Xã hội

Nghệ An: Tự ý xây nhà, chiếm đất rừng người khác

Tự ý xây dựng nhà trên khu đất rừng đã được cấp sổ đỏ cho người khác, dù chủ đất đã nhiều lần yêu cầu trả đất nhưng vẫn không hợp tác, vì cho rằng anh trai chủ đất đã “gán nợ” trước đó. Vụ việc kéo dài hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến người dân bức xúc.

Cho mượn đất ở tạm, bỗng dưng mất đất

Ông Nguyễn Văn Hùng (trú tại xóm 10, xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ, Nghệ An) có đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh về việc khu rừng của ông được chính quyền cấp GCNQSDĐ nhưng bị một hộ dân lấn chiếm, sử dụng trái phép nhiều năm nay.

Ông Hùng cho biết, thời điểm năm 1996, anh trai là Nguyễn Văn Hảo cùng các anh em nhận đất của lâm trường chuyển giao với diện tích hơn 50ha trồng gỗ mỡ tại khu vực hố Trù, xã Nghĩa Bình. Thời điểm đó có một số công dân xã Nghĩa Đồng lập trang trại và sinh sống trong khu rừng bên cạnh. Trong số những người này có ông Nguyễn Trường Cửu đã đến xin gia đình anh trai được dựng lán trên khu rừng nhà anh Hảo để tiện đi lại chăm sóc.

nha ong cuu xay dung tren dat ong hung 1410
Căn nhà kiên cố mà gia đình ông Cửu đã xây dựng trên đất rừng thuộc quyền quản lý của ông Hùng.

“Nghĩ là họ làm lán trại đây cũng không ảnh hưởng đến diện tích đất nhà mình nhiều mà có thể chăm sóc bảo vệ rừng cho cả hai bên nên gia đình anh em tôi vui vẻ đồng ý cho họ mượn. Cuộc sống hàng ngày diễn ra hai bên không có mâu thuẫn gì, bên hộ ông Cửu cũng tiến hành xây một căn nhà kiên cố hơn để đảm bảo cho việc sinh hoạt khi chăm sóc bảo vệ rừng…”, ông Hùng kể.

Tháng 11/2003, anh trai là ông Nguyễn Văn Hảo đã chuyển nhượng diện tích rừng trên cho ông Nguyễn Văn Hùng bằng giấy tờ viết tay. Ngày 17/10/2006, UBND huyện Tân Kỳ cấp GCNQSDĐ số AE 647948 cho mang tên Nguyễn Văn Hùng, gia đình tiến hành chăm sóc khu rừng bình thường cho đến nay. Để thuận tiện cho việc chăm sóc rừng mỡ, ông Hùng đã yêu cầu ông Cửu ra khỏi khu đất rừng, tuy nhiên không những không thực hiện mà còn “cố thủ” bằng cách xây thêm một cổng ra vào nhà. Ông Cửu cho rằng, năm 1996 ông Hảo đã mượn tiền mình và gán lại diện tích 1,5ha rừng nơi ông Cửu đang làm trang trại. Bằng chứng là một tờ giấy viết tay với nội dung là “Biên bản xác nhận về việc vay tiền và bán đất rừng mỡ khu vực khe Cát”.

Quá bất ngờ về việc này, ông Hùng yêu cầu làm rõ sự việc, “Tôi đã hỏi đi hỏi lại anh trai tôi là anh Hảo về việc mượn tiền, anh trai tôi cam đoan không kí vào biên bản đó hay bất cứ giấy vay tiền hay bán đất rừng nào. Nếu có biên bản vay mượn đó tại sao thời điểm cấp GCNQSDĐ cho tôi ông Cửu không xuất trình ? Đến nay khu đất của tôi đã được chính quyền cấp sổ đỏ và sử dụng ổn định hơn 10 năm thì mới đưa ra…”, ông Hùng nói.

Có cư trú trái phép trên đất người khác?

Trước đó, ông Hùng cũng đã có đơn thư gửi chính quyền địa phương đề nghị giải quyết vụ việc, ngày 2/12/2010, UBND xã Nghĩa Bình đã mời hai gia đình lên đối thoại, kết luận công nhận đất gia đình ông Hùng theo hồ sơ pháp lý. Nhưng ông Cửu vẫn không chấp nhận và tiếp tục trồng cây, xây cổng trước khu vực vào nhà xây trên diện tích đất của ông Hùng. Vụ việc kéo dài từ đó đến nay đã hơn 6 năm nhưng vẫn chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm tranh chấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Bích, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho hay, đây là vụ việc xảy trong thời gian dài, qua các tài liệu thì nguyên thuở đất khu vực Hố Trù là của lâm trường, sau đó bàn giao cho địa phương quản lý. Năm 1996, xã thông báo hộ dân nào có nhu cầu nhận đất rừng sản xuất thì làm đơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Hảo đã làm đơn và được cấp hơn 50ha đất rừng trồng cây gỗ mỡ để quản lý, chăm sóc. Ông Nguyễn Trường Cửu là người dân xã Nghĩa Đồng thời điểm đó sang xâm canh xâm cư trên địa bàn, dựng lán trại làm trang trại chăn nuôi trên đất của xã Nghĩa Bình. Năm 1997, ông Cửu và những người khác được quy hoạch sáp nhập thành công dân xã Nghĩa Bình, thành lập xóm 12 trong địa giới hành chính.

Ông Bích khẳng định: “Theo hồ sơ và giấy tờ thì ông Cửu đang ở trái phép trên đất của ông Hùng, vì diện tích đất nói trên đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ từ năm 2006. Quan điểm của địa phương là phải làm cho đúng sự thật. Trường hợp ông Hùng có yêu cầu địa phương phải cưỡng chế yêu cầu ông Cửu ra khỏi khu đất của mình nếu đủ thẩm quyền thì chúng tôi làm, nếu không đủ thẩm quyền thì xã sẽ báo cáo huyện…”.

Bà Trương Thị Hải, Phó phòng TNMT huyện Tân Kỳ cho biết: Hiện Phòng chưa nhận được đơn thư của công dân cũng như phản ánh về vụ việc nói trên. Tuy nhiên, tại Phiếu đề xuất thụ lý đơn số 187 của UBND huyện Tân Kỳ ngày 21/4/2011 giao cho trưởng phòng TNMT huyện xem xét nội dung đơn, tham mưu chủ tịch UBND huyện hướng giải quyết. UBND huyện đã có văn bản số 194 trả lời đơn thư, giao cho UBND xã tiến hành hòa giải theo quy định, nếu không thành thì lập hồ sơ gửi TAND huyện giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, đến nay ông Cửu và những người trong trại bò vẫn đang sống định cư trong ngôi nhà được xây dựng trên đất của ông Hùng đã được chính quyền cấp sổ đỏ.

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, mới đây nhất ngày 30/8/2016 UBND xã Nghĩa Bình lại chủ trì buổi hòa giải giữa ông Hùng và ông Cửu. Theo báo cáo số 28 ngày 27/9/2016 về buổi hòa giải thì buổi hòa giải không thành. UBND xã đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành giám định chữ ký của ông Hảo trong biên bản xác nhận việc vay tiền và bán đất rừng mỡ khu vực Khe Cát. Việc cư trú bất hợp pháp trên mảnh đất của người khác đã được chính quyền cấp sổ đỏ gây bức xúc cho gia đình ông Hùng cũng như những người trong gia đình, Đề nghị chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn - Quang Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP