Xã hội

Nghệ An: Phát triển công, nông nghiệp hiện đại phải gắn liền với bảo vệ môi trường

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo "Phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ chính trị" về định hướng, giải pháp phát triển công, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

* Đầu tư phát triển Công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường
TS. Nguyễn Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương trao đổi một số giải pháp chủ yếu để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Theo TS. Nguyễn Anh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương, một số giải pháp chủ yếu để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020: Phát triển các ngành công nghiệp Nghệ An nhanh và bền vững là đòi hỏi khách quan nhưng không dễ dàng. Một số giải pháp chủ yếu là quản lý nhà nước về hoạt động công nghiệp tốt, nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn; phát triển nguồn nhân lực, tích cực đầu tư phát triển hệ thống đào tạo, kết hợp đào tạo nghề chính quy, dài hạn với đào tạo ngắn hạn kèm nghề tại nơi sản xuất, đào tạo chuyên sâu đội ngũ kỹ thuật an toàn sản xuất; đầu tư phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên nên có chiến lược đúng đắn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào ổn định lâu dài; tái cấu trúc phát triển công nghiệp.
Đại diện tập đoàn Hermaraj - Thái Lan (áo trắng bên phải) nhấn mạnh về việc phát triển công nghiệp cần gắn với thân thiện môi trường

Đại diện nhà đầu tư tập đoàn Hermaraj (Thái Lan) cho biết: Chúng ta hướng đến sự phát triển bền vững thì phải từ chối những nhà sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường. Những nhà đầu tư có tầm nhìn, công nghệ cao họ không chấp nhận được những nhà sản xuất gây hại cho môi trường xung quanh họ. Chúng tôi chọn những doanh nghiệp cùng đẳng cấp, chứ không chọn bừa những nhà sản xuất sử dụng công nghệ cao mà gây ảnh hưởng môi trường. Vì thế, chúng tôi lựa chọn Nghệ An tức là chúng tôi đã quan tâm đến những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thân thiện với môi trường. Trong tương lai chúng tôi tập trung vào 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và chúng tôi lựa chọn phải cân bằng được 3 lĩnh vực ấy. Hiện tại chúng tôi đưa ra quy hoạch chung của khu công nghiệp với những tiêu chuẩn cao và chúng tôi quan tâm đến chính sách ưu đãi, tập trung đến nhân lực đào tạo sau này cho khu công nghiệp thế nào.

Trong quá trình 6 tháng chúng tôi nghiên cứu để xem có đầu tư vào Nghệ An hay không, thì chúng tôi có khảo sát giáo dục tại Việt Nam, nếu như ở Nghệ An không đào tạo được nhân lực chúng tôi sẵn sàng đào tạo giáo viên. Tức là, nếu như chúng ta nhận biết được nhân lực là vấn đề hạn chế, chúng tôi sẽ đào tạo được những giáo viên cực tốt và chúng tôi muốn hiểu được. Ví dụ, chúng tôi phải hiểu được chuỗi giá trị sản phẩm, để tạo ra nó, chúng tôi cần hệ thống cơ sở hạ tầng. Và một điều mọi người nên biết có hai thứ tạo ra chuỗi giá trị gia tăng là giáo dục và hệ thống cơ sở hạ tầng. Ví như sân bay quốc tế, đường sắt Bắc Nam rất quan trọng...

Để nhập khẩu các nguyên liệu thô cho khu công nghiệp, chúng tôi cần có đường nhập khẩu thẳng từ cảng Hải Phòng về Vinh. Lần đầu tiên chúng tôi quyết định đầu tư ra bên ngoài, vào Việt Nam và chúng tôi chọn Nghệ An vì chúng tôi nhận thấy lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho chúng tôi rất nhiều, sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp với nhau tốt mới tạo ra được thành tựu.

* Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển cần thiết cho Nghệ An

Ông Hồ Xuân Hùng – Nguyễn thứ trưởng bộ NN và PTNT quan tâm đến những vấn đề về xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn. Nghệ An có cả tài nguyên và con người, nhưng có khai thác được không và khai thác lợi thế đó bằng cách nào? Đó là phải hiện đại hoá nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Hồ Xuân Hùng – Nguyễn thứ trưởng bộ NN và PTNT quan tâm đến vấn đề về xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An lại trao đổi về thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An: Phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An trở thành khu vực phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Kết nối với Thanh Hóa để hình thành “Xa lộ nông nghiệp công nghệ cao” lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính.

Tác giả bài viết: Thùy Linh - Minh Quý

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP