Xã hội

“Lá xanh” rụng xuống đại ngàn

Hơn 10 năm trước, Mường Nọc (Quế Phong, Nghệ An) phải đón nhận trường hợp nhiễm “ết” đầu tiên. Rồi từ đó, căn bệnh chết người này cứ bòn rút bản làng, lấy đi những thanh niên, trai tráng.

Tan hoang sau “bão”

Tất cả bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi cơn bão ma túy còn đương hoành hành khắp miền Tây xứ Nghệ cũng là quãng thời gian mà Mường Nọc phải chịu nhiều đau thương, mất mát nhất. Nỗi đau ấy có những thời điểm loang rộng và còn tồn tại đến mãi tận bây giờ. Ở bản làng nào ở cái xã nằm dưới chân núi Bù Con Cắng này, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những gia đình vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con. Thậm chí, có gia đình còn bị “bão ết” cuốn tất thảy già trẻ, lớn bé về nơi chín suối. Có người chồng dính “ết”, vẫn hồn nhiên về “nhây” sang vợ, như trường hợp của Lô Thị Th (SN 1975, ở bản Ná Ngá).

Th ngoài 40 tuổi, người héo quắt, phất phơ như cái dải khoai. Tôi nhìn mãi, tuyệt nhiên không tìm thấy trên gương mặt chị lưu giữ được nét gì của thời xuân sắc. Nghe nói, ngày trước chị đẹp. Đẹp đến nỗi tối tối trai bản xếp hàng ngồi từ trong nhà ra ngoài ngõ để những mong rước chị về làm vợ. Mười bảy tuổi, Th lấy chồng. Chồng chị, anh Lô Công H, không phải con nhà bề thế ở Mường Nọc, nhưng bù lại, anh cao to, khỏe mạnh, vâm vam như gấu. Cưới nhau được vài năm, Th sinh hai con, một trai một gái. Nhà bốn miệng ăn chỉ trông vào hơn sào ruộng nước và mấy nương ngô, co kéo mãi mà vẫn thậm thụt bữa no bữa đói. Chồng Th tính lên thị trấn kiếm việc làm.

Sau khi bán sạch số thóc, gạo trong nhà, cộng thêm chút tiền vay mượn, Th mua được chiếc xe máy cà tàng cho chồng chạy xe ôm. Tưởng rồi chiếc xe sẽ như chiếc “cần câu cơm” kéo cả gia đình lên no ấm, nào ngờ nó rặt “câu” tai họa. Anh H từ lúc chạy xe, tiền kiếm được cũng nhì nhằng. Ban đầu thì còn mang về đưa vợ, sau anh tập tành theo đám bạn bập vào ma túy. Thỉnh thoảng, anh chạy xe đưa đón khách trong tình trạng phê thuốc, đầu óc phơi phới như kẻ mộng du. Những lúc ấy, cứ nghĩ mình đang cưỡi chiến mã lướt cùng giăng gió, thế là đường quang không chạy, anh toàn nhằm bụi rậm mà đưa “thượng đế” vào. Nhẹ thì trầy da tróc vẩy, nặng thì cả người lẫn xe nằm bẹp dí bên con đường dốc dác sim mua.


Bà Lô Thị M: “Tôi chỉ lo mấy đứa cháu sau này không biết nương tựa vào ai”

Và, cũng từ một lần chạy xe trong trạng thái tinh thần phấn khích, anh gây tai nạn. Đi cấp cứu, bác sỹ bảo anh nghiện, anh nhiễm “ết”. Th chả biết con vi rút HIV nó hình thù thế nào, nhưng “con ma thuốc phiện” thì Th biết. Bởi ở bản Th đã có mấy người vác cả trâu bò, lợn gà mang đi “cúng” cho con “ma” vô hình nhưng quái ác ấy.

Từ ngày H đổ đời theo ả phù dung, trong nhà có gì đáng giá anh mang đi bán hết. Không chỉ bao ngô, tải thóc mà đến cả cái ang, cái chậu cũng đội nón ra đi. Nhà nghèo lại càng nghèo. Đến khi “con ma thuốc phiện” nó ăn sạch bách của nả, ăn hết cơ bắp vâm vam, cường tráng của anh thì cũng là lúc anh bỏ vợ dại con thơ để về “chầu các cụ”. Trước khi “đi”, anh cũng kịp “dúi” cho vợ “con HIV”. Giờ vợ anh, chị Th, ngày hai buổi lên rừng bói măng, kiếm củi. Hôm nào rừng động, chị ở nhà ngó mưa thì y rằng cả 3 mẹ con đều nhịn.

Hôm tôi đến, chị đang ngồi thái sắn phơi ngoài bờ suối. Chị than, đận này lũ trẻ không ăn được ngô, nên phải “đổi món” cho chúng bằng cách… bán ngô mua sắn. Ngồi thần ra mất mấy giây, chị cũng không nhớ nổi lần gần nhất mà mấy mẹ con được ăn thịt là từ bao giờ. Và, chị càng không nhớ được hai con mình được mẹ mua cho quần áo mới là từ khi nào. Cuộc sống của mấy mẹ con chị, nó hoang biệt còn hơn cả đại ngàn.

Vừa kể, chị vừa khóc. Khóc chán, chị thở dài. Tiếng thở dài của người vợ góa vừa mới ngoài bốn mươi mà “đã toan về già” nghe não nề, se sắt. Chị chỉ ước từ giờ đến cuối năm, cặp lợn trong chuồng hay ăn chóng lớn, không bệnh tật, không lở mồm long móng gì để áp Tết chị sẽ bán lấy tiền đưa hai đứa trẻ xuống thị trấn “mua sắm một bữa cho thỏa”. Mà Tết thì còn xa…

Còn mãi những nỗi đau

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, trong cả 14 xã và thị trấn của huyện đều có người nhiễm HIV, tập trung nhiều nhất ở Mường Nọc, Đồng Văn, Thông Thụ… Tính đến giờ, con số người nhiễm HIV ở huyện biên giới này lên tới 1.261 người. Trong đó, 518 người đã tử vong, hiện còn 743 người đang sống trải đều trên cả 14 xã và thị trấn. Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua việc tiêm chích ma túy chiếm tới hơn 90%. Chỉ tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện có 14 người chết vì liên quan đến HIV/AIDS và ma túy. Còn trước đó, năm 2015, con số tử vong là 47 người. Toàn những trai Mông, gái Thái tuổi mười tám đôi mươi đổ đời vào ma túy, dùng chung kim tiêm, rồi dính “ết”, rồi “giã biệt đường trần” ra nằm bên lối đá hoang vu.


“Tổ ấm” của vợ chồng Lô Thị Th

Đại họa ma túy, cơn bão “ết” nó chả khác gì cơn gió độc, thế hưng có một điều đáng buồn là ở Mường Nọc, có những thời điểm mà người dân đã quá coi thường con vi rút chết người HIV. Mặc cho các cơ quan đoàn thể nối nhau về làm công tác vận động, tuyên truyền, người ta vẫn xem “ết” chỉ như cơn hắt hơi, sổ mũi chứ không phải là căn bệnh chết chóc mà cả thế giới y học đang phải đau đầu, họ cũng chẳng cần quan tâm “tử thần” có ghé thăm, có ngự trị trong ngôi nhà của mình hay không. Chính sự thờ ơ, thiếu hiểu biết đó của bà con đã khiến nỗi đau của Mường Nọc kéo dài ra mãi.

Ở giai đoạn đỉnh điểm của “bão”, nhiều thanh niên trai tráng Mường Nọc biết mình bị “ết” mà vẫn điềm nhiên lấy vợ, sinh con; nhiều cô gái biết người yêu có tên trong “danh sách tử thần” cũng chẳng đoái hoài, lo sợ, cô vẫn xênh xang váy áo để về “nâng khăn sửa túi cho chàng”. Thế là bao đớn đau, hệ lụy bắt đầu nảy nòi từ những cặp vợ chồng xem tính mạng mình và người khác như cỏ rác ấy. Thậm chí, nhiều ông chồng thân mang “ết” cũng chẳng cần kiêng cữ, phòng chống gì, vẫn thản nhiên quan hệ rồi “nhây” sang vợ, vợ “nhây” sang con. Chỉ qua có vài năm, vợ chồng con cái gia đình ấy kéo nhau “lên bàn thờ” bỏ lại căn nhà huơ hoác cho cỏ mọc.

Nhiều người nói rằng, “bão” không tự dưng qua, mà chủ yếu do người Mường Nọc “rước” về. Bởi, thanh niên trai tráng ở đây chỉ thấc lên một chút đã cắm đầu lên rừng, lên núi. Không làm lâm tặc, phu đá, phu vàng thì… đi buôn hàng trắng. Dù làm nghề gì đi chăng nữa, thì những trai tráng con nhà sơn dân Mường Nọc cũng khó tránh khỏi cảnh ăn thác, ngủ ghềnh, sống như thổ phỉ. Núi rừng hoang thẳm, đêm lán trại buồn hiu hắt, thế là họ bập vào ma túy để giải khuây. Nghiện - dùng chung kim tiêm - dính “ết”, thế là tất cả rủ nhau chui vào “danh sách tử thần”.


Đường vào Mường Nọc

Một lý do nữa khiến Mường Nọc trở thành tâm bão “ết”, đó là do nó quá gần con đường trung chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Có những đường dây ma túy bị bóc gỡ, khi tiến hành lấy lời khai, người ta mới ngã ngửa vì có không ít đối tượng trong đường dây này có hộ khẩu ở xã này. Thế cho nên, ở cái xã nằm ven thị trấn Kim Sơn này, hình ảnh những cô gái trẻ, ẵm con, thắp nhang cho chồng không phải là hiếm.

Trong hồ sơ của cơ quan y tế huyện, hiện Mường Nọc có đến 120 người nghiện và trên 200 đối tượng nhiễm HIV. Đó là con số trên sổ sách, chứ trên thực tế, có thể nó còn lớn hơn nhiều. Điều đáng tiếc ở đây là tất cả họ đều còn trẻ và đang trong độ tuổi lao động. Họ là những đối tượng dễ lây nhiễm HIV, dễ bị “tử thần” gọi tên nhất. Không ai biết, 14 chiếc “lá xanh” ấy khi nào sẽ rụng. Và, cũng không ai hay, liệu “đầu bạc” có còn phải khóc tiễn “đầu xanh”.

Mẹ anh Lô Công H, bà Lô Thị M, mỗi khi có khách hỏi thăm lại chan chứa hai hàng nước mắt. Bà khóc thương cho đứa con trai, khúc ruột buốt xót của mình, và cũng khóc thương cho số phận hẩm hiu của hai đứa cháu. Bà bảo, thằng con nghiện ngập rồi mắc AIDS, tự nó mang họa vào thân đã đành, đằng này lại lây sang cho vợ. Tội nghiệp con bé, nó còn trẻ quá. Nói dại, mai này nó “theo chồng” xuống dưới suối vàng, chúng tôi phải làm thế nào để nuôi lũ trẻ?!

Mấy năm gần đây, chính quyền và các cơ quan đoàn thể huyện Quế Phong đã rốt ráo vào cuộc và chủ động tìm cách để giải quyết nên tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở Mường Nọc đã dần được cải thiện. Những tàn dư, hậu quả của cơn bão “ết” cách đây 10 năm cũng đang dần được khắc phục, bộ mặt của xã cũng vì thế mà đổi thay.

Rời Mường Nọc, tôi cứ băn khoăn mãi, không biết giọt nước mắt của chị Lô Thị Th hay của bà Lô Thị M chát đắng hơn, tủi khổ hơn, nhưng chỉ biết rằng, họ đã và sẽ còn khóc rất nhiều. Dẫu cái chết của chồng, con trai họ là cái kết được dự báo trước, nhưng đó vẫn là sự chấm dứt của những sinh mạng con người, là máu mủ ruột già...

Tác giả: Nam Hoàng
Nguồn tin: Báo Công Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP