn bình dân xin làm việc đổi lấy bữa cơm qua ngày và trú ngụ lại và được chủ quán đồng ý. Cũng trong thời gian làm việc ở đây có một số người giàu có đến dùng cơm đã ngỏ ý thuê tôi đến giúp việc nhà theo tiếng cho họ. Tôi gửi con cho người hàng xóm trông chừng rồi bắt tay vào công việc, mong muốn tích góp được chút tiền làm lộ phí tìm về quê hương.

Trở về quê hương

Ngoài những công việc lau dọn nhà cửa, giặt giũ, quét rác tôi còn nhận rửa chân cho người nhà giàu miễn là có tiền và không phạm pháp. Sau hai năm cật lực làm việc, tích góp được chút tiền, tôi quyết định tìm về quê hương sau 18 năm tha phương nơi đất khách.

Tháng 6/2012, trong một lần hành nghề rửa chân, tôi may mắn gặp người đàn ông Việt Nam tốt bụng. Sau khi nghe chia sẻ hoàn cảnh, anh ta ngỏ ý giúp đỡ đưa mẹ con tôi về Việt Nam.

Vì không biết chữ nên khi về đến Việt Nam tôi vẫn không nghĩ đó là quê hương mình. Chỉ đến khi nghe người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, tôi đã ôm con vào lòng gào khóc vì hạnh phúc. Tâm nguyện suốt gần 20 năm đã thành hiện thực. Đến bây giờ tôi vẫn cứ nghĩ đó chỉ là một giấc mơ.

Còn chút ký ức về quê hương cộng với lý lịch của cha mẹ mình, tôi nhanh chóng tìm về gia đình. Sau hàng chục năm, mọi thứ đều đã thay đổi. Cha mẹ đã già yếu, đàn em đều đã yên bề gia thất. Tôi chỉ biết ôm mẹ già mà khóc. Mẹ vội gỡ di ảnh của tôi trên bàn thờ xuống. Mẹ bảo sau khi tôi mất tích, lặn lội tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cha mẹ đành lập bàn thờ, lấy ngày tôi mất tích thành ngày giỗ suốt hàng chục năm qua.

Sau ngày về, sẵn chút vốn liếng tiếng Trung, tôi xin vào nấu cơm, phiên dịch viên cho một cảng cá gần nhà. Vì cảng này thường tiếp các lái thương Trung Quốc, cần người biết nói tiếng Trung nên tôi được nhận vào làm. Hàng ngày, tôi gửi con trai cho cha dượng trông chừng để đi làm. Thu nhập tuy không cao nhưng đủ để hai mẹ con chi tiêu một cách tằn tiện.

Thấy tôi vất vả, nhiều người khuyên tôi lên thành phố làm thuê kiếm tiền nhưng tôi không muốn rời khỏi quê hương mình lần nữa. Sau bao nhiêu năm xa vắng tình thương cha mẹ, nhớ nhà với tôi như thế đã quá đủ lắm rồi.

4cuoc doi nguoi phu nu chap nhan rua chan cho nguoi giau kiem tien ve que sau 18 nam bi lua ban
Mỗi lúc đi làm, cha dượng của chị Thảo lại đến trông nhà, trông mon con trai.

Thời gian qua cũng có rất nhiều người đàn ông biết hoàn cảnh, tìm đến ngõ ý cùng tôi xây dựng gia đình. Thế nhưng ám ảnh về hai đời chồng trước, tôi đã không còn tâm can nào nghĩ đến chuyện lập gia đình lần nữa. Hạnh phúc của tôi bây giờ là được nhìn thấy con lớn lên từng ngày.

Sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, tôi nhận ra một điều rằng người Trung Quốc ở thành phố không lấy vợ Việt. Hầu hết những người phụ nữ nhẹ dạ như tôi đều bị bọn buôn người đưa đến vùng nông thôn nghèo khó. Đó là những nơi đàn ông đến tuổi lập gia đình nhưng không đủ tiền cưới vợ theo phong tục của địa phương nên họ tìm mua phụ nữ Việt. Và tôi là một trong số những nạn nhân đó nhưng may mắn hơn là có cơ hội trở về, đoàn tụ với gia đình".

"Đã hơn 4 năm kể từ ngày tôi được trở về đoàn tụ với gia đình nhưng ký ức về chuỗi ngày tủi nhục với tôi dường như mới xảy ra ngày hôm qua. Giờ đây, có lúc nằm mơ tôi cũng phải giật mình vì sợ hãi. Chỉ vì nhẹ dạ, tôi đã đánh đổi tất cả cuộc đời tốt đẹp nhất của mình nơi đất khách, phải làm vợ không hôn thú với hai người đàn ông nhưng chưa bao giờ cảm nhận được hạnh phúc trong hôn nhân là gì. Giờ đây, tôi chỉ mong mình có chút sức khỏe để làm việc, nuôi con và được sống bình yên trong quãng đường phía trước, trên chính quê hương mình", chị Thảo trải lòng.

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Tác giả bài viết: Thúy Hằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP