Xã hội

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Cồng, xã Quỳnh Hưng

Sáng ngày 17/4, UBND xã Quỳnh Hưng tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đền Cồng. Tham dự buổi lễ có thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục Trưởng cục kinh tế Bộ Quốc phòng, đại tá Đinh Ngọc Văn - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An. Về phía huyện, có đ/c Lê Xuân Kiên - Uỷ viên BTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đ/c Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện và đại diện các ban, ngành cấp huyện; lãnh đạo và các ban ngành, đoàn thể xã cùng các vị khách quý, các nhà hảo tâm đến từ các doanh nghiệp, những người con xa quê và toàn thể nhân dân xã Quỳnh Hưng .

IMG 0640
Các đại biểu tham dự buổi lễ

Đền Cồng được xây dựng vào năm 1471 ở làng Tiên Yên xưa, nay thuộc thôn 8, xã Quỳnh Hưng. Đây là một công trình lịch sử - văn hóa, là thành quả của nhân dân địa phương tạo dựng nên để tôn thờ và tưởng niệm những người có công với dân, với nước. Các vị thần được thờ tại đền là tướng Đinh Lễ, tướng Đinh Liệt và 53 vị Tiên hiền.

Tướng Đinh Lễ là người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông là cháu gọi Vua Lê Lợi bằng cậu, là người quả cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người, khi còn trẻ thường làm cận vệ cho Lê Lợi và theo Vua chiến đấu chống giặc ngay từ những ngày đầu gian khổ ở vùng núi Chí Linh. Trải qua nhiều năm vào sinh ra tử, ông được phong tới chức Tư Không. Đinh Lễ là một trong những vị tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc và liên tiếp lập được nhiều chiến công hiển hách. Tướng Đinh Liệt là em ruột của tướng Đinh Lễ, ông cùng anh trai theo Lê Lợi từ khi còn nhỏ và được ban quốc tính. Đinh Liệt là một trong số 19 người tham dự "Hội thề Lũng Nhai" và kể từ đó, ông là tướng tâm phúc của Lê Lợi. Ông đã cùng anh trai Đinh Lễ, hạ thành Diễn Châu năm 1426. Cuối năm 1427, ông góp phần rất lớn vào trận chiến lịch sử Chi Lăng - Xương Giang. Bởi những công lao nói trên, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Vua Lê Lợi ban cho Đinh Liệt chức Thứ thủ Quân Thiết Đột, được xếp hạng cao nhất trong số các khai quốc công thần....

IMG 0655
Văn nghệ chào mừng

Đền Cồng được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Tuy nhiên, sau bao biến cố thăng trầm của thời gian, chiến tranh công trình đã bị tàn phá hoàn toàn, đến năm 1995 đền Cồng được nhân dân khôi phục lại để phục vụ nhu cầu tâm linh cho nhân dân trong và ngoài xã.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ngày 18/9/2014, công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Cồng được khởi công xây dựng với các hạng mục: Phục dựng nhà Hạ điện 5 gian; tu bổ, tôn tạo nhà Trung điện; làm mới nhà Thượng điện; làm mới nhà thờ Bác Hồ; xây dựng mới nhà bia; xây dựng mới Tắc môn; chuyển nhà khách về phía Tây và các công trình phụ trợ khác như: nhà hóa vàng, nhà vệ sinh. Bổ sung một số đồ tế khí, công trình điện nước, mở rộng khuôn viên cây cảnh, với tổng diện tích 1.010m2. Tổng mức đầu tư 8.751.000.000 đồng (giai đoạn 1 trên 4 tỷ đồng) bằng nguồn xã hội hóa và đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, những người con xa quê; tiêu biểu là gia đình ông Võ Hồng Thắng, Thiếu tướng - Cục Trưởng cục kinh tế Bộ Quốc phòng, người đã đứng ra phát tâm công đức, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Đền và gia đình ông Phạm Hồng Đào, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hồng Đào. Công trình do UBND xã Quỳnh Hưng làm chủ đầu tư và đơn vị thiết kế kỹ thuật là Công ty tư vấn Thành An 191- Bộ Quốc phòng; Công ty TNHH Hồng Đào và con em trong xã thi công. Sau 12 tháng thi công, công trình đã hoàn thành không những đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn cho địa phương trong việc khai thác tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh.

IMG 0686
Đ/c Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ
IMG 0709
Lãnh đạo huyện và nhà tài trợ cắt băng khánh thành

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư, của đơn vị thi công và sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn. Đến nay công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Cồng đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, góp phần phục vụ tốt nhu cầu hoạt động văn hóa tâm linh của nhân dân. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di tích, đồng chí cũng mong muốn các nhà hảo tâm, các đơn vị, cá nhân và nhân dân luôn hướng về cội nguồn cùng chung tay, góp sức tiếp tục đầu tư hoàn thiện công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Cồng, xứng tầm với di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.

Tác giả bài viết: Hồ Thanh Khương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP