Xã hội

Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”

Trước tình hình mua bán người trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã tập trung nguồn lực để xây dựng mô hình “Hỗ trợ cộng đồng, phòng chống mua bán người” tại các cấp cơ sở.

Hiệu quả thiết thực từ mô hình…

Sau gần 6 năm hoạt động, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người’ được Hội LHPN tỉnh Nghệ An triển khai đã cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người cho các tầng lớp phụ nữ và góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn.

Xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là xã biên giới rẻo cao có diện tích tự nhiên 37.523,53 ha, dân số 1.870 hộ, có 7.399 người với 05 dân tộc anh em cùng sinh sống (gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Đan Lai và Tày Poọng) trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,45%, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn…

Toàn xã có 12 bản, làng trong đó có 03 bản nằm ở khu vực biên giới. Có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài hơn 21km và nhiều đường tiểu ngạch vào khu vực biên giới; ngoài ra còn có đường QL 7A và QL 48B chạy qua địa bàn.

Tổ chức đối thoại, truyền thông về tình trạng mua bán người tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Mặc dù, được sự quan tâm của chính quyền địa phương nhưng xã Tam Quang vẫn được xác định là một trong những xã nghèo của huyện miền núi Tương Dương, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về chính trị, pháp luật còn hạn chế, tập tục lạc hậu, tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều, đặc biệt là trong độ tuổi thanh niên…

Đây là những yếu tố mà các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt phụ nữ có hoàn cảnh éo le, phụ nữ đơn thân, quá lứa lỡ thì, thiếu việc làm…. để bán đến các trung tâm thành phố, thị xã và nước ngoài.

Đầu năm 2015, thực hiện hướng dẫn của các cấp, ngành liên quan, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” được triển khai và ra mắt tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương với 14 thành viên là các chi hội trưởng ở cấp cơ sở.

Câu lạc bộ ra mắt và đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều Hội viên tham gia (tính đến nay có 72 thành viên tham gia); thường xuyên duy trì và tổ chức các đợt sinh hoạt theo định kỳ với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, xem phóng sự, hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ, đánh giá về kết quả hoạt động của câu lạc bộ, trong đó tập trung vào công tác rà soát số Hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống.

Chỉ đạo đã tổ chức 12 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, với hơn 3.000 lượt người tham gia. Phối hợp với Đồn Biên phòng, các ban ngành, đoàn thể tổ chức 08 đợt tuyên truyền tại các bản, làng giáp biên giới với 1.720 lượt người tham dự; phối hợp với các trường học tổ chức 02 đợt với hơn 600 cán bộ, giáo viên và học sinh tham dự.

Đồng thời, thường xuyên nắm chắc số đối tượng nghi hoạt động liên quan đến mua bán người hoặc đưa người đi lao động bất hợp pháp, thống kê số đối tượng nghi có liên quan phạm tội mua bán người để theo dõi; đồng thời thống kê số đối tượng đi làm ăn xa để nắm và quản lý. Trong đó số đối tượng liên quan đến đưa người đi lao động bất hợp pháp 02 đối tượng. (Năm 2014 có 179 người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, sau khi mô hình được triển khai và đi vào hoạt động thì số người đi lao động bất hợp pháp giảm còn 137 người).

“Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người’ được Hội LHPN tỉnh Nghệ An triển khai đã cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người cho các tầng lớp phụ nữ và góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn.

Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Mô hình sẽ đào tạo cho các chị em về kiến thức mua bán người; sau đó thì tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng để cung cấp cho bà con thực trạng về tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các hành vi, thủ đoạn để bà con biết để phòng tránh”.

Bà Hoa cũng cho biết thêm, ngoài xã Tam Quang, huyện Tương Dương, chúng tôi đã nhân rộng mô hình đến các địa phương khác như xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn; xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương; và tại các địa phương ở huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn… đem lại những hiệu quả thiết thực.

Cần nhân rộng mô hình để “phòng là chính”

Nét nổi bật của mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” là công tác truyền thông và hỗ trợ nạn nhận bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: Sinh hoạt hội viên, nói chuyện chuyên đề, treo các băng rôn, khẩu hiệu…; đồng thời tăng cường truyền thông trên hệ thống loa phát thanh về phương thức, thủ đoạn, tác hại của loại tội phạm mua bán người, các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng ứng phó trong trường hợp có dấu hiệu về việc mua bán người, cách phát hiện tố giác tội phạm, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và bản thân trong việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, tại các chi hội phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã vận động người dân giúp đỡ nhau, không kỳ thị với các nạn nhân mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng, đồng thời hướng dẫn cho chị em phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về địa phương làm các thủ tục để hưởng chính sách, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, học văn hóa, học nghề…

Các hoạt động tuyên truyền về Phòng chống mua bán người đem lại hiệu quả thiết thực, hạn chế tình trạng phụ nữ, trẻ em các loại tội phạm dụ dỗ và lôi kéo lừa bán.

Do địa bàn chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số di dân, Tái định cư từ huyện Tương Dương, Con Cuông… về đây để sinh sống, nên các phong tục, nhận thức của bà con con hạn chế, những năm qua, tại địa bàn xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tình trạng mua, bán người luôn diễn biến hết sức phức tạp. Bà Lang Thị Hương – Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết: “Từ năm 2013, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã triển khai mô hình Hỗ trợ cộng đồng và phòng chống mua bán người tại địa bàn với 100 % cán bộ Hội phụ nữ của 16 bản (với 30 thành viên) đến từ các chi hội được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến công tác, phòng chống mua bán người. Đồng thời, cung cấp kiến thức về phòng chống, ngăn chặn, đấu tranh với hành tội phạm mua bán người cho bà con một cách rộng rãi trên địa bàn”.

Tuy nhiên, ngoài những hiệu quả thiết thực của mô hình, công tác phòng chống mua bán người ở các vùng núi cao cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi trình độ, nhận thức của phụ nữ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn hàn chế, một số phụ nữ là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông. Nhiều nạn nhân sau khi trở về phần lớn sức khỏe không đảm bảo, không tài sản, không gia đình, thậm chí họ bị mặc cảm và kỳ thị…

Chính vì vậy, với phương châm “Phòng là chính”, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng, phòng chống mua bán người” góp phần mạnh mẽ trong việc hạn chế số nạn nhân bị mua bán, giúp họ biết cách tự bảo vệ bản thân, tố giác các loại tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng phức tạp trên địa bàn.

Tác giả bài viết: Việt Hòa – Đặng Sơn
Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP