Xã hội

Lên biên giới cùng anh, em nhé!

Một ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có chuyến công tác ngược Quốc lộ 7 lên các huyện biên giới của tỉnh Nghệ An. Đến thăm cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện tình yêu của vợ chồng Trung úy Nguyễn Phúc Quang, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đoàn KT-QP 4 và cô giáo Trần Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Tình yêu mộc mạc, sâu sắc và chân thành giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách “dệt nên” một câu chuyện tình đẹp nơi núi rừng biên cương xứ Nghệ.
14072016vuongthuy67 hauphuong cogiao
Gia đình hạnh phúc của Trung úy Nguyễn Phúc Quang.

Kể về tình yêu của mình, Trung úy Nguyễn Phúc Quang cười hóm hỉnh: “Nhờ làm “đồng đội” của bố vợ mà mình mới có được cô ấy đấy”. Đó là một ngày cuối năm 2002, chàng y sĩ Đoàn KT-QP 4 cắt phép về thăm gia đình ở Thanh Chương, Nghệ An. Trong lần về phép đó, anh đến thăm gia đình một người đồng đội cùng đơn vị, lại cùng quê Thanh Chương. Trong bữa cơm chiều thân mật tại gia đình, sự xuất hiện của cô con gái chủ nhà với nước da trắng trẻo, đôi mắt trong veo làm trái tim chàng trai trẻ xao xuyến. Sau bữa cơm hôm đó, Quang mới biết, cô gái tên là Trần Thị Hiền, đang học năm thứ nhất, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Kết thúc đợt nghỉ phép, trở về đơn vị, Quang cứ “tương tư” mãi về hình ảnh của Hiền. Từ đó, anh bắt đầu gửi những dòng tâm sự chất chứa yêu thương tới cô sinh viên Ngữ văn cùng quê. Tình yêu đến với họ lúc nào không hay. Những cuộc gọi điện, những bức thư đầy ắp tình cảm cứ đều đặn theo từng ngày, từng giờ. Có lần về phép gặp người yêu, ngồi bên triền đê lộng gió, Quang hỏi như để thử lòng: “Em có ngại đường xa cách trở không? Sau khi tốt nghiệp ra trường rồi, em có lên biên giới với anh không?”. Thoáng chút bối rối, khuôn mặt đỏ bừng, Hiền đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm.

Thế rồi, một ngày cuối năm 2006, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô giáo trẻ đã tình nguyện lên biên giới nơi Quang đóng quân để dạy học. Cũng từ đó, Quang và Hiền có điều kiện gần nhau, tình yêu của họ thêm nồng thắm. Tháng 7-2008, đôi bạn trẻ quyết định “về chung một nhà” bằng một đám cưới giản dị dưới chân núi Phu Xai Lai Leng hùng vĩ.

Giờ đây, tổ ấm của anh Quang và chị Hiền đã có hai “thiên thần”, một trai, một gái rất đáng yêu. Mặc dù cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tổ ấm của anh chị luôn đầy ắp tiếng cười. Trong ngôi nhà nhỏ, được đơn vị tạo điều kiện cho mượn, chị Hiền xúc động nói: “Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự sẻ chia chân thành, chúng tôi sẽ vượt qua được mọi thử thách để bám trụ nơi mảnh đất nơi biên cương này”.

Câu chuyện tình yêu của Trung úy Nguyễn Phúc Quang và cô giáo Trần Thị Hiền cũng giống như bao câu chuyện tình cảm động của những người lính với những cô giáo trẻ trên các bản, hay những trí thức trẻ tình nguyện... nơi vùng biên cương Tổ quốc. Họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành, giản dị. Và cũng chính tình yêu đã tạo nên sức mạnh để họ thêm yêu mến và gắn bó với mảnh đất ở địa đầu Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Anh Trần

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP