Xã hội

Nghi Lộc: Đa dạng, thiết thực trong "Dân vận khéo"

Thấm nhuần lời dạy của Bác "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", những năm qua, huyện Nghi Lộc luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tham gia phát triển KT – XH, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn.

Trong lộ trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) được đánh giá là một trong những đơn vị gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, chỉ sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới toàn xã Nghi Hợp xấp xỉ 100 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi. Bên cạnh đó, các hộ dân còn tự nguyện hiến trên 2.000m2 đất vườn để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới. Hiện, toàn xã đã thực hiện thành công 19/19 tiêu chí nông thôn mới.


Vận động nhân dân hiến đất mở đường.

Ông Nguyễn Thành Tích – Bí thư đảng ủy xã Nghi Hợp cho biết: Có được kết quả trên một phần là nhờ đội ngũ cán bộ mới, trẻ có năng lực được kiện toàn sau Đại hội Đảng, nhưng quan trọng hơn đó là địa phương đã làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, biết lắng nghe, trưng cầu ý kiến nhân dân. Đồng thời phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, kịp thời nêu gương những điển hình tiên tiến để nhân ra diện rộng. Hy vọng rằng khi “ý Đảng hợp lòng dân”, Nghi Hợp sẽ sớm về đích chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 này.

Vân động nhân dân làm dưa lê tăng thu nhập ở xã Nghi Long.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác là nội dung được Đảng ủy xã Nghi Thuận chọn triển khai thực hiện. Theo đó, người dân ở đây đã tích cực mở rộng những diện tích đất hai lúa, đất hạn sang trồng hoa màu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế. Điều này đã góp phần không nhỏ thay đổi cuộc sống của nông dân. Hiện tại, xã đã chuyển đổi được 80ha đất hai lúa sang trồng rau màu, tăng 20ha so với năm ngoái. Đến nay, các diện tích này đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi sào thu lãi 5 triệu đồng, tăng gấp 7 lần trồng lúa.

Vận động nhân dân tăng diện tích cây dưa hấu.

Chị Nguyễn Thị Hạnh xóm 6 - xã Nghi Thuận là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện chủ trương chuyển đổi đất hai lúa sang trồng màu. Với 2,5 sào lúa kém hiệu quả, chị chuyển sang trồng rau cải ngọt. Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hướng đến sản phẩm rau sạch nên trong quá trình chăm sóc gia đình chị thực hiện quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau của gia đình thu hoạch được thương lái đến thu mua tận ruộng, không phải lo đầu ra. Vụ rau này, gia đình chị thu về xấp xỉ 12 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Chị Hạnh cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của xã vừa tránh bỏ phí đất, vừa giúp gia đình chị có thêm thu nhập.

Cán bộ dân vận xóm Hậu Hòa tuyên truyền luật đến từng người dân.

Bám sát cơ sở, gần gũi với nhân dân là phương châm trong công tác vận động quần chúng ở Nghi Lộc. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể không những tích cực trong vận động quần chúng mà còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” từ huyện đến cơ sở; tổ chức đánh giá chất lượng, tiến độ và hiệu quả các mô hình theo từng thời điểm; từ đó, có kế hoạch, giải pháp khắc phục những mô hình kém hiệu quả, nhân rộng những mô hình điển hình, tiên tiến...

Đặc biệt, đến nay toàn huyện đã vận động gần 6000 hộ dân hiến 230 ngàn mét đất vườn, đất nông nghiệp, gần 6500m tường bao, xây dựng hơn 50km dường bê tông xi măng và nhiều công trình thủy lợi...Riêng năm 2016 này, toàn huyện đã xây dựng được trên 76 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Năm nay, huyện triể khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Các địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, luôn có thái độ lịch sự, ân cần khi tiếp dân, giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc và đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.


Huyện hỗ trợ từ 50 đến 80 triệu đồng xây dựng một nhà văn hóa xóm, còn lại vận động nhân dân đóng góp.

Về những bài học kinh nghiêm trong công tác dân vận ở Nghi Lộc, bà Lê Thị Hạ - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Thứ nhất, để công tác “Dân vận khéo” ngày càng gần dân, sát cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách an sinh xã hội, Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Thứ hai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến tận cơ sở, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thứ ba, phải lựa chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cần hướng vào các khâu khó, khâu yếu để giải quyết các vấn đề đặt ra của thực tiễn.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, Nghi Lộc đã phát huy được sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.

Tác giả bài viết: Hồng Vinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP