Xã hội

Khối 7 thị trấn Anh Sơn 17 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên

Xuất phát từ mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc mà trong suốt 17 năm qua, không có gia đình nào ở khối 7 thị trấn Anh Sơn sinh con thứ 3 trở lên. Điều đó cho thấy sự đổi thay chính trong nhận thức của người dân đã không còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng như sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể địa phương đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Công tác viên dân số ở khối 7 tận tình đến từng nhà hướng dẫn các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình


Sớm ý thức được việc sinh đông con là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, dù sinh hai con gái, nhưng gia đình Lê Thị Thu Hương và anh Nguyễn Hoài Nam đã tự nguyện ký cam kết với khối không sinh thêm con thứ 3 trở lên. Chị Hương tâm sự: Nhiều người vẫn suy nghĩ "đông con hơn đông của" và quan niệm "đủ nếp đủ tẻ", nhưng vợ chồng tôi xác định nên đẻ ít con để có điều kiện chăm lo cho con. Vợ chồng tôi đều có suy nghĩ trai hay gái cũng như nhau, quan trọng là bố mẹ phải có trách nhiệm chăm lo nuôi dạy con cái và xây dựng kinh tế gia đình. Hiện kinh tế gia đình tôi dù chưa phải là giàu có, nhưng cũng thuộc diện khá trong khối. Gia đình, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc, hai cháu đều chăm ngoan, biết kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ”.

Cán bộ khối đến tuyên truyền, vận động gia đình chị Hồ Thị Thanh Nga dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt


Gia đình chị Hồ Thị Thanh Nga và anh Nguyễn Trọng Minh có điều kiện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, anh chị lại sinh con một bề là nam và họ đã kiên định chỉ dừng lại ở hai con để việc nuôi dạy các con được tốt hơn. Chị Nga chia sẻ: “Chồng tôi muốn có thêm đứa con gái lắm. Gia đình và bạn bè cũng động viên là "thêm con thêm của", điều kiện kinh tế có thì cứ đẻ thêm lấy một đứa nữa cũng chẳng sao. Nhưng tôi nghĩ, dù gái hay trai cũng đều là con mình, có 2 con là đủ rồi”. Từ nhận thức ấy, gia đình chị Nga quyết định tập trung phát triển kinh tế gia đình. Năm 2013, gia đình chị đã đầu tư phát triển nuôi ong lấy mật với 90 thùng ong và buôn bán hàng hải sản mỗi năm cho thu nhập 150 triệu đồng.

Gia đình chị Hồ Thị Thanh Nga và anh Nguyễn Trọng Minh tuy sinh con một bề nhưng đã dừng lại ở 2 con để phát triển kinh tế.


Bà Nguyễn Thị Hòa cộng tác viên dân số khối 7 thị trấn Anh Sơn cho biết: Khối hiện có 55 hộ dân với 204 nhân khẩu. Trong đó, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ 35 cặp chiếm hơn 63%, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, về chính sách dân số nên đã 17 năm qua và 9 tháng đầu năm 2016 khối không có người sinh con thứ ba. Bà Hòa chia sẻ: Để làm được điều này, chúng tôi xác định tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Không chỉ tuyên truyền tại các cuộc họp chi bộ, họp khối, các đoàn thể mà chúng tôi còn trực tiếp đến những gia đình sinh con một bề hoặc một số cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình để tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, với tiêu chí "mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 - 2 con để nuôi dạy cho tốt".

Khối có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 3%; 80% hộ khá và giàu.


Điểm nổi bật trong công tác DS-KHHGĐ của khối 7 là việc tổ chức rộng rãi các hình thức đăng ký thực hiện KHHGĐ đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đồng thời coi trọng khuyến khích cá nhân tự giác thực hiện. Ngoài những buổi họp khối, sinh hoạt đoàn thể thì cách làm cán bộ ở khối 7 là gặp đâu nhắc nhở đó, từ chợ đến nhà, từ tổ chức tư vấn nhóm đến tư vấn trực tiếp với từng phụ nữ. Ngay cả những người dân trong khối cũng tự động viên nhắc nhở nhau giữ gìn, bảo vệ thành tích cho khối cũng là đem lại lợi ích cho chính gia đình mình. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách dân số khối cũng tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn tại gia đình để vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn. Hiện nay 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng biện pháp tránh thai trong đó 1 cặp đình sản, 4 cặp dùng bao cao su, 3 cặp uống thuốc tránh thai, còn lại là đặt vòng.

Từ việc tự nhận thức đầy đủ mặt lợi của sinh đẻ có kế hoạch, kể từ năm 1998 đến nay khối 7 thị trấn Anh Sơn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2015, khối không có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Công tác DS-KHHGĐ đã thực sự tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá xã hội, góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Hiện, 95% hộ trong khối đạt danh hiệu gia đình văn hóa, khối chỉ còn 3% hộ nghèo; 80% hộ khá và giàu. 10 năm liên tục khối được UBND huyện khen thưởng vì có thực hiện tốt công tác KHHGĐ./.

Tác giả bài viết: Thái Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP